Đề xuất cho phép các bảo tàng, ban quản lý di tích được thành lập quỹ tín thác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là một trong những ý kiến góp ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi (dự thảo), do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng.
Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993.
Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993.

Thiếu minh bạch, tốn kém chi phí xã hội

VCCI cho biết, Luật Di sản văn hoá hiện nay điều chỉnh cả các danh lam thắng cảnh là những di tích có yếu tố cảnh quan thiên nhiên kết hợp với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học. Tuy nhiên, điều này gây ra sự chồng chéo với pháp luật về khu bảo tồn thiên nhiên trong Luật Đa dạng sinh học và rừng đặc dụng trong Luật Lâm nghiệp. Một số khu vực hiện vừa được công nhận là di sản vừa được xếp vào rừng đặc dụng và khu bảo tồn. “Quy định trên khiến cho các hoạt động có liên quan đến các khu vực này phải đồng thời tuân thủ nhiều quy định pháp luật có cùng mục đích quản lý. Điều này không chỉ tạo sự thiếu minh bạch, tốn kém chi phí xã hội không cần thiết mà còn tăng rủi ro pháp lý cho các bên liên quan” – đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhấn mạnh.

Do đó, VCCI đề nghị đưa quy định nhằm xử lý các trường hợp này, bảo đảm nguyên tắc mỗi khu vực bảo tồn (dù là di sản văn hoá hay bảo tồn thiên nhiên) chỉ có một khung pháp lý thống nhất.

Về chỉ dẫn địa lý, pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam nên cho phép công nhận chỉ dẫn địa lý đối với cả những hàng hoá là sản phẩm nghề truyền thống của một khu vực, cộng đồng dân cư nhất định. Những nghề truyền thống này cũng có khả năng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể theo pháp luật về di sản văn hoá. Nếu một sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý và quá trình làm ra sản phẩm đó được công nhận di sản văn hoá phi vật thể thì sẽ có tác dụng cộng hưởng rất tốt. Giá trị văn hoá sẽ là câu chuyện giúp sản phẩm hàng hoá có giá trị thương mại cao hơn. Ngược lại, thương mại hoá sản phẩm sẽ giúp giá trị văn hoá được quảng bá rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có một sản phẩm hay nghề truyền thống nào của Việt Nam được công nhận cả hai hình thức này. Do đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo tạo cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý di sản và cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý.

Về cơ chế quản lý bảo tàng tư nhân, hiện phát triển bảo tàng tư nhân là một trong những biện pháp có thể giúp huy động thêm các nguồn lực tư nhân vào việc bảo tồn các giá trị di sản. Dự thảo đưa ra quy định riêng dành cho các bảo tàng tư nhân nhưng chưa rõ định hướng quản lý sẽ như thế nào. Vì thế, VCCI cho rằng, quy định hiện hành của Luật Di sản văn hoá rất bất cập vì không có tiêu chí rõ ràng trong việc cấp phép kinh doanh dịch vụ bảo tàng, đồng thời các tiêu chí được đưa ra (bộ sưu tập, nơi trưng bày, người có chuyên môn) cũng không phải là vấn đề cần quản lý.

Hiện nay, theo quy định của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp và khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư, việc cấp phép cho các bảo tàng tư nhân chỉ nên căn cứ vào các yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Đối với hoạt động bảo tàng, nguy cơ chỉ có thể nảy sinh khi các nội dung thông tin được thể hiện trong bảo tàng có thể ảnh hưởng đến các lợi ích công cộng. Do đó, một số DN kiến nghị nghiên cứu phương án quản lý tập trung vào nội dung thông tin tại các bảo tàng thay vì quản lý phòng trưng bày hay chuyên môn của người lao động.

Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập

Hiện nay, nguồn lực dành cho hoạt động di sản văn hoá phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách Nhà nước. Tờ trình của cơ quan soạn thảo dự thảo cũng thừa nhận thực tế là nguồn lực xã hội hoá dành cho hoạt động di sản văn hoá không nhiều do cơ chế tài chính hiện có rất nhiều bất cập.

Sự phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay cho thấy, bắt đầu có không ít cá nhân, tổ chức có mong muốn, nguyện vọng dành một phần tài sản của bản thân để đóng góp cho các giá trị văn hoá, tinh thần của xã hội. Tuy nhiên, hiện chưa có những cơ chế tài chính minh bạch để dẫn dắt dòng tiền này phục vụ cho hoạt động di sản văn hoá. Các thiết chế trung gian về tài chính và văn hoá chưa nhận được đủ sự tin tưởng để được gửi gắm các nguồn lực xã hội này.

Theo VCCI, do thiếu vắng cơ chế tài chính, nên các khoản tiền đóng góp cho văn hoá thường tồn tại dưới hai hình thức chính: (1) tặng cho vô điều kiện; (2) tài trợ dự án, xây dựng công trình. Hình thức đầu tiên sẽ không thu hút được nhiều nguồn lực, còn hình thức thứ hai thì dễ kiểm soát mục đích sử dụng tiền, nhưng lại không có gì bảo đảm về chất lượng.

Do đó, đơn vị đại diện cộng đồng DN đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về một cơ chế tài chính cho phép các “mạnh thường quân” có thể vẫn kiểm soát được việc sử dụng tiền đúng mục đích hiến tặng cho hoạt động văn hoá mà không mất nhiều công sức quản trị.

“Có thể nghiên cứu một số mô hình như cho phép các bảo tàng, ban quản lý di tích, các hội nhóm bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể được thành lập quỹ tín thác. Các quỹ này được phép tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ cho hoạt động văn hoá thông qua các hợp đồng có và không có ràng buộc, phải bảo đảm sử dụng tiền đúng mục đích và hiệu quả thông qua các biện pháp như báo cáo, kiểm soát, kiểm toán…” – VCCI kiến nghị.

Đọc thêm