Đề xuất bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác tội phạm với Công an xã

(PLVN) - Tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) chiều 20/10, đa số các ý kiến tán thành với đề xuất bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.

Bổ sung trách nhiệm xác minh tin báo tội phạm với Công an xã

Trình bày Tờ trình về dự án Luật tại phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí cho biết, mục đích xây dựng luật là để bảo đảm thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam đồng thời giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

VKSNDTC đề xuất dự thảo Luật gồm 3 điều. Trong đó, tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 của BLTTHS theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an).

Tại các khoản 2, 5 và 6 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 của BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 229 của BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 247 của BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

Đồng thời, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, tạo thuận lợi cho việc hợp nhất dự thảo Luật và BLTTHS năm 2015 sau khi Quốc hội thông qua, VKSNDTC cũng đề nghị bổ sung tại các khoản này quy định giao cho Viện trưởng VKSNDTC chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Cho ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhất trí về sự cần thiết ban hành luật nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định CPTPP.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, quá trình xây dựng dự án luật và hồ sơ đảm bảo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đã có ý kiến tham gia, việc thông qua theo quy trình rút gọn là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật theo quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 44 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự bởi Điều này cũng quy định về trách nhiệm của Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm tương tự với khoản 3 Điều 146 BLTTHS.

Bộ trưởng Lê Thành Long thống nhất với đề xuất của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, để đảm bảo kỹ thuật lập pháp, Bộ trưởng Long đề nghị không đưa quy định về việc trên vào một điều khoản độc lập mà đưa vào điều khoản thi hành để vừa đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật lập pháp và vẫn xử lý được về mặt nội dung.

Mỗi công an xã chỉ tiếp nhận 4,3 tố giác, tin báo/năm

Cũng tán thành với đề xuất bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) chỉ ra rằng, chúng ta đã thực hiện đưa công an chính quy đến tất cả các xã.

Tờ trình của Viện KSNDTC cũng cho thấy, năng lực, trình độ, khả năng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của công an xã với phường, thị trấn hiện nay là như nhau, không có sự khác biệt.

Trước đây, công an xã không phải là chính quy nên yêu cầu nhiệm vụ cũng còn có giới hạn. Tuy nhiên, với việc chính quy hóa công an xã, việc quy định nhiệm vụ chung cho các đối tượng này là phù hợp.

Theo đại biểu, trên thực tế, Thông tư 28/2020 của Bộ Công an quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã quy định nhiệm vụ của công an xã và công an phường, thị trấn là như nhau, trừ những xã chưa được bố trí công an chính quy tại thời điểm đó thì bớt một số nhiệm vụ.

Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) phân tích, nhiều địa bàn xã, phường, từ xã đến trung tâm thành phố cả trăm km. Vì thế, nếu giao thẩm quyền cho công an xã để xác minh ngay, sơ bộ tin báo tố giác tội phạm sẽ giúp cho việc bảo vệ hiện trường một cách chặt chẽ, lấy lời khai kịp thời hơn.

Theo đại biểu, qua tham khảo và đánh giá tác động cho thấy, nếu giao việc này cho công an xã thì tốt hơn cho công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Hiện nay, lực lượng công an huyện chính quy chuyển xuống công an xã rất nhiều.

“Với số lượng hiện nay, tính theo tỷ lệ bình quân giao cho công an xã xác minh sơ bộ tin báo ban đầu, mỗi công an xã chỉ tiếp nhận 4,3 tố giác, tin báo/năm”, đại biểu nói và bày tỏ tán thành chủ trương bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng đề nghị làm rõ nội hàm kiểm tra, xác minh sơ bộ là làm những hoạt động gì. “Ở đây, tôi thấy khái niệm kiểm tra, xác minh sơ bộ còn hơi mơ hồ, chưa rõ lắm”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, việc kiểm tra, xác minh sơ bộ phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ tổ chức cũng như bộ máy của công an xã hiện nay bởi tuy đã chính quy hóa nhưng số lượng công an xã cũng còn hạn chế, chưa thể so sánh với công an phường, thị trấn đã được tổ chức lâu rồi. Có xã chỉ có 3-5 công an chính quy nên nếu giao quá nhiều việc trong khi khối lượng công việc của công an xã hiện đã khá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công tác này.

Cân nhắc quy định để đảm bảo bao quát

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng tán thành với việc tại các khoản 2, 5 và 6 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 của BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 229 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 247 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

Theo đại biểu, việc quy định như vậy là phù hợp, cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua. “Trong suốt 4 tháng, nhất là ở một số địa phương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội rất nghiêm ngặt, tất cả những hoạt động này đều bị ảnh hưởng, không thể thực hiện trong như trong điều kiện bình thường trong khi trước đây chúng ta chưa có quy định về trường hợp này nên các cơ quan gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình”, đại biểu nói.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về quy định lý do “bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” bởi theo đại biểu, rà soát lại Bộ Luật TTHS cho thấy trong Luật có 44 lần nhắc đến “vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan” ở trong các điều luật khác nhau.

“Như thế, trong luật đã dùng từ bất khả kháng nhiều lần nhưng không gắn với thiên tai dịch bệnh. Trong dự luật lại đưa ra khái niệm mới là bất khả kháng, do thiên tai dịch bệnh. Vậy có gì khác so với các trường hợp bất khả kháng khác không và thiên tai dịch bệnh ở đây đã bao quát đủ chưa?”, đại biểu nói và đều xuất quy định chỉ quy định vì lý do thiên tai dịch bệnh và giao cho các cơ quan quy định cụ thể, tránh khả năng áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan.

Đọc thêm