Nhiều người kêu dù tuyến đường gọi là cao tốc, thu phí theo tiêu chuẩn cao tốc nhưng thực tế thì không như vậy.
Phóng viên PLVN ghi nhận, trên tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang các phương tiện giao thông phải “mò mẫm” đi trong đêm. Bởi gần như dọc tuyến đèn cao áp chiếu sáng đều không hoạt động, hoặc có chỉ vài cột đèn sáng còn lại đều chỉ đứng đúng vị trí mà không làm đúng nhiệm vụ chiếu sáng của nó. Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông trên cao tốc, do các phương tiện chạy tốc độ cao từ 80km -100km/h, đường không đủ ánh sáng, khi gặp sự cố không thể kịp xử lý.
Anh T.Anh, tài xế taxi cho biết: “Chạy trên cao tốc thật nhưng chạy đường đêm tôi không dám đạp chân ga lên đến 80km bao giờ, đường nhiều xe container, xe tải, xe khách, lại cả xe máy. Đường không có đèn cao áp nên chỉ cần một xe ngược chiều chiếu pha cái là không nhìn được gì, tình trạng này từ lúc đường cao tốc thông tuyến rồi, các tài xế cũng quen vì tính mạng và sự an toàn nên chẳng ai dám chạy nhanh”.
Chị Hòa bán nước ven đường cũng chia sẻ: “Ban ngày tai nạn ít, nhưng sẩm tối, đêm tai nạn thường xuyên xảy ra. Hầu hết do xe chạy tốc độ cao, đường tối nên không kịp xử lý”.
Một thực trạng tồn đọng lâu nay mà ai đã đi trên tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đều nhìn thấy rõ đó là, ngay từ đầu tuyến cao tốc cầu Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), hàng loạt xe khách thay phiên nhau dừng, đỗ để đón trả khách. Các vị trí gầm cầu vượt nút giao QL37, QL18 với cao tốc và hai bên đường gom, xe khách dừng, đỗ đón, trả khách diễn ra ngang nhiên dù đã có biển cấm dừng đỗ xe.
Dù là cao tốc nhưng xe máy vẫn chạy thản nhiên. Hai bên đường, hàng nước, trạm dừng đón bắt xe khách người dân cứ vô tư dựng lên. Chính vì những bất cập này mà cao tốc Hà Nội -–Bắc Giang có tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng - Cục Phó Cục Quản lý đường bộ cao tốc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trả lời báo chí, từ khi đưa vào khai thác (tháng 1/2016) đến nay, tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã xảy ra 95 vụ tai nạn giao thông, làm 12 người chết và 12 người bị thương.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông là do hệ thống đường gom dân sinh, hầm chui vẫn chưa được hoàn thiện, hệ thống hàng rào hộ lan bị mất và bị phá vỡ, ý thức của người dân sinh sống hai bên đường cùng với ý thức của người tham gia giao thông trên tuyến còn hạn chế.
Trước tình trạng bất cập, tồn đọng các cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm vi phạm đón trả khách trên cao tốc và đi xe máy đi vào cao tốc. Đặc biệt, hệ thống chiếu sáng đường cần phải được sử dụng đúng vai trò, nhiệm vụ là chiếu sáng. Không thể để tình trạng cột đèn cao áp chiếu sáng chôn chân đứng như “bù nhìn” trên cao tốc mặc cho các phương tiện mò mẫm tham gia giao thông.