An Giang hiện có trên 50 bờ sông với chiều dài hơn 160 km có nguy cơ sạt lở. Trong đó, có 5 đoạn được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm, 32 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 11 đoạn ở mức độ trung bình và 3 đoạn ở mức độ nhẹ, có nguy cơ ảnh hưởng đến 20.000 hộ dân đang sinh sống. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên bước đầu được xác định là do các điểm được cảnh báo trên có dòng chảy mạnh liên tục, dễ gây hiện tượng xâm thực, lấn sâu vào đất liền.
Ngày 26/4, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã tới khảo sát hiện trạng khu vực sạt lở trên sông Vàm Nao (huyện Chợ Mới, An Giang), đồng thời, đến an ủi, động viên những người bị ảnh hưởng trực tiếp do vụ sạt lở.
Đại diện Bộ, ngành liên quan khảo sát tình trạng sạt lở. |
Trước đó, tối 25/4, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đoàn công tác của Bộ TN&MT cũng đã buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang về vấn đề sạt lở.
Tại buổi làm việc Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, tình hình sạt lở ở An Giang rất nghiêm trọng. Tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành để xác định những vùng sạt lở nguy hiểm nhằm có giải pháp giải quyết hiệu quả, kịp thời. Bộ sẽ chỉ đạo Viện Khoa học địa chất phối hợp với các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu, đánh giá cụ thể về hiện trạng sạt lở ở sông Tiền, sông Hậu. Từ đó, đề xuất giải pháp giúp tỉnh An Giang và các địa phương trong vùng ĐBSCL giải quyết “vấn nạn” sạt lở một cách bền vững, lâu dài.
Theo Sở TN&MT An Giang, mỗi năm tỉnh này xảy ra khoảng 20 vụ sạt lở bờ sông, thiệt hại khoảng 100 tỷ mỗi năm. Hai năm gần đây đã xảy ra 38 vụ sạt lở bờ sông, cuốn trôi 142 căn nhà, ước thiệt hại hơn 200 tỷ đồng.
Mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục như quan trắc để dự báo kịp thời, cắm mốc cảnh báo, giám sát chặt chẽ việc nạo vét các luồng lạch, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng kè chống sạt lở…Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có giải pháp để giải quyết lâu dài và bền vững tình trạng sạt lở này.