Hà Nội: Trạm biến áp đe dọa cuộc sống người dân

(PLO) - Từ nhiều năm nay, các hộ dân sinh sống ở tổ dân phố Tân Xuân 5 (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải sống chung với trạm biến áp không an toàn khi sử dụng đường dây diện trần, không bọc cách điện, không biển cảnh báo…khiến nguy cơ cháy nổ, phóng điện, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân bất cứ lúc nào.
Trạm biến áp đặt trong lòng khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ chập điện, mất an toàn
Trạm biến áp đặt trong lòng khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ chập điện, mất an toàn

Sống chung với “tử thần”

Trạm biến áp ở tổ dân phố Tân Xuân 5 có điện áp 100kV, tồn tại từ những năm 1974-1975 được đặt bởi Công ty Cổ phần Cơ giới đầu tư và Xây dựng Thăng Long (có địa chỉ ở 138 Phạm Văn Đồng, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) trong lòng khu dân cư giữa số nhà 81, 83 và 85 đường Tân Xuân, tổ dân phố Tân Xuân 5. 

“Nhiều năm qua, từ trường và tiếng ồn của trạm biến áp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân trong tổ dân phố, nhất là mỗi khi trời mưa gió sấm chớp, người dân chúng tôi sống xung quanh trạm điện càng thêm lo sợ. Đỉnh điểm là vào cuối tháng 7/2015 đã có vụ chập cháy nổ, lửa bốc cháy dữ dội, cả khu phố nháo nhào chạy ra đường, khói và lửa bốc cao ngùn ngụt, cũng may là có xe cứu hỏa đến kịp thời không thì chúng tôi cũng không biết sẽ thế nào”, một người dân cho biết.

Còn anh Nguyễn Văn Mão (trú tại số nhà 83 đường Tân Xuân) lo lắng: “Trạm biến áp này đã tồn tại hàng mấy chục năm nay và có nhiều nguy hiểm, bất cập, những tác động đến sức khỏe hàng ngày thì chưa nói đến, nhưng mỗi lần mưa bão thì muốn đi chỗ khác cũng không được, còn ở trong nhà thì đúng là sống trong sợ hãi, nếu không may có sự cố rò điện xảy ra thì mạng sống của chúng tôi sẽ bị đe dọa”. 

Theo ghi nhận của phóng viên, khi trực tiếp đến đường Tân Xuân nơi đặt trạm biến áp cũng không khỏi rùng mình bởi khoảng cách rất gần giữa trụ điện và nhà ở dân sinh, chiều cao của cột điện vượt quá mái tôn của tòa nhà 3 tầng, đủ thứ dây điện lớn, nhỏ được nối chằng chịt với nhau. Nếu xảy ra sự cố phóng điện, khi đó sẽ xảy ra hiểm họa khôn lường, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân nơi đây. 

Được biết, theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực thì: An toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện trong sản xuất; bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình, đất và cây trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây điện trên không khi xây dựng các công trình lưới điện cao áp.

Qua đó, khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp đến 22kV là từ 1-2m, tùy theo dây bọc hay dây trần và khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc như nhà ở hay công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải cách xa ít nhất 4m. Tuy nhiên, trạm biến áp này không đủ điều kiện, nhưng không hiểu sao nó vẫn nghiễm nhiên tồn tại mấy chục năm qua tại phố Tân Xuân?

Cơ quan chức năng nói gì?

Được biết, ngày 5/10/2016 tại UBND phường Xuân Đỉnh đã tổ chức cuộc họp về trạm biến áp trên. Về phía Công ty Cổ phần Cơ giới và Xây dựng Thăng Long cũng thừa nhận: Phản ánh về chất lượng điện của người dân là đúng, do lưới điện đã hoạt động từ lâu, nhưng do dân số tăng nhanh nên việc cấp điện chưa đảm bảo. Công ty đã chủ động thông báo đến người dân và hỗ trợ về kỹ thuật khi có yêu cầu, sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện và báo cáo cơ quan chức năng. Trong trường hợp di dời, công ty đề xuất các cơ quan đơn vị hướng dẫn các thủ tục cần thiết để thực hiện. 

Còn đối với bà Nguyễn Thị Nắng Mai - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết: UBND quận đã có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Cơ giới và Xây dựng Thăng Long thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn như: thông báo đến các hộ dân xung quanh khu vực về mức độ nguy hiểm; cắm biển báo nguy hiểm; cam kết đến các hộ dân về việc nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn, nguy hiểm và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu xảy ra sự cố, thiệt hại về người và tài sản. Cung cấp toàn bộ hồ sơ xây dựng, quản lý đất đối với trạm biến áp đường Xuân Đỉnh về UBND phường Xuân Đỉnh và UBND quận qua Phòng Kinh tế. 

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Trần Ngọc Huân - Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh cho biết: “Trạm biến áp này được đặt cách đây khoảng 30 năm, với mục đích ban đầu là để phục vụ xây dựng cầu Thăng Long. Sau đó, Công ty Cổ phần Cơ giới đầu tư và Xây dựng Thăng Long tiếp tục đưa vào sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh nhưng không có nhiều đầu tư nâng cấp và đảm bảo sự an toàn. Trước những phản ánh đó, chúng tôi cũng đã có nhiều buổi làm việc và hiện nay, phần đất của các hộ dân đang sinh sống là đất cấp trái thẩm quyền, đây không phải là đất giãn dân. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND quận, chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ hồ sơ của các hộ gia đình (nếu có vi phạm) sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”. 

Tuy nhiên, đến nay Công ty Cổ phần Cơ giới và Xây dựng Thăng Long vẫn chưa cung cấp được hồ sơ liên quan (hồ sơ xây dựng và quản lý đất) cho cơ quan chức năng. 

Cũng theo các hộ dân, hiện nay các biện pháp của các ban, ngành cũng chỉ “nằm trên giấy”.

Đọc thêm