Theo đại diện Bộ Công an, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã thể chế hóa 2 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua: Một là, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) về dân cư, CSDL về cư trú.
Hai là, quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới như trên sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.
Tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu đều bày tỏ ủng hộ các chính sách lớn của Dự án Luật, nhất là việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên CSDL quốc gia về dân cư, CSDL về cư trú.
Phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có đại biểu băn khoăn về tính khả thi của quy định bởi phải phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Ngoài ra, cần đánh giá tác động các chính sách và tổng kết thực tiễn đầy đủ.
Cũng trong ngày 17/4, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã họp phiên mở rộng để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này nhằm thực hiện phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền thành phố trong một số lĩnh vực như quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính – ngân sách, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát tiển, thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.