Cần có chính sách tài chính phù hợp với thực tế
Theo Bộ Tài chính, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong số các giải pháp phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, Nghị quyết có đề cập đến giải pháp: Hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết nói trên, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường quản lý khai thác khoáng sản. Trong đó, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông. Tại Chỉ thị số 38/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản,Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát tổng thể chính sách tài chính về khoáng sản (bao gồm chính sách phí) để xuất điều chính chính sách tài chính phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông. Do đó, đến lúc cần thể chế hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chính sách phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 55 Luật Khoáng sản thì tổ chức, cá nhân được khai thác khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm. Và tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản (NĐ 164) đã quy định tính phí đối với trường hợp trong quá trình khai thác thu được thêm khoáng sản khác loại khoáng sản được cấp phép. Tuy nhiên, NĐ 164 lại không quy định căn cứ xác định tỷ lệ khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm để làm cơ sở tinh phí, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tăng mức thu phí cát, sỏi lên gấp đôi
Theo NĐ 164, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gồm các loại: cát (trừ cát trắng); cuội, sói, sạn; đất sét làm gạch, ngói, các loại đá làm vật liệu xây dựng thông thường; khung mức phí đối với sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường là 1.500 - 6.000 đồng/m3. Tuy nhiên, các quy định này được cho là chưa phù hợp dẫn đến việc khai thác cát, sỏi ở lòng sông, cửa sông, ven biển gây sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện phí BVMT đối với khai thác sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường còn thấp, chưa khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế các loại khoáng sản này. Để hạn chế khai thác mạnh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả đồng thời khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thưởng, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tăng khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng: Mức phí tối thiểu bằng mức phí tối đa hiện hành, mức phí tối đa bằng 200% mức phí tối đa hiện hành.
Cụ thể, loại khoáng sản sỏi, cuội, sạn Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thu phí từ 4.000-6.000 đồng/m3 như hiện nay lên 6.000-12.000 đồng/m3; đá làm vật liệu xây dựng thông thường tăng từ 1.000 -5.000 đồng/m3 lên 5.000-10.000; cát vàng tăng từ 3.000-5.000 đồng/m3 lên 5.000-10.000 đồng/m3; các loại cát khác tăng từ 2.000-4.000 đồng/m3 lên 4.000-8.000 đồng/m3; đất sét, đất làm gạch, ngói tăng từ 1.500 -2.000 lên 2.000 -4.000 đồng/m3.
Liên quan đến căn cứ tính phí khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm, tại khoản 5 Điều 5 NĐ 164 quy định, trong quá trình khai thác mà thu được thêm khoáng sản khác loại khoáng sản được cấp phép thì người nộp phí phải nộp phí BVMT theo mức thu của loại khoáng sản cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác.
Theo Bộ Tài chính, quy định này rất khó xác định mức phí đối với khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm phải nộp vì không xác định được tỷ lệ khoáng sản chính, khoảng sản đi kèm trong khoáng sản nguyên khai, để làm căn cứ tính phí.
Để có căn cứ rõ ràng khi tính phí, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ sửa khoản 5 Điều 5 NĐ 164. Theo đó, trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm, căn cứ Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc công nhận, người nộp phí xác định số lượng khoáng sản nguyên khai đối với khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm để làm căn cứ tính phí BVMT trong quá trình khai thác khoáng sản.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện NĐ 64 mặc dù phát sinh một số vấn đề cần hoàn thiện nhưng số thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản hàng năm vẫn góp phần tích cực để địa phương bổ sung nguồn đầu tư cho BVMT tại nơi khai thác. Thống kê của Bộ này cho thấy, số thu phí năm 2017 đạt 3.029 tỷ đồng; năm 2018 đạt 3.448 tỷ đồng; năm 2019 đạt 3.737 tỷ đồng; năm 2020 đạt 3.576 tỷ đồng.