Đề xuất bỏ con dấu doanh nghiệp được nhiều sự quan tâm

(PLO) - Tại Hội nghị đối thoại về các vướng mắc của Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư do Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 (Bộ Tư pháp) tổ chức vào hôm qua (11/12), đề xuất bãi bỏ con dấu của DN thu hút được nhiều ý kiến của đại biểu. 

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú. Tham dự Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu cho biết hai đạo luật này tới đây sẽ được sửa đổi, bổ sung theo tinh thần chỉ sửa những nội dung mà DN tích cực thực hiện nhưng thực tiễn phát sinh vướng mắc.

Giới thiệu các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản trong sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật DN, ông Hiếu nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này sẽ chú trọng nâng cao và thúc đẩy quản trị DN tốt; đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí gia nhập thị trường và chủ yếu là “bãi bỏ” các quy định hiện hành, nhất là những quy định DN đã tích cực thực hiện song lại gặp vướng mắc trong thực tế triển khai. 

Theo đó, ông Hiếu lý giải việc phải thúc đẩy quản trị DN tốt bởi đơn giản là việc này mang đến nhiều lợi ích như cải thiện hiệu quả hoạt động; cải thiện được quản lý rủi ro; định giá công ty cao hơn, cơ hội tiếp cận vốn tốt hơn…

Dẫn chứng vụ việc điển hình là hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ông Hiếu phân tích: Từ một công ty gia đình đến khi phát triển lớn mạnh nhưng Trung Nguyên đã không quan tâm đến quản trị DN. Do vậy, khi hai vợ chồng mâu thuẫn đã ảnh hưởng đến Trung Nguyên và Tập đoàn này bị khủng hoảng, thiệt hại không hề nhỏ. 

Ông Hiếu cũng lưu ý xu thế hiện nay trong quản trị DN có sự khác nhau giữa hai khối nhà nước và tư nhân. Cụ thể, ngược lại với khối hành chính công và đơn vị sự nghiệp, trong khối DN đã bắt đầu xuất hiện xu hướng tuyển dụng không cần bằng cấp hoặc bằng cấp không là tiêu chí tiên quyết.

Vấn đề mà ông Hiếu nêu lên được rất nhiều đại biểu quan tâm chính là đề xuất bãi bỏ con dấu của DN. Sau một thời gian tuyên truyền, tỷ lệ ủng hộ việc bỏ con dấu đã vượt qua tỷ lệ phản đối (lần lượt là 51% và 48%, chỉ 1% là có ý kiến khác).

Bàn về đề xuất trên, Luật sư Phạm Quang Đê (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, xã hội hiện chưa chấp nhận việc bỏ con dấu vì chữ ký không đủ để tin tưởng, con dấu là một cách để người ta biết được “anh là ai”.

Từ thực tiễn công việc và kinh nghiệm của mình, ông Đê thận trọng, đồng tình là phải cải tiến để tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, thuận lợi trong quá trình hoạt động song cải tiến đến đâu thì giai đoạn hiện nay cũng chưa thể bỏ được con dấu.

Còn theo bà Dương Thu Phương (Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp), con dấu còn hay mất hay giảm bớt thì cần đặt trong mối quan hệ giữa Luật DN với các luật chuyên ngành, nhất là những chuyên ngành đặc thù, phải làm sao không tạo rủi ro pháp lý cho các chủ thể liên quan, phải đánh giá tác động một cách sâu sắc và toàn diện.

Điều này tương tự như cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện, đã có những điều kiện không đơn thuần là điều kiện kinh doanh thông thường mà là tiêu chuẩn hành nghề nhưng vẫn buộc phải cắt giảm, đơn giản hóa.

“Tạo sự cởi mở, thông thoáng cho DN là định hướng đúng nhưng vẫn phải có những quy định cần và đủ để bảo đảm quản lý nhà nước” – bà Phương nêu quan điểm.

Cũng đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Quách Ngọc Tuấn nêu bật sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật DN và Luật Đầu tư. Trong quá trình chuẩn bị nội dung sửa đổi, bổ sung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, DN.

Riêng với Luật Đầu tư thì là kiến nghị sửa đổi các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh; về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và bảo đảm đầu tư; về hình thức đầu tư, thủ tục đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài…

Tại Hội nghị đối thoại, các đại biểu tiếp tục phản ánh nhiều vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật Đầu tư. Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, quy định tại Điều 23 của Luật đặt ra điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài – phải nắm giữ 51% vốn điều lệ thì mới đầu tư rồi đăng ký DN.

Tuy nhiên, theo bà Hải, có hiện tượng “lách” luật bằng cách thành lập DN không bị hạn chế về ngành nghề kinh doanh rồi sau đó thành lập công ty con và lúc này không còn là nhà đầu tư nước ngoài nữa.

“Vậy nhưng, chúng ta lại không có chế tài nào với hành vi này, trong khi thực tiễn rất rủi ro vì đã khác xa mục tiêu ban đầu – thành lập công ty con” – bà Hải lo ngại và mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận bất cập này. 

Đọc thêm