Anh Đỗ Bình Minh (ở Đống Đa, Hà Nội) kết hôn với chị Lại Thị Hương ở Cao Bằng năm 2001. Sau nhiều năm chắt chiu, dành dụm, năm 2013 vợ chồng anh Minh mới mua được một mảnh đất nhỏ ở Thủ đô. Mua bán xong, vợ chồng anh Minh tiến hành làm các thủ tục để sang tên sổ đỏ.
Tuy nhiên, khi hồ sơ lên đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì phát sinh vấn đề là vợ chồng anh Minh muốn đứng tên chung trong sổ đỏ nhưng lại mất giấy đăng ký kết hôn. Mặc dù anh Minh đã cam kết với cán bộ nhà đất là giấy đăng ký kết hôn (bản chính) của vợ chồng anh đã bị mất song vẫn không được chấp nhận. Anh Minh đành quay về UBND cấp xã nơi đăng ký kết hôn trước kia nhưng Ủy ban giải thích họ chỉ được cấp lại bản sao từ sổ gốc còn đang lưu trữ mà không thể cấp lại bản chính.
Phải ly hôn mới có đăng ký kết hôn?
Theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch thì việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi đã được đăng ký, nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại. Tuy nhiên, đối chiếu với trường hợp của anh Minh thì không thuộc trường hợp được đăng ký lại vì hiện sổ gốc đăng ký kết hôn của anh vẫn còn.
Cũng theo quy định của pháp luật về hộ tịch thì giấy đăng ký kết hôn (bản chính) không được phép cấp lại cho công dân khi có yêu cầu. Điều này có nghĩa là nếu anh Minh muốn có giấy đăng ký kết hôn bản chính thì không còn cách nào khác là… làm thủ tục ly hôn rồi quay lại xin đăng ký kết hôn với chính người vợ cũ của mình.
Trong cuộc sống có không ít những trường hợp như của anh Minh, do sơ ý hoặc vì những lý do bất khả kháng (hỏa hoạn, lũ lụt, thiên tai…) đã làm mất giấy tờ hộ tịch bản gốc, trong đó có giấy đăng ký kết hôn. Theo quy định của Nghị định 79/2007/NĐ-CP về chứng thực thì bản sao cấp từ sổ gốc có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch. Như vậy có nghĩa là, nếu không có bản chính thì người dân có thể xuất trình giấy đăng ký kết hôn bản sao (có chứng thực).
Tuy nhiên, trong thực tế thì có rất nhiều cơ quan, tổ chức không chấp nhận bản sao này mà vẫn yêu cầu có bản chính đối chiếu. Đó là chưa kể khó khăn cho người dân ở chỗ khi đã mất bản chính thì họ không thể làm được bản sao.
Và cách duy nhất để có được bản sao là quay về nơi đăng ký hộ tịch ban đầu (như trường hợp anh Minh nói trên) để xin cấp bản sao từ sổ gốc. Đối với những trường hợp đăng ký hộ tịch một nơi nhưng thực tế lại sinh sống ở nơi khác thì việc quay về nơi cũ xin bản sao gây không ít phiền hà, tốn kém cho người dân.
Đề xuất cho cấp lại bản chính
Trong các loại giấy tờ về hộ tịch theo quy định của Nghị định 158/CP thì chỉ có giấy khai sinh được cấp lại bản chính (áp dụng trong trường hợp bản chính giấy khai sinh bị mất, hư hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều nội dung do được thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch hoặc điều chỉnh hộ tịch mà Sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được). Còn lại, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử…thì không được cấp lại bản chính. Việc này gây nhiều khó khăn cho người dân trong các giao dịch thường ngày.
Do đó, nhiều ý kiến đề xuất nên cho phép cấp lại bản chính giấy đăng ký kết hôn cũng như giấy chứng tử. Tuy nhiên, nên quy định rõ cấp lại trong trường hợp nào và khống chế số lần được cấp để tránh việc cấp tùy tiện.
Trong khi chờ sửa các quy định của pháp luật về hộ tịch thì các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các yêu cầu của người dân không được yêu cầu xuất trình bản chính khi đã có bản sao có chứng thực. Nếu không tuân thủ đúng các quy định này thì cần có chế tài xử lý.
Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ, trách nhiệm đối với công việc của các cán bộ cấp cơ sở để tránh tình trạng sai sót về dữ liệu trong bản chính giấy tờ hộ tịch hoặc không trùng khớp với sổ gốc.