Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/8/1994.
Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã qua nhiều lần sửa đổi và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng lần này xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng được quy định tại Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng với mục tiêu "phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú".
Đồng thời giải quyết những vấn đề vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, Pháp lệnh cần được sửa đổi để xác lập các chế độ ưu đãi phù hợp với công lao cống hiến của từng đối tượng và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Quá trình lấy ý kiến soạn thảo dự án Pháp lệnh, các nội dung sửa đổi nhận được sự đồng thuận của hầu hết các bộ, ngành, địa phương.
Một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, đặc biệt là chưa bổ sung chính sách ưu đãi đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; thực hiện trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 41%; không xem xét đối tượng bệnh binh thời bình.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Liên quan đến có bổ sung hay không chính sách ưu đãi đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, ông Lực nêu ý kiến nếu không bổ sung chính sách này thì sẽ chưa cụ thể hóa được các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khẳng định thế hệ thứ 3 cũng nằm trong huyết thống, máu mủ, ruột thịt, ông Lực cho rằng chính sách là cả một quá trình, cần phải sửa đổi, bổ sung nhiều mới có thể hoàn thiện, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải khảo sát thêm tình hình thực tiễn.
Ông Đoàn Công Hà (Bộ Quốc phòng) thể hiện sự đồng tình, thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc bãi bỏ chế độ với bệnh binh trong thời bình. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn xác định thế nào là bệnh binh để bệnh binh xứng đáng là người có công.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu kết luận cuộc họp |
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo. Pháp lệnh cũng đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Về sự chuẩn hóa các tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng, Thứ trưởng cho biết các thành viên của Hội đồng rất quan tâm đến vấn đề này, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét thật kỹ lưỡng để không xảy ra sai sót trong các tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng.
Liên quan đến sự phù hợp với các chính sách, Thứ trưởng yêu cầu cần lưu ý về việc bỏ hay không chính sách công nhận bệnh binh, đặc biệt là quy định về bệnh binh trong thời bình để phù hợp với Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, phải thẩm tra tác động sâu sắc và tham khảo thêm ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, tránh xung đột với các luật khác.
Về sự phù hợp với phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng cũng đề nghị xem xét và cân nhắc về việc bổ sung chính sách cho các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà bản thân hoặc thân nhân là người có công, đặc biệt là những đối tượng là người nước ngoài nhưng có công với cách mạng Việt Nam trong Pháp lệnh này.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phải nghiên cứu sâu hơn các ý kiến của các đại biểu, đánh giá các tác động về nội dung để đề xuất, tham mưu, lựa chọn các phương án cho phù hợp. Đặc biệt, về chính sách chính sách ưu đãi đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu phải đánh giá kỹ lưỡng về tác động xã hội để có thể sớm hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh.