Đề xuất cho dịch vụ cắt tóc, massage được gia hạn nộp thuế do Covid-19

(PLVN) - Các dịch vụ vui chơi, giải trí, cho thuê mặt bằng, dịch vụ giáo dục, phục vụ cá nhân và dịch vụ hôn lễ đều là các dịch vụ chịu sự tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19…

Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi.

Góp ý vào dự thảo này, các chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Điều 1 của dự thảo đã xác định 22 nhóm ngành kinh tế sẽ được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế do chịu thiệt hại từ dịch bệnh Covid-19. 

Tuy nhiên, có một só nhóm đối tượng cần được nghiên cứu, bổ sung vào Điều này vì họ  cũng bị tác động của dịch Covid-19. Đó là các dịch vụ vui chơi, giải trí như thư viện, bảo tàng, chiếu phim, sân khấu, dịch vụ biểu diễn, khu vui chơi, khu bảo tồn, công viên, các dịch vụ thể thao (trừ các hoạt động sáng tác, xổ số, cá cược và đánh bạc). 

Các dịch vụ như cho thuê mặt bằng, bất động sản thương mại, cho thuê sân khấu, hội trường, khu làm việc chung (co-working space), dịch vụ giáo dục, dịch vụ hôn lễ cũng bị tác động nặng nề bới dịch này.

Một nhóm đối tượng khác cần được xem xét là các dịch vụ phục vụ cá nhân khác có sự tiếp xúc trực tiếp như cắt tóc, làm đầu, gội đầu, massage, spa, cơ sở chăm sóc sức khoẻ, hoạt động trợ giúp xã hội.

Đây đều là các dịch vụ chịu sự tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19 và rất cần có sự giãn thuế của Nhà nước nhằm tránh cho doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền trong giai đoạn này” – VCCI góp ý.

Ngoài ra, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định trường hợp doanh nghiệp không thuộc các ngành kinh tế trên, nhưng cũng phải chịu thiệt hại do các quyết định cách ly, phong toả, buộc dừng hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đó là các doanh nghiệp có trụ sở, địa điểm, cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu vực cách ly theo quyết định của cơ quan nhà nước, hoặc là các doanh nghiệp có từ 20% số lao động trở lên thuộc diện cách ly bắt buộc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như trường hợp các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Bình Xuyên bị thiếu lao động trong 21 ngày cách ly xã Sơn Lôi). Ngoài ra, đó là các trường hợp cách ly, phong toả, buộc đóng cửa, dừng hoạt động khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về tính khả thi, việc xác định các doanh nghiệp này tương đối dễ dàng vì đã có các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Để đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định: về mặt hồ sơ, chỉ yêu cầu doanh nghiệp nộp bản photo đen trắng (nếu nộp trực tiếp) hoặc bản scan, bản chụp ảnh (nếu nộp điện tử), hoặc ghi đường dẫn đến trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan nhà nước đăng tải quyết định đó. Việc kiểm tra lại thông tin thuộc về trách nhiệm của cán bộ thuế” – VCCI đề nghị.

Đọc thêm