Đề xuất phương án hiệu quả quản lý thị trường gas

(PLVN) - Để quản lý hiệu quả thị trường gas, rất nhiều ý kiến đã được nêu ra, trong đó việc số hóa bình gas và quy định “bình gas giả” là 2 phương án được xem là hiệu quả trong thời điểm hiện nay. 
Đề xuất số hóa bình gas để quản lý hiệu quả thị trường gas. Ảnh minh họa
Đề xuất số hóa bình gas để quản lý hiệu quả thị trường gas. Ảnh minh họa

Quản lý “bình gas chính chủ” rất khó 

Khí dầu mỏ hóa lỏng gọi tắt là gas, là mặt hàng có nguy cơ cháy, nổ cao và là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Để kinh doanh gas thương nhân phải đầu tư rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng vào bình gas. Do đó, bình gas là tài sản lớn của các công ty kinh doanh khí. 

Theo quy định, chủ sở hữu bình phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đóng thuế, phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chi phí quảng bá thương hiệu, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định… nhưng theo ông Đoàn Trọng Thà, Trưởng Ban chống gian lận thương mại (Hiệp hội Gas Việt Nam), vấn đề quản lý bình gas hiện nay hết sức khó khăn do có tình trạng sử dụng bình gas mang nhãn hiệu của thương nhân có uy tín để sang gas chiết trái pháp luật đưa ra thị trường. Đặc biệt là các vỏ chai bị hoán cải, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị chiếm dụng trái pháp luật dẫn đến việc quản lý vỏ chai ngày càng lộn xộn và rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.

“Tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường đã trở thành bất cập, làm thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây ra  cháy nổ” - ông Thà nói. 

Thời gian qua các lực lượng có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở Trung ương, địa phương đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh gas trên thị trường, đặc biệt là hành vi chiếm đoạt, hoán cải, lưu giữ vỏ bình gas, san chiết gas trái quy định của pháp luật nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả lớn. 

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, hiện chưa có quy định rõ ràng trong việc trao đổi trả chai LPG hoặc hợp đồng trao đổi chai không được một số doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Điều này dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG của nhau, khó kiểm soát hoạt động kinh doanh. 

Bên cạnh đó, các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Ví như tận dụng bãi đỗ xe trống trải cách xa khu dân cư, các khu nhà trọ, bãi đất trống để tiến hành sang chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa vào bình gas loại 12 kg một cách nhanh chóng. Việc sang chiết được thực hiện lén lút, ngoài giờ, thường xuyên thay đổi địa điểm nên rất khó phát hiện, gây khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý. 

Chưa có quy định “bình gas giả”

Theo ông Thà, việc xác định các hành vi sản xuất, kinh doanh gas giả để xử lý chưa cụ thể, cần được hướng dẫn rõ hơn cũng là một nguyên nhân khiến cho chưa thể xử lý triệt để những vi phạm trong kinh doanh gas. Ví dụ, hành vi thương nhân chiếm đoạt bình của thương nhân chủ sở hữu rồi hoán cải (cắt tai, mài vỏ...)  thành chai của mình đang được xử lý khác nhau ở từng địa bàn. Do vậy cần có sự trao đổi, hướng dẫn thống nhất trong của cơ quan có thẩm quyền về xác định hành vi vi phạm để có chế tài xử lý đúng bởi hành vi vi phạm liên quan đến chế tài xử phạt.

Mới đây, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí cũng chưa có quy định về bình gas giả đối với các trường hợp cắt tay xách, mài vỏ bình để gắn nhãn hiệu của mình vào bình của chủ sở hữu khác. Đây là vấn đề nhức nối chưa xử lý triệt để, có nhiều vướng mắc trong khâu xử lý.

Do đó, cần phải có khái niệm rõ ràng về hàng giả trong lĩnh vực kinh doanh gas và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn  bản về quản lý nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh của mặt hàng gas; Đồng thời làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh khí như hàng giả, giả mạo sở hữu trí tuệ, san chiết trái phép. 

“Cần xây dựng và ban hành Thông tư quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với hoạt động kinh doanh khí làm cơ sở pháp lý thống nhất cho các hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm trong hoạt động kinh doanh khí” - ông Thà đề nghị. 

Ngoài ra, ông Minh cũng đưa ra giải pháp số hóa quản lý và truy xuất nguồn gốc bình gas bằng số serie để lực lượng chức năng có thể ngay lập tức xác định bình gas vi phạm sở hữu trí tuệ, là bình gas được sang chiết trái phép. “Dù số hóa để QLTT gas là một việc không đơn giản nhưng nếu không làm được thì việc xử lý sẽ chưa thể triệt để và mang lại hiệu quả” - ông Minh khẳng định. 

Đọc thêm