Phải chủ trì cả việc chỉnh lý
Báo cáo Ban soạn thảo, ông Võ Văn Tuyển - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: Theo quy định của Luật năm 2015 thì trách nhiệm chủ trì chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh được giao cho Hội đồng Dân tộc hoặc các Ủy ban của Quốc hội đã thẩm tra dự án, còn cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ có trách nhiệm phối hợp chỉnh lý.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, sự tham gia của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh vào quá trình tiếp thu, chỉnh lý một số dự án luật còn rất hạn chế, thậm chí có dự án chỉ có cán bộ cấp phòng và chuyên viên tham gia. Trong các trường hợp này, cơ quan chủ trì soạn thảo thường có xu hướng phó mặc cho cơ quan thẩm tra đề xuất phương án chỉnh lý.
Do vậy, đã có nhiều trường hợp các chính sách, quy định có nhiều thay đổi so với dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình, gây khó khăn cho việc thi hành văn bản sau khi được ban hành và việc quy định chi tiết thi hành các văn bản đó.
Từ các hạn chế nêu trên đặt ra nhiệm vụ phải tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ, phù hợp hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào quá trình xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh. Nhiệm vụ này cũng được Ban Bí thư đặt ra và để thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nội dung sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015 phải “xác định đầy đủ, rõ ràng vai trò, trách nhiệm của Chính phủ trong toàn bộ quy trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh theo hướng phân công hợp lý, bảo đảm kiểm soát quyền lực, trách nhiệm đến cùng của Chính phủ trong việc soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ chủ trì soạn thảo, trình”.
Từ căn cứ trên, Tổ biên tập đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án luật, pháp lệnh chịu trách nhiệm chủ trì việc chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Còn phương án 2 là giữ nguyên như hiện hành nhưng sửa đổi, bổ sung một số quy định để tăng cường cơ chế phối hợp giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp.
Tránh ảnh hưởng quy trình làm việc của Chính phủ, Quốc hội
Đa số thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập bày tỏ sự tán thành với phương án 1 bởi trước đây việc chịu trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình đã được quy định và phát huy hiệu quả, thời gian tới quy định lại sẽ mang tính kế thừa.
Ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cũng nhất trí và cho rằng việc cơ quan trình chịu trách nhiệm “đến cùng” sẽ nâng cao trách nhiệm của cơ quan này. Bà Hồ Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cũng đồng tình với phương án 1 nhưng đề nghị phân tích rõ ràng hơn ưu, nhược điểm của cả 2 phương án để làm “bật” được phương án 1.
Kết luận về đề xuất trên, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận thấy các ý kiến đều thống nhất cao với phương án 1. Tuy nhiên, Bộ trưởng băn khoăn liệu phương án 1 có ảnh hưởng đến quy trình làm việc hiện hành của Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là Quốc hội không hay khi chỉnh lý thì chỉ đạo hoàn thiện sẽ là chủ thể nào? Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu thường trực Tổ biên tập nghiên cứu sâu hơn nữa.
Ngoài ra, tại phiên họp, Ban soạn thảo đã nghe nhiều đề xuất khác như thu hẹp phạm vi các loại nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh phải lập đề nghị xây dựng và quy định rõ hơn các nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh phải lập đề nghị; sửa đổi, bổ sung quy định về xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn…
Sau khi các thành viên phát biểu, chỉ đạo những đề xuất này, Bộ trưởng nhất trí thu hẹp phạm vi các loại nghị định phải lập đề nghị (nhiều ý kiến cho rằng nên giảm với nghị định “không đầu”) song giảm với loại nghị định thì cần báo cáo, đánh giá cụ thể. Đồng thời, phải quy định chặt chẽ hơn các trường hợp được xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn để tránh lạm dụng trình tự này.