Đền Tranh: Điểm đến tâm linh vào dịp đầu xuân năm mới khi đến với Hải Dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đền Tranh nằm cách trung tâm TP Hải Dương khoảng 30km về phía Nam thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang (Hải Dương). Đây không chỉ là một công trình kiến trúc mang đậm nét đặc trưng của văn hoá đền, chùa Việt mà còn là nơi có tín ngưỡng tâm linh độc đáo, nổi tiếng khắp vùng.
Đền Tranh ở Ninh Giang (Hải Dương).
Đền Tranh ở Ninh Giang (Hải Dương).

Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan lớn Tuần Tranh nằm ở gần bến đò Tranh, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn. Nay đền thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Gắn liền với đền Tranh có rất nhiều truyền thuyết thần kỳ. Nổi bật nhất là truyền thuyết về Quan lớn Tuần Tranh, là người được thờ tự trong đền.

Tương truyền, ngài Tuần Tranh vốn là một vị quan nhà Trần và nhậm chức ở huyện Ninh Giang rồi lên Lạng Sơn đánh giặc. Thời kỳ đó ở bến sông Tranh có hai con rắn dữ thường quấy phá dân lành. Một hôm chúng đã bắt mất người vợ xinh đẹp của quan Tuần Tranh khiến ông khởi kiện đến Long Vương. Hai con rắn bị thua nên phải mang cả dòng họ đi nơi khác, từ đó bến sông Tranh không còn bị hai con rắn quấy phá nữa. Người dân ghi nhớ công ơn của ngài nên đã lập đền thờ tôn quan Tuần Tranh là vị thần để bảo vệ khúc sông, phù hộ cho người dân buôn bán may mắn và qua sông bình an.

Một số hình ảnh ở đền Tranh.

Một số hình ảnh ở đền Tranh.

Hiện chưa có thông tin chính xác về thời gian xây dựng đền Tranh. Nhưng theo các cụ cao niên nơi đây truyền lại thì ngôi đền này vốn được dựng trên ngôi miếu Tranh Giang Đại Vương có từ thời vua Hùng. Đền toạ lạc trên khu đất đẹp có nhiều cây cổ thụ xum xuê và đặc biệt rất linh thiêng nếu cầu đảo khi đi sông nước.

Được biết, qua nhiều lần chuyển dời cùng nhiều lần trùng tu tôn tạo, đền Tranh hiện nay được đánh giá là công trình lớn và là địa điểm tâm linh linh thiêng của người dân Hải Dương nói riêng và du khách thập phương xa gần nói chung. Ngôi đền cổ này không những đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử mà còn là nơi tập trung phong phú, đa dạng về tín ngưỡng dân gian và tích hợp được nét đẹp của văn hoá Việt.

Rất đông người dân đến lễ bái, cầu may tại đền vào dịp đầu xuân năm mới.

Rất đông người dân đến lễ bái, cầu may tại đền vào dịp đầu xuân năm mới.

Căn cứ vào hệ thống bia ký tại đền cho thấy, vào năm 1852 (tức năm Tự Đức thứ 5), đền đã có nhiều người công đức để tôn tạo. Hiện, ngôi đền còn được biết đến là đền Tranh Ninh Giang, đền Ninh Giang hay đền Quan Tuần Tranh.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đền Tranh hiện nay được xây gồm 3 toà: tiền đường, trung từ và hậu cung. Mỗi công trình gồm 7 gian, tổng số là 21 gian. Kiến trúc phỏng theo thời Lê và Nguyễn. Đặc biệt, đền còn bảo lưu được một số cổ vật có giá trị nghệ thuật như tượng Quan lớn Tuần Tranh bằng đồng nặng 200 kg, 4 pho tượng Tứ Trụ bằng đá, bát hương, đỉnh đồng, hạc đồng, cuốn thư, choé sứ…

Ngoài lễ bái, cầu may, người dân có thể đến xin chữ đầu năm.

Ngoài lễ bái, cầu may, người dân có thể đến xin chữ đầu năm.

Trong dân gian vẫn truyền tụng là “đền thiêng lắm, linh ứng lắm, cầu gì được nấy” nên hoà cùng không khí giao thoa của đất trời vào những ngày đầu xuân năm mới, rất nhiều bà con địa phương, du khách thập phương xa gần đã về lễ bái, cầu may rất đông. Đặc biệt vào đúng dịp lễ hội của đền, du khách về trẩy hội nhộn nhịp, đông đúc. Những dịp này, nhiều hàng quán bán đồ lưu niệm, đặc sản của vùng quê Ninh Giang, vùng quê Hải Dương hay những điểm cho chữ đầu xuân cũng xuất hiện náo nhiệt...

Đền có hai lễ hội chính trong năm là hội tháng 2 (kéo dài từ ngày 10 đến ngày 20), trong đó chính là ngày 14/2 tức ngày sinh thần của Quan Tuần Tranh và hội tháng 5 (kéo dài từ ngày 20 đến ngày 26), trong đó hội chính là ngày 25/5 (Âm lịch), tức ngày ngài Quan Tuần Tranh hoá Thánh.

Những ngày này, đền Tranh rất đông du khách đến chiêm bái, thăm quan.

Những ngày này, đền Tranh rất đông du khách đến chiêm bái, thăm quan.

Lễ hội đền Tranh được coi là một trong những lễ hội lớn nhất tại Hải Dương, chính vì vậy có sức hút du khách thập phương về chiêm bái rất đông. Trong khuôn khổ của lễ hội, cũng diễn ra nhiều hoạt động như: hát văn (một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền), đồng thời là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng dân gian.

Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động khác như, các trò chơi dân gian của phần hội cũng được khôi phục. Các nghi thức lễ rước bộ và nghi thức tế mẫu (nghi lễ tế cung đình) cũng được diễn ra trang trọng bên cạnh như trò chơi dân gian đặc sắc. Trước những giá trị về di tích, văn hoá… vào năm 2009, đền Tranh cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia và ngày càng trở nên nổi tiếng, thu hút hơn.

Đọc thêm