Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua, trên cơ sở theo dõi, đánh giá tình hình thực tế triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 106/2017/NĐ-CP và Nghị định số 08/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương thấy rằng một số nội dung của Nghị định cần phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế như sau:
Thứ nhất, khắc phục tình trạng chồng chéo trong việc cấp phép đầu tư trồng cây thuốc lá. Hiện nay, các Sở Công Thương nơi có trụ sở doanh nghiệp cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá trong khi doanh nghiệp này không có vùng trồng tại đây ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý và giám sát hoạt động của doanh nghiệp, tạo sự chồng chéo. Để khắc phục tình trạng chồng chéo nêu trên, dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể như sau:
- Tại Điều 7 dự thảo Nghị định quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư trông cây thuốc lá quy định doanh nghiệp ngoài việc đầu tư 100ha/vụ thì phải có 1 vùng trồng với diện tích trồng tối thiểu 40 ha/1 tỉnh.
- Tại Điều 11 dự thảo Nghị định quy định rõ Sở Công Thương nơi có vùng trồng trực tiếp của doanh nghiệp có quy mô trồng lớn nhất (tối thiểu là 40ha) là đơn vị cấp Giấy phép đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá. Sở Công Thương các tỉnh nơi có vùng trồng của doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp trong việc quản lý.
Thứ hai, về cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá. Hiện nay, theo quy định của Nghị định 67/2013/NĐ-CP, điều kiện để được cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá là doanh nghiệp phải trực tiếp sở hữu máy móc. Trong thực tế, Vinataba đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động sản xuất sản phẩm thuốc lá nhưng không trực tiếp sở hữu máy móc mà trực tiếp sở hữu các nhãn thuốc lá và đầu tư 100% vốn vào các đơn vị nhập khẩu, phân phối thuốc lá và các công ty sản xuất thuốc lá. Vì vậy, cần có quy định cụ thể để khắc phục vướng mắc khi cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá cho Vinataba. Cụ thể:
Tại Điều 16 dự thảo Nghị định quy định điều kiện cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá) là Doanh nghiệp phải có máy móc thiết bị chuyên ngành gồm các công đoạn chính cuốn điếu, đóng bao hoặc 100% vốn tại công ty có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá.
Với các quy định này, các đơn vị sản xuất sản phẩm thuốc lá nhưng không trực tiếp sở hữu máy móc thiết bị được cấp Giấy phép sản xuất theo quy định.
Thứ ba, về vướng mắc trong việc cổ phần hóa và quy định vốn nhà nước đầu tư tại liên doanh:
Do Nghị định 67/2013/NĐ-CP chưa làm rõ về vốn chi phối của nhà nước tại Liên doanh đã gây khó khăn, vướng mắc trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (Vinataba). Cụ thể là không thể cổ phần hóa Vinataba do vướng mắc quy định tỷ lệ sở hữu chi phối đồng thời với việc Liên doanh nước ngoài phải đảm bảo liên kết với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá.
Vì vậy, cần phải bổ sung quy định cho phù hợp và giải quyết vướng mắc trong việc cổ phần hóa. Cụ thể:
Tại Điều 25 (Đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm thuốc lá) của dự thảo đã bổ sung quy định: “1. Điều kiện thành lập dự án có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm thuốc lá:
a) Liên doanh với doanh nghiệp đã có giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá.
b) Nhà nước có cổ phần chi phối tại doanh nghiệp có giấy phép sản xuất thuốc lá.
c) Doanh nghiệp có giấy phép sản xuất thuốc lá chiếm cổ phần chi phối trong Dự án.”
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.