Đến Melaka là mẹ thích la cà!

(PLO) - Được du khách Việt mệnh danh là Hội An của Malaysia, nhưng với tôi thành phố Melaka (còn gọi là Malacca) lại có nét duyên dáng của riêng mình, rất khác với Hội An....
Con phố nơi các ngôi đền Phật giáo, đạo Hồi và đạo Hindu là “láng giềng” của nhau
Con phố nơi các ngôi đền Phật giáo, đạo Hồi và đạo Hindu là “láng giềng” của nhau

Nằm hai bên bờ con sông cùng tên đổ ra eo biển Malacca, Melaka là thành phố cổ nhất của Malaysia. Lịch sử thăng trầm đã mang đến cho nơi đây một bức tranh văn hóa đa dạng và sắc màu, kết hợp tinh hoa của nhiều dân tộc.

Hành trình giữa hai thế giới

Những ai không có sở thích đi bộ la cà, hay nói như những người trong giới chuyên la cà là “đi buôn bạc giả” (đi suốt ngày và nay đi đường này mai dạo đường khác) thì không nên đến Melaka. Bởi nếu không la cà thì coi như là chưa đến Melaka. 

Điểm khác đầu tiên so với Hội An khi bạn đặt chân đến Melaka sau chuyến xe khách dài 5 tiếng từ đất nước láng giềng Singapore sang là những khách sạn 4, 5 sao lừng lững mọc trong thành phố cổ. Mà khách sạn ở Melaka rất rẻ nhé, phòng ốc đẹp chất lượng, bể bơi, phòng tập, buffet ăn sáng với đủ món Trung, Malai, Ấn, đủ tôn giáo Phật giáo, Hồi giáo, Hindu... giá chỉ khoảng 700 nghìn tiền Việt.

Thế thì tội gì mà không cho phép mình xài sang nhỉ. Dân Singapore rất thích sang Malaysia tiêu tiền vì 1 đồng tiền Sing (đô la Sing) đổi được những 3 đồng Malaysia (ringgit), tha hồ mua hàng hiệu mà không xót ruột. 

Thế là yên tâm khoản ở, giờ thì bắt đầu la cà dạo phố nào. Rời khỏi khách sạn, chỉ ít phút đi bộ là bạn đã được nếm trải cảm giác “du hành giữa hai thế giới”.

Thế giới thứ nhất, đó là dấu ấn của châu Âu hiện diện nơi thành phố châu Á.  Sở dĩ có vậy bởi trong quá khứ, Melaka từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và từng là một hải cảng thương mại sầm uất trên con đường hương liệu trong thế kỷ 15 với sự góp mặt của các thương nhân đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và các quốc gia châu Âu khác.

Ngày nay, dấu ấn của lịch sử vẫn hiển hiện rõ nét ở trung tâm phố cổ, nơi dòng sông Melaka – “Venice của châu Á” lững lờ chảy trôi ra biển.

Từ bé, qua họa báo, phim ảnh tôi đã từng mơ ước có một lần được đặt chân đến Venice để chiêm ngưỡng dòng sông uốn lượn giữa con phố đẹp như những bức tranh của các danh họa. Venice thì chưa đến được, nhưng tôi đã được thỏa mãn phần nào ở dòng sông Melaka. Dòng sông lững lờ trôi chia thành phố thành hai bờ đông tây, cứ một đoạn lại có một cây cầu nhỏ yêu kiều bắc qua hai bờ. 

Trải dọc theo hai bờ đông tây này là những quán cà phê trữ tình và lãng mạn và rất nhiều hoa, những bông hoa được gọi tên bằng tiếng Malaysia rất khó nhớ, khoe sắc, mang đến cho nơi đây một cảm giác: chỗ nào cũng đẹp, cứ giơ máy lên là có cảnh đẹp, hạ giá vé xuống là có tranh đẹp.  

Cảnh quá đẹp nên tôi đã dạo bước theo hai lối mòn bên sông mà không hề cảm thấy mệt mỏi, cứ thấy mình đã đi quá xa điểm xuất phát, tôi lại qua cầu và tiếp tục rảo bộ theo hướng ngược lại. Đi theo, con trai tôi vừa thở vừa nói: “Melaka là mẹ la cà, con mỏi chân lắm rồi, nghỉ thôi”.

Ừ thì nghỉ, nhưng nghỉ cách nào mà vẫn ngắm được sông, ngắm được hoa nhỉ? Melaka sẽ có ngay câu trả lời. Đó là dọc sông có những bến tàu dành cho những du khách mỏi chân hay biếng lười trễ nải chọn cho mình cách khám phá “Venice của châu Á” bằng cách mua vé tàu thủy cho hành trình ngược xuôi trên sóng nước.

Dòng sông Melaka – “Venice của châu Á” lững lờ chảy trôi ra biển
Dòng sông Melaka – “Venice của châu Á” lững lờ chảy trôi ra biển

Khá nhàn nhã và thoải mái, con tàu chậm chạp đưa khách lướt qua những tòa nhà cũ, tham quan những bức tranh tường ấn tượng và quan sát cuộc sống của người dân.

Không chỉ có “Venice của châu Á”, Melaka còn có pháo đài A Famosa được người Bồ Đào Nha cho xây dựng vào đầu những năm 1500; có Stadthuys trong tiếng Hà Lan cổ có nghĩa là tòa thị chính hoặc quảng trường Đỏ, nằm ở ngay trung tâm Melaka nổi bật với màu tường hạt dẻ và những con đường lát gạch đỏ rực rỡ....

Nếu đã chán châu Âu, ở Melaka và chỉ ở Melaka mà thôi bạn có thể đi qua một chiếc cầu để về với châu Á và cũng chính là thế giới thứ hai trong hành trình giữa hai thế giới mà tôi đã nhắc đến ở trên. Ở bên kia bờ tây sông Melaka khác hẳn với bờ đông của một châu Âu cổ kính là nơi cư ngụ của cộng đồng người Hoa tạo nên một bức họa đặc sắc với sự góp mặt hoàn hảo của văn hóa Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Baba Nyonya.

Jalan Hang Jebat (hay Jonker Street) là con phố nổi tiếng nhất trong rất nhiều con phố góp mặt vào bức họa bờ đông. Tất cả khách tới du lịch Melaka không ai không biết con phố này, đặc biệt vào những tối cuối tuần.

Ban ngày trên phố là các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh đồ cổ, hàng hóa xưa cũ được trang trí và tô điểm bằng những họa tiết Trung Hoa điển hình như linh vật, bùa chú, đèn lồng. Vào tối thứ sáu và thứ bảy hằng tuần, Jalan Hang Jebat biến thành một chợ đêm, nơi những người bán hàng rong tụ tập chật phố với trên trời dưới biển là hàng hóa, và một thiên đường ẩm thực.

Nằm ở phố Jalan Tun Tan Chen Lock với ba ngôi nhà liền kề có kiến trúc tương đồng cùng nhiều căn khác ở khu phố cổ Trung Hoa là Bảo tàng di sản Baba Nyonya. Đây là cửa ngõ để khám phá các giá trị văn hóa và lối sống được kế thừa bởi cộng đồng và các gia đình người Baba Nyonya – hậu duệ của những người Trung Quốc đầu tiên di cư đến vùng đất quanh eo biển Malacca và kết hôn với người Malaysia bản xứ.

Trong cửa hàng nhỏ mang tên Wah Aik nằm chếch phía bên kia đường so với đền Cheng Hoon Teng, hai anh em Raymond và Toni Yeo vẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu mà ông nội để lại. Họ là thế hệ thứ ba trong một gia đình gìn giữ nghề thêu những chiếc hài Peranakan truyền thống. Ngày nay, không còn phụ nữ nào phải chịu đau đớn do hủ tục bó chân nữa nhưng những chiếc hài vẫn được bán cho khách du lịch Melaka làm quà lưu niệm....

Chuyện tôn giáo ở Melaka

Ở Melaka có một con phố rất đặc biệt. Được mệnh danh là đặc biệt bởi ở đó, các ngôi đền Phật giáo, đạo Hồi và đạo Hindu là “láng giềng” của nhau.  Đền Cheng Hong Teng là ngôi đền cổ nhất của người Hoa ở Malaysia và là công trình tiêu biểu cho kiến trúc đền đài phía nam Trung Quốc mang dấu ấn của các nghệ nhân và thợ thủ công bậc thầy đến từ Phúc Kiến và Quảng Đông.

Ngôi đền được trang hoàng cầu kỳ và bề thế là không gian linh thiêng để bao thế hệ người Hoa gửi gắm đức tin trong suốt chiều dài lịch sử thăng trầm 400 năm. Điều thú vị là ngôi đền Phật giáo này nằm cùng trên phố Jalan Tukang Emas cùng với hai ngôi đền khác của đạo Hồi và đạo Hindu.

Trong đó nhà thờ Hồi giáo Kampung Kling được xây dựng năm 1748 là ngôi đền Hồi giáo có tuổi đời lâu nhất ở Malaysia. Năm 1781 Ấn Độ giáo cũng đánh dấu sự có mặt của mình ở Malacca bằng một ngôi đền Hindu cổ nhất trong khu vực Đông Nam Á – đền Sri Poyyatha Moorthi...

Nếu may mắn cửa sổ phòng khách sạn của bạn ở Melaka quay ra biển, bạn sẽ được nhìn thấy ánh nắng của buổi chiều tà hắt trên những mái vòm của nhà thờ Hồi giáo Masjid Selat. Đứng từ xa nhìn Masjid Selat, có cảm giác như một lần nữa tuổi thơ của mình trở lại với hình ảnh của nàng Seherazat, của chàng thủy thủ Simbat, của những chùm chà là vàng óng đu đưa trong bộ truyện cổ nổi tiếng Nghìn lẻ một đêm.

Thánh đường Masjid Selat mở cửa từ năm 2006, xây dựng theo lối kiến trúc Trung Đông kết hợp với kiến trúc Mã Lai trên một hòn đảo nhân tạo nằm cạnh thành phố Melaka. Vì thế đứng ở Masjid Selat khi chiều xuống, thủy triều lên, sẽ có cảm giác đang đứng trên con tàu rẽ sóng giữa đại dương. Ban đêm nhìn từ xa thánh đường như một viên ngọc rực rỡ nhờ hàng loạt ánh đèn phản chiếu nhiều màu sắc.

Masjid Selat được đánh giá là một trong những điểm tham quan đẹp nhất ở Melaka và với tôi nó còn thú vị hơn nữa khi tôi được trải nghiệm trong bộ quần áo của phụ nữ Hồi giáo với tấm khăn che kín tóc, áo dài che kín thân thể dạo bước quanh thánh đường...

Ở Melaka còn có hai nhà thờ rất cổ và rất đẹp nữa là di tích nhà thờ thánh Paul với bức tường thánh Francis Xaviermột chiếc tay bị cắt cụt và nhà thờ thánh Francis Xavier có xu thế nghiêng về bên trái nhưng vẫn luôn nổi bật trên bầu trời Melaka...

Sầu riêng có nghĩa là vui chung

Sầu riêng Malaysia nổi tiếng ai cũng biết. Nhưng ít người biết mùa sầu riêng cũng là mùa vui chung với người dân Malaysia nói chung, người Melaka nói riêng và cả người dân đảo quốc Singapore láng giềng bên cạnh nữa. Mùa sầu riêng bắt đầu từ tháng 4 hàng năm và kéo dài đến hết tháng 8.

Quán sầu riêng ở khu phố Gelang – một trong những phố cổ của đảo quốc sư tử Singapore
Quán sầu riêng ở khu phố Gelang – một trong những phố cổ của đảo quốc sư tử Singapore

Tụ tập để ăn sầu riêng, tán chuyện, nghe nhạc là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người dân cả hai nước Malaysia và Singapore. Sở dĩ phải tụ tập để ăn sầu riêng vì luật pháp nơi đây có quy định rất chặt chẽ không được phép mang nguyên quả sầu riêng lên phương tiện công cộng. Nếu muốn mang thì phải bổ ra lấy cùi cho vào hộp đóng kín, mà như thế thì còn gì là thú ăn sầu riêng nữa. 

Vào mùa sầu riêng, ở các khu chợ mọc lên rất nhiều hàng sầu riêng và kèm theo đó là cũng đủ loại nhạc phục vụ khác ăn, từ nhạc Hoa cho tới nhạc Ấn, nhạc Malay... Sầu riêng được đánh giá là ngon nhất, đắt nhất là phải có vị đắng.

Đã sầu (buồn) lại còn đắng nữa, quả thật là khó nuốt, nhưng giá bán gần 500 nghìn đồng Việt Nam/kg vẫn hết veo veo. Đến Melaka tôi chưa kịp ăn sầu riêng nhưng đã được trải nghiệm thú ăn sầu riêng ở phố Gelang – một trong những phố cổ của đảo quốc sư tử Singapore. 

Đứng giữa mùi hương rất đặc trưng (không đặc trưng sao được khi một trường học ở Úc đã từng phải sơ tán mấy trăm học sinh khẩn cấp vì tưởng hở khí gas, hóa ra là do quả sầu riêng ai đó bỏ quên trong tủ đã chín nẫu), ông chủ quán to béo cười hớn hở, cứ gặp khách nữ người Việt là vỗ vai ha hả: “Bà xã ăn sầu riêng, bà xã ăn sầu riêng”.

Không hiểu ai dạy ông chủ quán nói câu này, nhưng đoán rằng ông chủ quan đang nghĩ mình nói “Mời em gái ăn sầu riêng”. Hẳn rằng ông chủ quán đã bị ai đó “chơi xỏ”. Nhưng không sao, chỉ cần ngắm những gia đình, những đôi tình nhân hào hứng quanh quả sầu đã bổ phơi ra cùi màu vàng bơ thơm lừng và những câu chuyện rôm rả quanh đó thì dù có mời ai cũng được, miễn là ngon!