Sợ hãi, im lặng vì luật chưa đủ mạnh
Tình trạng QRTD tại nơi làm việc không chỉ xảy ra với lao động nữ tại các doanh nghiệp, công sở mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như nghệ thuật, người mẫu… Cựu người mẫu kiêm diễn viên Vũ Thu Phương cho biết cô đã từng bị “ông trùm” Harvey Weinstein (nhà sản xuất lừng danh bị hàng loạt sao nữ cáo buộc tội quấy rối tình dục trong phong trào Mee too) gạ gẫm “dạy đóng cảnh nóng” tại phòng riêng khách sạn khi cô sang Los Angeles ra mắt phim Shanghai (Thượng Hải) năm 2008.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, với những nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục, bị tác động bởi cảm xúc tiêu cực, bị ám ảnh là điều không tránh khỏi. Ông đưa ra lời khuyên: “Để vượt qua nỗi ám ảnh, các nạn nhân đừng sợ hãi, đừng im lặng. Hãy chia sẻ với đồng nghiệp, người thân để tìm kiếm sự giúp đỡ. Từng cá nhân là kẻ yếu nhưng nếu có sự lên tiếng, tố cáo của nhiều người thì chắc chắn sẽ ngăn chặn được hành vi của kẻ quấy rối sau này”.
Nhưng trên thực tế việc tố cáo hành vi QRTD còn rất ít vì khâu xử lý những vụ việc liên quan QRTD còn rất rườm rà, khó tìm bằng chứng nên ít có kết quả, có khi còn ảnh hưởng đến công việc, gia đình của người tố cáo.
Bằng chứng là, năm 2017 khảo sát về tình hình thực hiện các Công ước 100 và 111 của ILO tại Việt Nam, Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các ý kiến của các nhà quản lý lao động và doanh nghiệp tại 3 tỉnh/thành phố thuộc phạm vi nghiên cứu là Đồng Nai, Bình Dương và Hải Phòng đều cho rằng các quy định về quấy rối tình dục trong Bộ luật Lao động 2012 còn mờ nhạt, thiếu chế tài xử lí.
Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH cho rằng một trong những cái thiếu của Bộ luật Lao động hiện hành về vấn đề phòng chống QRTD là thiếu quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong phòng chống QRTD; thiếu các cơ chế, thủ tục khiếu nại, tố cáo về hành vi QRTD (phải là quy trình đặc thù); thiếu các quy định về chế tài, biện pháp khắc phục hiệu quả.
Thiếu cơ chế bảo vệ triệt để quyền lợi người lao động?
Được biết, tại dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung, các nhà làm luật đã đưa quy định “thực hiện các giải pháp phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” vào nhóm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động sẽ được bảo vệ bằng các giải pháp phòng chống QRTD tại nơi làm việc do người sử dụng lao động thực hiện và việc phòng chống QRTD thuộc danh mục bắt buộc trong nội quy lao động (Khảo sát trực tuyến của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Navisgo cho thấy một nửa số công ty không có các chính sách phòng chống quấy rối tình dục theo quy định - PV).
Bên cạnh đó, người lao động nếu bị QRTD có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, ở Bộ luật Lao động hiện hành thì muốn vậy người lao động phải có lý do và thời hạn báo trước, còn ở dự thảo sửa đổi, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án: ở phương án 1, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần nêu lý do, nhưng phải báo trước; ở phương án 2, giữ như hiện hành tức là phải có lý do và thời hạn báo trước.
Về vấn đề này, nhiều quan điểm cho rằng pháp luật lao động vẫn mới chỉ dừng lại ở quy định cứng là người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị QRTD mà chưa đưa ra bất kì một cơ chế giải quyết nào khác để bảo vệ một cách triệt để quyền lợi của người lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các nạn nhân của QRTD thường chọn giải pháp im lặng và âm thầm chịu đựng.
Hiện nay với hành vi QRTD tại nơi làm việc không có văn bản nào quy định về chế tài bởi vậy câu hỏi “người thực hiện hành vi QRTD tại nơi làm việc sẽ phải chịu hậu quả gì” vẫn đang bị bỏ ngỏ. Khoảng trống này đã tạo ra khó khăn rất lớn trong việc xử lí các hành vi vi phạm.
Khắc phục vấn đề này, tại dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã đưa vào quy định: “Hình thức xử lý kỷ luật sa thải có thể được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau: Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có mặt hội thảo lấy ý kiến tham gia Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được tổ chức mới đây cho rằng đây cũng chỉ là hình thức xử lí kỉ luật trong phạm vi doanh nghiệp.
Điều này khiến cho chức năng giáo dục, răn đe của pháp luật đối với xã hội bị ảnh hưởng; quyền lợi của người lao động bị xâm hại mà không có cách thức nào để bảo vệ. Vì thế, đã đến lúc cần phải hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật về hành vi QRTD kể cả trong các đạo luật khác như hình sự, hành chính… Được biết, hiện nay trong quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động không có điều luật xử lý đối với hành vi QRTD.