Đền cổ linh thiêng thờ công chúa thời Trần 12 lần được sắc phong

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nằm ở phía Đông Nam thành phố Hải Phòng, di tích đền Mõ thuộc huyện Kiến Thụy thờ công chúa Quỳnh Trân (con gái vua Trần Thánh Tông). Bà là người có công xây dựng quê hương, đất nước nên khi bà mất được nhân dân trong vùng tôn vinh là Thánh, ngôi đền thờ Bà đã được các triều đại trao 12 bản sắc phong.
Ngôi đền cổ ẩn mình dưới những tán cây di sản gần ngàn năm tuổi...
Ngôi đền cổ ẩn mình dưới những tán cây di sản gần ngàn năm tuổi...

Công chúa khi sinh là Tiên giáng trần, khi mất hóa Thánh

Theo lược sử ngôi đền, công chúa Trần Quỳnh Trân vốn là tiên nữ được Trời cho xuống đầu thai làm công chúa con vua Trần Thánh Tông.

Theo Ngọc phả chép về vị thượng đẳng thần triều Trần là Ả Lương Thiên Thụy Quỳnh Trân” - tài liệu nói về lai lịch ra đời đền Mõ, Công chúa Quỳnh Trân (hiệu là Thiên Thụy) là con của vua Trần Thánh Tông, chị gái của vua Trần Nhân Tông. Năm 1279, Thượng hoàng Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con trai (là Trần Nhân Tông), muốn gả chồng cho con gái nhưng công chúa không chịu, nguyện xin xuất gia thờ Phật.

Cổng tam quan Đền Mõ.

Cổng tam quan Đền Mõ.

Năm 1284, công chúa Quỳnh Trân đến vùng đất ven sông Văn Úc, thuộc xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy ngày nay), thấy địa thế đất này giống như con chim đang bay, núi non, sông nước mênh mông nên dựng một am nhỏ, ngày đêm hương khói tu hành. Quá trình tu tập, công chúa không xa lánh cõi trần mà gần gũi với nhân dân, bà dạy nhân dân địa phương khai khẩn đất hoang cày cấy, cấp vốn cho dân chăm nghiệp nông trang. Nhờ vậy, bà quần tụ được nhiều người đến lập ấp xây dựng vùng đất Nghi Dương từ chỗ hoang vu thành một làng quê ấm no, sung túc.

Vẻ đẹp của Khu di tích vào mùa hoa gạo thắp lửa lưng trời... (ảnh Internet).

Vẻ đẹp của Khu di tích vào mùa hoa gạo thắp lửa lưng trời... (ảnh Internet).

Tương truyền, để thuận bề trông nom, cai quản nô bộc, hàng ngày công chúa Quỳnh Trân lấy tiếng mõ làm hiệu lệnh để chỉ giáo dân làng đến giờ đi làm hay về nghỉ ngơi, ăn uống. Nếu như đêm hôm khuya khoắt mà nghe tiếng mõ khua nghĩa là hiệu lệnh báo động sự cố bất thường, xảy ra trộm cắp hay hỏa hoạn, lập tức dân làng tập trung họp khẩn để giải quyết việc chung. Nhờ có tiếng mõ của công chúa Quỳnh Trân, việc làng nước đi vào nền nếp, từ đó mọi người truyền ngôn gọi là chùa là “Chùa Mõ”, “Quán Mõ”, sau này tên gọi Đền Mõ cũng là vì vậy.

Theo sử sách, tháng 11 năm Mậu Thân (1308), công chúa Quỳnh Trân viên tịch. Thi hài bà được đưa về chùa Tư Phúc ở kinh sư lập tháp an táng. Vua Trần Anh Tông ra sắc chỉ tặng phong Trần Triều A Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa, ban cấp 300 quan tiền đồng cho 5 xã rước sắc phong về xã Nghi Dương lập đền thờ ngay cạnh chùa Mõ nơi sinh thời công chúa tu hành, gọi là đền Mõ. Ngôi đền thiêng này đã 12 lần được sắc phong qua các triều đại. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đền Mõ trở thành căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ. Năm 1991, Khu di tích Đền, chùa Mõ được Nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Cổng vào Khu di tích Quốc gia đền, chùa Mõ.

Cổng vào Khu di tích Quốc gia đền, chùa Mõ.

Giai thoại về một mối tình đa đoan

Đền Mõ ẩn chứa trong lòng những giai thoại linh thiêng về chuyện tình, chuyện đời của nàng công chúa quốc sắc thiên hương. Tương truyền, công chúa Quỳnh Trân là tiên nữ được Ngọc Hoàng cho đầu thai xuống làm con gái vua Trần. Dung mạo xinh đẹp tuyệt vời, khí chất nên Quỳnh Trân được nhiều bậc tuấn kiệt say đắm, trong đó có Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư và Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn. Trái tim Quỳnh Trân đã trao về Trần Khánh Dư, bậc trai anh hùng - gái thuyền quyên đã thề non hẹn biển nguyện yêu nhau trọn kiếp. Nhưng thật trớ trêu, sau đó Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lại hỏi Quỳnh Trân cho con trai cả là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn. Đức vua Trần Thánh Tông khi đó không thể chối từ nên gả Quỳnh Trân về làm vợ Trần Quốc Nghiễn.

Quỳnh Trân công chúa theo chồng, đã nguyện đào sâu chôn chặt mối tình đa đoan với Trần Khánh Dư. Thế nhưng tình yêu như than lửa, càng dập càng nồng. Huyền sử chép rằng, dù bị cấm đoán nhưng sau đó Quỳnh Trân công chúa và Trần Khánh Dư vẫn gặp gỡ nhau thầm vụng. Đến khi chuyện phát lộ, Trần Khánh Dư buộc phải cởi áo từ quan về quê làm người bán than, còn Quỳnh Trân bị lui về cung cấm.

Cây gạo di sản trước cửa Đền Mõ, tương truyền cho chính tay công chúa Quỳnh Trân trồng từ năm 1287.

Cây gạo di sản trước cửa Đền Mõ, tương truyền cho chính tay công chúa Quỳnh Trân trồng từ năm 1287.

Giai đoạn Quỳnh Trân về sống trong cung cấm, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên ngày càng căng thẳng. Để giữ hòa khí với phương Bắc, giữ yên vận nước, nhà Trần buộc phải chọn giải pháp gả một công chúa yêu cho tướng Thoát Hoan. Triều Trần khi đó đã ướm hỏi ý Quỳnh Trân nhưng nàng cự tuyệt, xin được rũ bỏ hồng trần, quy y cửa Phật. Theo sử sách, nhà Trần sau đó đã gả An Tư công chúa (cô ruột của Quỳnh Trân) theo Thoát Hoan về phương Bắc. Còn Quỳnh Trân chọn dải đất ven sông Văn Úc (Kiến Thụy, Hải Phòng) để dựng am tu tập, làm nên dấu tích Khu di tích chùa Mõ hiện nay.

Không gian thoáng đãng, thanh tịnh của Khu di tích mang lại cảm giác bình an, thư thái...

Không gian thoáng đãng, thanh tịnh của Khu di tích mang lại cảm giác bình an, thư thái...

Một mảnh vườn nhỏ đẹp đẽ mơn mởn rau màu, hoa cảnh.

Một mảnh vườn nhỏ đẹp đẽ mơn mởn rau màu, hoa cảnh.

Theo quan sát, Đền Mõ hiện nay nằm trên khu đất bằng phẳng, rộng khoảng trên 1 hecta, trong quần thể di tích gồm đền, chùa Mõ có lịch sử từ thế kỷ 13. Địa chỉ tâm linh này thu hút đông đảo người dân, du khách bởi phong cảnh đẹp, thanh tịnh và những giai thoại về chuyện tình, chuyện đời của nàng công chúa. Bên mái đền cổ kính, trong khuôn viên di tích có nhiều cây đại thụ đã được công nhận Cây di sản, trong đó tương truyền cây gạo di sản là do công chúa Quỳnh Trân trồng từ năm 1287.

Theo quan sát, cây gạo di sản bên cạnh thân chính to lớn vững chãi, còn có thêm nhánh phụ nhỏ hơn, nhìn tựa như hình dáng mẹ ôm con. Chính vì dáng hình mẫu tử này mà nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến đền cầu con, xin mảnh vỏ cây gạo về nấu nước uống thì ước nguyện sẽ thành.

Hàng năm, mỗi độ cuối xuân, hoa gạo lại thắp lửa một vùng trời, tựa như tấm lòng sắc son của nàng công chúa nén chặt trong lòng bi kịch số phận, một lòng vì nhân dân, xây dựng quê hương đất nước.

Lễ hội Đền Mõ được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 Âm lịch hàng năm, với nhiều hoạt động ý nghĩa tưởng nhớ tới vị Thành Hoàng làng đặc biệt này.

Đọc thêm