Đem "Những bức thư từ Sơn Mỹ" đi Cannes

Chiều ngày 5/5, tại Trung tâm UNESCO điện ảnh Đa truyền thông VN ở TP.HCM, NSƯT, đạo diễn Lê Dân đã chiếu bộ phim Những bức thư từ Sơn Mỹ cho những cộng sự của ông xem.
Chiều ngày 5/5, tại Trung tâm UNESCO điện ảnh Đa truyền thông VN ở TP.HCM, NSƯT, đạo diễn Lê Dân đã chiếu bộ phim Những bức thư từ Sơn Mỹ cho những cộng sự của ông xem. Tối 6/5, đạo diễn Lê Dân lên máy bay cùng bộ phim này sang Pháp dự Liên hoan phim Cannes sẽ khai mạc vào ngày 12/5. Sau khi cùng xem Những bức thư từ Sơn Mỹ, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lê Dân.
Hành trình đi xin lỗi của một lính MỹĐược biết Những bức thư từ Sơn Mỹ từ ý tưởng đến hoàn thành chỉ có vài tháng. Vậy chất lượng có đảm bảo để tham dự một liên hoan phim lớn như Cannes?
Đạo diễn Lê Dân
- Anh cũng vừa xem xong bộ phim với chúng tôi. Anh thấy nội dụng, nghệ thuật phim này như thế nào? Chúng tôi đang chờ những phản hồi từ khán giả và công luận. Đúng là phim làm khá gấp rút để kịp dự liên hoan Cannes. Từ lúc bấm máy vào đêm Noel (24/12/2009) đến ngày 6/5 mới chính thức làm xong phần hậu kỳ ở Thái Lan. Nhìn chung là vô cùng vất vả cả về thời gian, tài chính và sức khỏe. Nhưng tôi có thể nói, ở cái tuổi 82 này (ĐD Lê Dân sinh năm 1928 - PV), đây là một trong vài phim tâm đắc nhất của tôi từ trước đến nay.Xin đạo diễn cho biết những điểm mà ông tâm đắc trong phim này?- Câu chuyện phim khá đơn giản, kể về hành trình đi xin lỗi của một lính Mỹ đã từng gây ra cái chết của hàng trăm thường dân trong vụ thảm sát ở Sơn Mỹ (còn gọi là Mỹ Lai) vào năm 1968. Ai xem phim cũng biết kết thúc là người lính Mỹ đó sẽ xin lỗi về tội ác của mình. Nhưng xin lỗi như thế nào? Đó là sự hấp dẫn ở mỗi cảnh quay mà khán giả không thể đoán trước, phải xem đến phút cuối.Phim dựa vào nhiều câu chuyện có thật thời chiến tranh và hòa bình. Nhưng tư tưởng trong phim được “ngầm hiểu” chứ không lên giọng rao giảng về hòa bình hay lòng nhân ái. Tất nhiên, phim này tôi mượn hình thức giải trí để dễ đi vào lòng người và hy vọng đạt được khoảng 70 - 80% kỳ vọng của nhiều người.“Mượn” hình thức giải trí là như thế nào, thưa ông? Có phải là ở việc lồng ghép vào phim hai mối tình?- Chính xác. Chuyện tình yêu muôn đời hấp dẫn, nói hoài vẫn có người nghe. Mối tình thứ nhất là của người lính Mỹ năm xưa và vợ mình, chắc cũng cỡ tuổi vợ chồng tôi bây giờ (cười). Mối tình của vợ chồng già này tạo thành sự chia sẻ chân thành trong những bức thư từ Sơn Mỹ được chồng “mail” về cho vợ. Chỉ có tình yêu vợ chồng lâu năm mới thật sự khiến người ta dốc hết nỗi niềm của mình. Những bức thư của mối tình này tạo thành đường dây dẫn chuyện của phim. Mối tình thứ hai là của một cô gái bị nhiễm chất độc da cam muốn người yêu mình đi lấy vợ khác. Nhưng rồi hai người vẫn vượt qua tất cả để đến được với nhau. Nhìn chung, tình yêu bao giờ cũng chiến thắng mọi nghịch cảnh. Những mối tình như thế sẽ làm xúc động người xem. Nhiều diễn viên gắn với vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Hoa hậu Giáng My trong phim Những bức thư từ Sơn Mỹ
Từ đề cương kịch bản đến phim hoàn thành, hình như ông đã bỏ bớt khá nhiều chi tiết người thật việc thật?- Kịch bản phim là 120 phút, nhưng rồi tôi quyết định quay chỉ 100 phút, dựng thành 90 phút để rồi gọt lại còn 87 phút hoàn chỉnh. Để từ 120 phút kịch bản thành 87 phút này, tôi phải hy sinh rất nhiều chi tiết thú vị. Lý do là việc chuẩn bị làm phim quá gấp rút nên nhiều chi tiết không dàn dựng kịp. Tuy nhiên, nhờ phim ngắn gọn nên tôi đảm bảo là không có chi tiết nào thừa.Có phải vì quá gấp rút trong khâu chuẩn bị nên ông dùng rất nhiều diễn viên địa phương trong một số vai khá dài, như ông Phạm Thành Công vào vai chính mình là Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ?- Không riêng ông Phạm Thành Công mà còn nhiều người dân địa phương nữa vào vai chính mình trong phim, như bé Lạc vào vai em bé tàn tật vì chất độc da cam hoặc ông Nguyễn Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vào vai lãnh đạo tỉnh. Những diễn viên “tại chỗ” này đều có số phận gắn với vụ thảm sát Sơn Mỹ, nên họ chỉ cần “diễn” như chính những gì mà họ đã sống và đang sống. Có thể nói, những diễn viên này “diễn thật” chứ không hề “giả”, tôi vô cùng cảm ơn họ!Chưa hoàn thành đã có lịch chiếu tại Cannes
Cảnh trong phim Những bức thư tình từ Sơn Mỹ
Những bức thư từ Sơn Mỹ khi chưa hoàn thành đã có lịch chiếu tại Liên hoan phim Cannes. Đạo diễn có thể “bật mí” về vấn đề này vì không phải phim nào, của ai muốn chiếu ở Cannes là được?
Tiếp thị phim về tướng Giáp tại Cannes

Nhưng tôi còn một dự án làm phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mau chóng triển khai trong năm 2011. Đi dự Liên hoan phim Cannes lần này, tôi sẽ tiếp thị trước ý tưởng, đề cương phim về Đại tướng. Vì tôi nghĩ, làm phim truyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là mong đợi của cả người Việt và thế giới, nên tin chắc sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ.

Đạo diễn Lê Dân
- Không có gì phải bí mật, vấn đề cơ bản là tôi quan hệ ngoại giao tốt (cười). Khi có ý tưởng làm phim Những bức thư từ Sơn Mỹ, tôi đã chia sẻ với bạn bè ở Cannes và được họ ủng hộ từ lúc đó. Phim của tôi phải nộp trước này khai mạc (12/5) để vào lúc 18h ngày 18/5, phim này sẽ chiếu tại rạp chính của Liên hoan phim Cannes.Cũng xin nói thêm, vì khoe ý tưởng và được bạn bè ủng hộ nên tôi dốc toàn lực làm phim cho kịp Liên hoan Cannes. Theo tôi nhớ, tham gia Liên hoan phim Cannes trước đó chỉ có phim của đạo diễn Trần Anh Hùng (phim Mùi đu đủ xanh). Nhưng phim này của Trần Anh Hùng cũng không hoàn toàn 100% Việt Nam, vì có tài trợ của Pháp. Còn phim của tôi chắc chắn 100% Việt Nam dự ở Cannes, vì kể cả chuyện tiền làm phim cũng từ túi của tôi và mượn thêm bạn bè!Với tư cách một “nhà đầu tư”, ông có tin phim này thu được vốn?- Tin chứ. Lâu nay tôi làm điều gì đều phải tính rất kỹ. Tính kỹ để vững tin khi làm. Cuối tháng 6 này, tôi sẽ ra mắt Những bức thư từ Sơn Mỹ tại TP.HCM...Xin cảm ơn ông.
Đạo diễn Lê Dân tốt nghiệp ngành Luật, từng học tập và làm việc tại Pháp, trước 1975 hành nghề luật gia song song với đạo diễn.

Ông là đạo diễn của các phim truyện: Hồi chuông Thiên Mụ (1957), Loan mắt nhung (1970), Lan và Điệp (1971), Nhà tôi (1972), Sau giờ giới nghiêm (1972), Hoa mới nở (1973), Xóm tôi (1974), Trường tôi (1974), Trang giấy mới (1977), Con mèo nhung (1981), Pho tượng (1982), Xương rồng đen (1991), Áo trắng sân trường (1994), Người con gái đất đỏ (1995)...; và phim truyền hình: Ông cố vấn (1994), Ngoại tình...
Theo Hoàng Nhân
TT&VH

Đọc thêm