Đến năm 2020 đáp ứng trên 90% nhu cầu trợ giúp tư pháp

 Đây là một trong mục tiêu cụ thể được nêu ra trong dự thảo Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đang được Cục TGPL – Bộ Tư pháp soạn thảo.

Đây là một trong mục tiêu cụ thể được nêu ra trong dự thảo Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đang được Cục TGPL – Bộ Tư pháp soạn thảo.

Nâng cao tỷ lệ tham gia tố tụng

Dự thảo Chiến lược nhấn mạnh, phải phát triển TGPL ổn định, bền vững nhằm cung ứng dịch vụ miễn phí kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả cho người dân có điều kiện kinh tế khó khăn và những người thuộc diện yếu thế khác đề bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp khi có vướng mắc pháp luật hoặc vì lý do bảo vệ công lý. Thực hiện mục tiêu tổng quát này, Dự thảo xác định các Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm cần phát huy vai trò nòng cốt của Trợ giúp viên pháp lý, thu hút sự tham gia tích cực của các cộng tác viên, luật sư và các chuyên gia pháp luật.

Một buổi Trợ giúp pháp lý
 

Theo đó, trong giai đoạn 2010 – 2015, sẽ đáp ứng 80 – 90% nhu cầu TGPL của người được TGPL ngay tại cơ sở, bảo đảm từ 30 – 40% tổng số vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý có đương sự là người được TGPL có Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Còn từ năm 2015 – 2020, tỷ lệ tương ứng sẽ được tăng lên trên 90% và trên 40%.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2015 – 2020, sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật TGPL, đề xuất chuyển đổi chức danh Trợ giúp viên pháp lý thành Luật sư nhà nước giúp cho người nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế được sử dụng dịch vụ có chất lượng ngang bằng với dịch vụ có thu phí. Như vậy, các Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm sẽ cử Luật sư nhà nước, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên 95% vụ án có đương sự, bị can, bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là người được TGPL và có yêu cầu TGPL.

Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo

Lãnh đạo Cục TGPL cho biết, Dự thảo Chiến lược khẳng định quan điểm phát triển TGPL ở nước ta là Nhà nước đóng vai trò nòng cốt, phát huy tính chủ động, tự giác, tích cực tham gia của người thực hiện TGPL, tổ chức tham gia TGPL. Cùng với việc khuyến khích xã hội hóa hoạt động này, TGPL vẫn là một trong các dịch vụ công của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Tại cuộc họp Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp cho ý kiến về Dự thảo Chiến lược mới đây, các thành viên rất đồng tình với các quan điểm nêu trên. Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế Dương Đăng Huệ còn cho rằng, TGPL phải là dịch vụ công lâu dài của Nhà nước song cần nói rõ thêm Nhà nước đóng vai trò nòng cốt về mặt tài chính hay nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng tán thành quan điểm TGPL là dịch vụ công, trách nhiệm thực hiện thuộc về Nhà nước nhưng tổ chức thực hiện như thế nào thì tùy từng giai đoạn sao cho Nhà nước là đảm bảo cuối cùng để bảo vệ quyền lợi của người được TGPL. “Việc xã hội hóa là Nhà nước trực tiếp làm ngày càng ít đi mà chỉ giữ vai trò nòng cốt tạo ra cơ chế huy động được nguồn lực xã hội tham gia TGPL”, Thứ trưởng Liên nói.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu quan niệm TGPL là một dịch vụ công thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm cao nhất đối với các khoản kinh phí để bảo đảm cung ứng dịch vụ cho người được TGPL. Trong khi đó, các mục tiêu của Dự thảo Chiến lược lại thể hiện sự kỳ vọng quá lớn vào sự tự nguyện đóng góp của các tổ chức, cá nhân và như vậy, ngược với nguyên tắc hoạt động của loại hình dịch vụ công.

Sơn Hà

Đọc thêm