Đề xuất mức tăng học phí cao nhất tới 500%

Theo đề án điều chỉnh học phí của UBND thành phố chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ 21 HĐND TP Hà Nội thì mức tăng học phí đối với học sinh Thủ đô thấp nhất cũng gấp 2 lần mức hiện nay, mức cao kỷ lục là 5 lần (tức tăng tới 500%).
Theo đề án điều chỉnh học phí của UBND thành phố chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ 21 HĐND TP Hà Nội thì mức tăng học phí đối với học sinh Thủ đô thấp nhất cũng gấp 2 lần mức hiện nay, mức cao kỷ lục là 5 lần (tức tăng tới 500%).

Thống kê thu nhập bình quân chưa chính xác?

Đây là thông tin được ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Hà Nội đưa ra tại buổi họp báo chiều ngày 8/7 về nội dung của kỳ họp thứ 21 HĐND thành phố sẽ diễn ra từ 13 – 15/7.

Theo ông Toàn, ngày 14/5/2007 Chính phủ đã ra nghị định số 49 về điều chỉnh mức thu học phí đối với các cơ sở mầm non và phổ thông công lập. Đây là vấn đề mang tính nhạy cảm xã hội rất lớn cho nên HĐND thành phố đã theo dõi giám sát việc xây dựng đề án điều chỉnh học phí. Cũng tại đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, HĐND thành phố đã đưa nội dung về điều chỉnh mức học phí ra lấy ý kiến. Kết quả tiếp xúc cử tri cho thấy nhìn chung cử tri các địa phương đều đồng ý với việc điều chỉnh học phí, nhưng các cử tri băn khoăn là điều chỉnh ở mức nào thì hợp lý?
Học sinh khu vực nông thôn sẽ khó khăn hơn với mức tăng học phí mới. 
Ảnh: C.H
Theo Nghị định 49/NĐ-CP, nguyên tắc xác định là căn cứ vào điều kiện kinh tế, đặc điểm của từng vùng nhưng cũng không vượt quá 5% mức thu nhập bình quân đầu người ở địa phương đó. Trong quá trình xây dựng đề án, Sở GD&ĐT Hà Nội được Cục Thống kê của thành phố cung cấp kết quả thu nhập bình quân trên địa bàn thành phố chia làm 3 mức: Khu vực nội thành là 2,4 triệu đồng/người/tháng; Khu vực nông thôn có 2 mức, nhóm 1 là 1,8 triệu đồng/người/tháng, mức thấp hơn là 1,04 triệu đồng/người/tháng. Khi được thông báo kết quả thống kê thu nhập, cử tri nhiều địa phương băn khoăn về kết quả thống kê ấy. Cử tri cho rằng mức thu nhập thực tế thấp hơn con số thống kê. Do vậy, HĐND thành phố đã đề nghị Cục Thống kê làm rõ con số thống kê về thu nhập trên tại kỳ họp sắp tới.Tăng đối tượng được miễn, giảm Cũng theo ông Toàn, cử tri bày tỏ băn khoăn cách phân loại đối tượng để đóng học phí của đề án, theo đó sẽ phân làm 3 nhóm, nhóm khu vực thành thị và nông thôn dự kiến phân làm 2 nhóm: nhóm học sinh có cha mẹ làm nông dân và nhóm học sinh có cha mẹ làm các ngành nghề khác. Nhiều cử tri và lãnh đạo các quận huyện kiến nghị không nên phân loại học sinh ở nông thôn thành 2 nhóm như đề xuất mà chỉ nên để 1 nhóm. Điều này cũng phù hợp với Nghị định 49 là chia làm 3 nhóm: thành thị, nông thôn và miền núi. Đối với các vùng được ưu đãi miễn, giảm, không phải đóng học phí, chi phí hỗ trợ học tập... theo quy định của Chính phủ thì Hà Nội có 9 xã trong diện được miễn giảm. Tuy nhiên, Hà Nội đề xuất số xã được miễn giảm lên tới 15, trong đó tập trung ở huyện Ba Vì, 3 xã của tỉnh Hòa Bình mới được sáp nhập. Trong cuộc họp thẩm tra của Ban Văn hóa - xã hội sáng 8/7, các thành viên đề nghị UBND thành phố làm rõ căn cứ để xây dựng mức điều chỉnh học phí như UBND đã trình. Theo phân tích của HĐND, với mức đề xuất điều chỉnh học phí như trên so với mức thu hiện nay thì mức tăng thấp nhất là gấp 2 lần và tăng cao nhất lên tới 5 lần (500%). Ví dụ, THCS mức thu hiện nay là 20.000đ đề nghị điều chỉnh lên 100.000đ, tăng 5 lần; Hay với THPT hiện đang thu là 30.000đ được đề nghị điều chỉnh lên 120.000đ, tăng gấp 4 lần. Ông Nguyễn Đức Toàn cho biết, đa số các thành viên của Ban Văn hóa – Xã hội chưa đồng tình với mức đề nghị điều chỉnh tăng như đề án. Ban đề nghị nghiên cứu lại mức điều chỉnh để giảm mức tăng học phí trên toàn địa bàn thành phố. “Chúng tôi đề nghị theo 2 hướng. Thứ nhất, đảm bảo thực hiện như quy định của Nghị định 49 (tăng không quá 5% thu nhập). Hướng thứ hai, nếu có điều chỉnh thì tăng không quá 1,5 đến 2 lần. Như thế sẽ hợp lý hơn chứ tăng cao quá thì không ổn”, ông Toàn nhấn mạnh.
Mức đề xuất tăng học phí theo đề án của UBND TP Hà Nội:
* Mẫu giáo: Học sinh thành thị là 165.000 đồng; Học sinh nông thôn có cha mẹ làm nông nghiệp thì điều chỉnh là 30.000 đồng, học sinh nông thôn có cha mẹ làm nghề khác thì mức điều chỉnh là 50.000 đồng.

* Nhà trẻ: Học sinh thành thị là 175.000 đồng; Học sinh nông thôn có cha mẹ làm nông nghiệp là 35.000 đồng; Học sinh có cha mẹ làm nghề khác là 70.000 đồng

* THCS: Học sinh thành thị 100.000 đồng; Học sinh nông thôn có cha mẹ làm nông nghiệp là 30.000 đồng; Học sinh có cha mẹ làm nghề khác là 50.000 đồng.

* THPT: Học sinh thành thị 120.000 đồng; Học sinh nông thôn có cha mẹ làm nông nghiệp là 35.000 đồng; Học sinh có cha mẹ làm nghề khác là 55.000 đồng.

Mức học phí trên tính theo mỗi tháng học tập chính khóa.    
Theo Lê Minh
GĐ&XH

Đọc thêm