Về nội dung này, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, dự thảo Luật bổ sung quy định cơ quan được tham vấn chính sách có thể chủ động trong việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu, phục vụ việc tham gia ý kiến đối với đề xuất chính sách một cách hiệu quả, chất lượng (được quyền thuê chuyên gia, tổ chức điều tra, khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm để hỗ trợ, nâng cao chất lượng ý kiến tham vấn).
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) chiều ngày 5/2 |
7 đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật.
Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có nhiều quy định đổi mới, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật. Cụ thể là: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Thẩm tra về phản biện xã hội và tham vấn chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với quy định của dự thảo Luật về phản biện xã hội đối với chính sách, dự thảo VBQPPL để vừa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên, vừa tập trung một đầu mối xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phản biện xã hội như hiện hành; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và thống nhất với quy định tại Luật Công đoàn. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể quyền phản biện xã hội độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội.
Về tham vấn chính sách, đa số ý kiến các cơ quan đều tán thành với đề xuất mới này và nhận thấy quy định về tham vấn chính sách giúp các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới nên đề nghị nghiên cứu quy định rõ khái niệm, nội dung của “tham vấn chính sách”, trách nhiệm của các cơ quan được tham vấn, thời điểm thực hiện tham vấn, phân biệt rành mạch giữa “tham vấn chính sách” với “lấy ý kiến” trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa tham vấn chính sách với lấy ý kiến trong quy trình xây dựng chính sách, pháp luật; làm rõ nội hàm của tham vấn chính sách.
Về mối quan hệ giữa quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tán thành với cách thiết kế các quy định của dự thảo Luật về xây dựng chính sách và soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH. Theo đó, về cơ bản đã “phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo” và “Chính phủ, cơ quan trình phê duyệt chính sách để làm cơ sở cho việc soạn thảo”.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH cơ bản tán thành có tham vấn chính sách nhưng cũng đồng tình với các ý kiến về việc cần phải làm rõ hơn nữa quy định về nội dung “tham vấn chính sách”, phân biệt giữa tham vấn chính sách và lấy ý kiến. Theo đó, tham vấn chính sách có sự khác biệt trong quá trình xây dựng VBQPPL, khác với hoạt động lấy ý kiến bằng văn bản như hiện nay đang thực hiện. Tham vấn chính sách là tổ chức một hội nghị, cuộc họp của cơ quan soạn thảo - đây là quy trình bắt buộc, có lấy ý kiến, có tiếp thu giải trình. Quy trình bắt buộc này của “tham vấn chính sách” có giá trị pháp lý cao hơn lấy ý kiến.
Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương:
"Tham vấn chính sách là quy trình rộng hơn, đa dạng hơn quy trình lấy ý kiến"
|
Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương |
Về tham vấn chính sách, theo kinh nghiệm lập pháp quốc tế, tôi cho rằng đây là quy trình rộng hơn, đa dạng hơn quy trình lấy ý kiến chính sách; diễn ra trong nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình ban hành chính sách…; mang tính chủ động và liên tục trong tất cả các giai đoạn của quá trình hoạch định chính sách, chứ không phải chỉ khi có chính sách cụ thể. Đối tượng tham vấn chính sách cũng rộng hơn, bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, người dân… Mục đích là để chúng ta thu thập thông tin phản biện, đánh giá tác động, tìm kiếm sự đồng thuận của các đối tượng trước khi chính sách được hoạch định cụ thể và được ban hành.
Còn lấy ý kiến là quy trình diễn ra khi có một chính sách cụ thể nào đó, cho một vấn đề cụ thể. Đối tượng lấy ý kiến sẽ hẹp hơn… Vì vậy, phải làm rõ khái niệm tham vấn chính sách, phải làm tham vấn chính sách như thế nào… nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Quang Huy:
"Cố gắng ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa"
|
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Quang Huy |
Thực tiễn có những đạo luật triển khai trong thời gian nhanh, ngắn, gấp nên dự án Luật có thể cho phép ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật. Đề xuất rà soát và cố gắng ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong dự án Luật để giúp tổ chức thực thi, tổ chức rà soát, đánh giá tính đồng bộ của hệ thống pháp luật thì chúng ta có cơ sở pháp lý và nguồn lực để chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, cần có cách thức lấy ý kiến không mang tính hình thức như việc đăng tải toàn bộ dự thảo luật lên cổng thông tin điện tử hiện nay. Có thể tách các chính sách, các điều luật để người dân có thể góp ý vào những nội dung họ quan tâm.