Có “chiếm chỗ” của người trẻ?
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), ba lý do được bộ này lý giải cho đề xuất tăng tuổi hưu gồm: dân số đang già hóa, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để bảo đảm cân bằng ổn định của quỹ bảo hiểm xã hội và khả năng lao động sau tuổi nghỉ hưu của người Việt Nam còn cao.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá), Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý vì thực tế vẫn có 42% người lao động sau nghỉ hưu tham gia vào thị trường lao động. Lương hưu của người lao động hiện rất thấp, bình quân chỉ khoảng ba triệu đồng. Nếu kéo dài thêm thời gian làm việc sẽ giúp người lao động tích lũy thêm quỹ hưu trí để có thể được hưởng tiền lương hưu cao hơn. Bên cạnh đó, việc tăng tuổi hưu cũng giúp Việt Nam có thể chuẩn bị đi trước đón đầu, tiếp cận với quá trình già hóa dân số sắp tới.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, việc tăng tuổi nghỉ hưu là “không thể trì hoãn”. Bộ trưởng Dung nhấn mạnh: “Không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc và nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ truyền gánh nặng cho thế hệ sau”.
Tuy nhiên, không ít đại biểu Quốc hội vẫn chưa đồng tình với đề xuất này. Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thực tế các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu là quốc gia thiếu lao động. Trong khi đó, Việt Nam mỗi năm có hơn một triệu lao động thất nghiệp, lại đang trong thời kỳ giảm biên chế.
Mặt khác, tại Việt Nam chủ yếu là lao động nặng nhọc, cơ bắp, không phù hợp để làm việc khi đã lớn tuổi. Chủ các doanh nghiệp cũng không muốn sử dụng người lớn tuổi vào lao động trực tiếp. Do đó, nếu tăng tuổi hưu, năng suất lao động sẽ không cao. Ngược lại, người trẻ sẽ thiếu việc làm, hậu quả đối với xã hội là rất lớn.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng cho rằng, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đã được bàn luận từ nhiều năm trước nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của người lao động. Nhiều sinh viên hiện ra trường không có việc làm, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ mất đi cơ hội có việc làm của giới trẻ. Vì vậy, đến ngưỡng nào đấy nên khép lại tuổi lao động để tạo cơ hội cho giới trẻ có việc làm. Theo bà Mai, không nên vì sợ vỡ quỹ bảo hiểm mà đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu mà cần đánh giá rõ tác động của đề xuất này đối với các tầng lớp lao động.
Ở góc độ khác, đại biểu Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chỉ quy định tăng tuổi nghỉ hưu với lao động nói chung. Tuy nhiên, các đối tượng, ngành nghề khác nhau cần có quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau. Chẳng hạn như tuổi nghỉ hưu của thẩm phán toà án nhân dân tối cao hay kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là 65 tuổi, song cũng quy định rõ từ tuổi 60 trở đi, người lao động vẫn là thẩm phán và kiểm sát viên nhưng không giữ các chức vụ quản lý…
Ông đồng tình với đề xuất tăng tuổi hưu bởi đây là xu thế của thế giới trước sự già hóa dân số và bảo đảm an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay. Tuy nhiên, Luật Lao động nên có lộ trình tăng tuổi hưu và mức tăng phù hợp với các ngành nghề lao động khác nhau.
Còn theo ông Hiểu, Luật Lao động sửa đổi chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu với công chức, phần lớn viên chức và những ngành đặc thù đòi hỏi lao động trình độ cao. Ngược lại, không nên tăng tuổi hưu đối với những người lao động trực tiếp. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dẫn kết quả mà Hội đã khảo sát ở 5 tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh khác cho thấy: Lao động ở khu vực hầm lò độc hại, lao động một số ngành nghề nghiệp, cô giáo mầm non… hầu hết muốn được nghỉ hưu sớm.
Nhà giáo - “ Thầy già, con hát trẻ?”
Ở góc độ nghề đặc thù, có nên tăng tuổi hưu cho nhà giáo? Nhiều ý kiến cho rằng nên tăng vì “gừng càng già càng cay”, song cũng không ít ý kiến khẳng định đã hết thời “thầy già, con hát trẻ”. Theo nhiều ý kiến phân tích, nhà giáo, nhất là bậc mầm non và tiểu học, đa phần là phụ nữ, ở tuổi 50, 60, họ thay đổi tâm sinh lý rất nhiều, cơ thể đã mất sức rất nhiều do vừa hoạt động xã hội vừa phục vụ gia đình, sinh đẻ... Họ cần được nghỉ ngơi, do đó không nên tăng tuổi hưu cho họ cũng như phụ nữ nói chung.
Hình minh họa |
Và đứng trước dự thảo này, hơn ai hết, các nhà giáo đều cho rằng, với người trực tiếp đứng lớp trên 30 năm, “thầy già, con hát trẻ” không còn phù hợp. Bởi lẽ, công việc của một giáo viên đến lớp, để đảm bảo kiến thức phải dành thời gian nghiên cứu trau dồi chuyên môn. Ngoài giờ dạy, giáo viên phải chấm trả bài kiểm tra, soạn giáo án, tham gia vô số các phong trào, hội thi, viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, hội họp, chuyên đề, bồi dưỡng quanh năm…
Chưa kể, giáo viên chịu áp lực về thành tích, thi đua, áp lực chất lượng về phía giáo viên và học sinh. Hơn nữa, giáo viên trực tiếp đứng lớp sắp về hưu hầu hết đều mắc bệnh nghề nghiệp như viêm phổi (hít bụi phấn), viêm thanh quản, viêm họng (do nói quá nhiều), đau dạ dày, tiểu đường, viêm khớp (đi lại nhiều), cao huyết áp, tim mạch (nóng giận khi xử lý học sinh vi phạm),… Do đó có thể nói giáo viên tới khi về hưu như hiện nay với nữ đủ 55 tuổi, nam 60 tuổi là trung bình khoảng 35 năm cống hiến là đã quá sức chịu đựng của giáo viên trực tiếp đứng lớp.
Từ một góc độ khác, chị Nguyễn Thị Phương chia sẻ câu chuyện thực tế: “Các con và cháu tôi lứa tuổi học cấp 2 và 3 hơn chục đứa, chúng nó nói không thích các thầy cô lớn tuổi vì ít cập nhật kiến thức mới, từ tin học tới ngoại ngữ hoặc ứng dụng những điều mới mẻ vào bài học. Chưa kể cách tiếp cận ứng xử với chúng thường thô bạo hơn các thầy cô trẻ bởi tâm lý mình nhiều kinh nghiệm, có “số má” quyền uy.
Bây giờ không phải là thời “thầy già con hát trẻ” mà “thầy trẻ, con hát trẻ”. Bạn tôi là giáo viên thuộc nổi tiếng ở trường chuyên mà còn cay đắng bảo: Lũ trẻ con thấy thầy cô lớn tuổi là chúng nó chán. Không chỉ vấn đề sức khỏe, sức ỳ... Tôi đã từng chứng kiến cảnh cả lớp, hàng chục đứa trẻ chỉ 6, 7 tuổi đầu ngồi lặng lẽ, ngơ ngác, sợ sệt, buồn tủi nhìn cô giáo của mình chì chiết, đay nghiến về một tội mà các em không hề phạm. Đơn giản chỉ vì cô mệt mỏi với tuổi tác, trầm cảm vì vị trí công việc, cuộc sống không như ý mà cứ phải kéo lê...
Nghề giáo là một nghề đặc thù, xin đừng đánh đồng với những nghề khác trong xã hội. Hãy cho các con đến trường với tâm thế chờ đợi một ngày vui.... Cũng có ý kiến đề nghị nên cho phép thầy cô gia hạn thời gian nghỉ hưu, khi đó ai còn sức và tâm huyết với nghề sẽ có thể tiếp tục còn ai muốn về hưu với con cháu thì về…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng: Khi mà những người soạn thảo luật hẳn là chưa hình dung hết cảnh cô giáo mầm non đã ngoài 50 tuổi vẫn phải múa hát; chị công nhân dệt may ngồi còng lưng bên máy 10 tiếng mỗi ngày; hay anh công nhân điện tử mắt đã mờ vẫn phải cố đến ngày về hưu… thì việc tăng thêm 2 năm, 5 năm tuổi hưu là gánh nặng với họ đến mức nào?... Chưa kể, hiện có hàng ngàn cử nhân được đào tạo bài bản, công nghệ thông tin, ngoại ngữ rành rọt rất thích hợp cho việc đổi mới hiện nay, nhưng đành ngậm ngùi chờ kiến thức dần dần mai một theo thời gian vì không tìm được việc…