Sáng 26/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, về tái cấu trúc hệ thống ngân sách theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới, Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) chỉ ra rằng, hiện nay, việc tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã làm thay đổi căn bản cấu trúc quản lý nhà nước tại địa phương.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến cuối năm 2024, đã có 65 đơn vị cấp huyện và hơn 1.000 đơn vị cấp xã được sắp xếp, sáp nhập, dẫn đến việc nhiều xã không còn HĐND, hoặc hoạt động theo mô hình ủy quyền, thậm chí hợp nhất về mặt tổ chức.
Đại biểu đánh giá, quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật đã mở rộng theo hướng phân cấp ngân sách linh hoạt tùy thuộc mô hình chính quyền, nhưng chưa nêu rõ nguyên tắc xử lý ngân sách cho các địa phương “chuyển tiếp mô hình”.
Do vậy, Đại biểu đề xuất bổ sung điều khoản về “thiết lập ngân sách tương ứng với mô hình chính quyền thực tế”, trong đó quy định cụ thể các trường hợp không tổ chức HĐND, không còn tư cách pháp nhân tài chính.
Đồng thời, giao Chính phủ ban hành Danh mục hướng dẫn xác lập ngân sách đặc thù, kèm cơ chế giám sát, phân cấp phù hợp tại các đô thị lớn và khu hành chính – kinh tế đặc biệt trong tương lai.
Về mở rộng quyền tự chủ ngân sách gắn với năng lực quản trị địa phương, theo Đại biểu Thạch Phước Bình, hiện nay, các địa phương được giao nhiệm vụ rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội nhưng lại bị giới hạn nghiêm ngặt trong cơ chế phân bổ, điều hành và điều chỉnh ngân sách.
Dự thảo Luật có tiếp thu và trao quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định mức chi, nhưng chưa có khung chính sách phân cấp theo năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng ngân sách.
“Trong thực tế, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… có mức độ tự cân đối ngân sách cao, nhưng không được mở rộng không gian chính sách tài khóa, như quyết định mức thu phí, chi chuyển đổi số, cơ chế PPP cấp tỉnh”, Đại biểu cho biết.
Từ thực tiễn này, Đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất quy định nguyên tắc “phân quyền ngân sách theo mức độ tự chủ tài khóa”, theo đó các tỉnh có tỷ lệ tự cân đối từ 80% trở lên được phép tự quyết một số khoản thu/chi, điều chỉnh định mức nội bộ.
Cùng với đó, cho phép thiết lập “khung ngân sách linh hoạt” tại một số địa phương thí điểm như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…, bao gồm cơ chế luân chuyển nguồn lực, ngân sách lũy kế, và đầu tư theo kết quả đầu ra.
Về thể chế hóa công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ngân sách, theo đánh giá của Đại biểu Thạch Phước Bình, hiện nay, quy định công khai ngân sách vẫn mang tính hình thức.
“Chỉ số POBI (Công khai ngân sách cấp tỉnh) năm 2023 cho thấy chỉ có 16/63 tỉnh công khai ngân sách đầy đủ. Dự thảo Luật từ Điều 59 đến Điều 61 vẫn dừng ở mức khuyến nghị, không có ràng buộc kỹ thuật về dữ liệu mở, nền tảng số, định dạng chuẩn hóa”, Đại biểu nêu quan điểm.
Do vậy, Đại biểu đề xuất luật hóa yêu cầu công khai ngân sách bằng dữ liệu mở theo định dạng chuẩn (open budget data); công khai dự toán, quyết toán, phân bổ chi, nợ công, chi đầu tư công gắn với Cổng thông tin ngân sách quốc gia – có liên thông từ xã đến Trung ương, tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo để phát hiện rủi ro tài khóa.
“Sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước lần này là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống tài chính công theo hướng hiện đại, minh bạch, gắn kết với hiệu quả quản trị chính quyền địa phương và công cuộc cải cách thể chế. Đồng thời, việc sửa đổi này cũng nhằm góp phần bảo đảm Luật Ngân sách nhà nước thật sự trở thành “xương sống tài chính” của nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Chính phủ số”, Đại biểu nói.
Trong phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị, trong bối cảnh các địa phương đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, Luật cần cho phép sử dụng nguồn vượt thu kết dư ngân sách để đầu tư cho hạ tầng dữ liệu, số hóa thủ tục hành chính, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng xanh cho các mục tiêu phát triển chiến lược theo nghị quyết của HĐND.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên họp. |
“Tôi đề nghị trong Điều 8 về nguyên tắc quản lý ngân sách, bổ sung nội dung ưu tiên đầu tư cho hạ tầng số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu mở, chuyển đổi số toàn diện của chính quyền. Đây là khoản đầu tư cho tương lai, cần được xem là ưu tiên chiến lược”, Đại biểu nói.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cũng kiến nghị luật hóa chuyển đổi số trong quản lý ngân sách.
"Cần quy định trong luật về hệ thống thông tin ngân sách quốc gia, tích hợp dữ liệu trung ương đến địa phương theo thời gian thực; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để lập dự toán chính xác, kiểm soát chuyển nguồn, hỗ trợ kiểm toán và rút ngắn thời gian quyết toán áp dụng từ năm 2028", Đại biểu nói.