ĐH Nông lâm TP HCM: Căng thẳng nội bộ, giảng viên bỏ trường?

Liên quan đến việc tạm dừng cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa TCK04 (ĐH Nông lâm TP HCM) vì nghi ngờ có tiêu cực, sáng qua, ban lãnh đạo nhà trường tổ chức họp và yêu cầu Khoa Kinh tế giao nộp bài thi môn Tài chính doanh nghiệp để chờ thẩm tra.

Liên quan đến việc tạm dừng cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa TCK04 (ĐH Nông lâm TP HCM) vì nghi ngờ có tiêu cực, sáng qua, ban lãnh đạo nhà trường tổ chức họp và yêu cầu Khoa Kinh tế giao nộp bài thi môn Tài chính doanh nghiệp để chờ thẩm tra.

Nhưng sự việc trở nên căng thẳng khi ông Nguyễn Văn Ngãi (Trưởng khoa Kinh tế) cương quyết từ chối giao nộp bài thi cho lãnh đạo nhà trường vì không có lý do chính đáng. Có thể nói đây là sự kiện đỉnh điểm cho hàng loạt mâu thuẫn nội bộ âm ỉ lâu nay tại ĐH Nông lâm TP HCM.

“Giọt nước tràn ly

Hơn 100 sinh viên khoá TCK04 (2004 - 2008, Khoa Kinh tế, ĐH Nông lâm TP HCM) đã kết thúc môn thi tốt nghiệp từ tháng 10/2009. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn chưa được công nhận tốt nghiệp, chưa được cấp bằng ĐH vì liên tục có tố cáo xảy ra tiêu cực trong kỳ thi, trong đó có mâu thuẫn giữa các cá nhân lãnh đạo khoa và bộ môn. 

Mô tả ảnh.

Liệu những mâu thuẫn nội bộ của Trường Nông lâm TP HCM chỉ xảy ra ở Khoa Kinh tế?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mâu thuẫn ngấm ngầm lâu nay trong nội bộ giữa Trưởng khoa Nguyễn Văn Ngãi và Trưởng bộ môn Tài chính doanh nghiệp Bùi Công Luận lại có cơ hội bộc phát qua vụ việc này. Đây cũng là “giọt nước tràn ly” khi trước đó có hàng loạt kiến nghị, tố cáo của cán bộ khoa không được lãnh đạo trường giải quyết thoả đáng.

Hôm qua, ông Nguyễn Văn Ngãi cho biết, từ khi làm Trưởng khoa đến nay, ông đã phát hiện nhiều việc làm tắc trách trong chuyên môn của ông Luận. “Tôi có đủ cơ sở để chứng minh có nhiều tiết học thực hành, ông Luận không dạy sinh viên nhưng vẫn nhận đủ tiền…”, ông Ngãi nói.

Về phía mình, ông Luận lại “tố” ông Ngãi đã chi tiêu tiền của khoa không đúng mục đích, giả mạo chứng từ… “Việc cho cán bộ của khoa đi du lịch nước ngoài (tháng 8.2008) trong thời điểm lạm phát là khó chấp nhận được. Chưa hết, ông Ngãi còn giả mạo, sửa chứng từ để hợp thức hoá việc làm này của mình”, ông Luận bức xúc.

Nhưng điều đáng nói là nhiều tố cáo, kiến nghị, bức xúc kiểu như vậy của cán bộ, giảng viên khoa Kinh tế đều không được lãnh đạo ĐH Nông lâm TP HCM giải quyết thoả đáng, khiến cho nội bộ mất đoàn kết. 
 
Cán bộ, giảng viên bất mãn

Dư luận đang xôn xao trước thông tin, hai năm nay, khoảng 120 cán bộ, giảng viên của trường đã nghỉ việc và hàng chục giảng viên khác đang làm đơn xin nghỉ. Theo ông Ngãi, việc giải quyết không đến nơi đến chốn và nghiêm minh các sự việc tiêu cực, bức xức khiến cho cán bộ, giảng viên trong trường càng trở nên bất mãn.

“Trưởng khoa Nông học cũng đang làm đơn xin nghỉ việc. Trong buổi làm việc sáng 18/5, Hiệu trưởng cũng không cho tôi phát biểu quan điểm mà chỉ yêu cầu trả lời “có” hoặc “không” trước câu hỏi có giao nộp bài thi hay không? Điều này khó thể chấp nhận được”, ông Ngãi nói.

Tuy Trưởng khoa và Trưởng bộ môn bất đồng về quan điểm cá nhân, nhưng hai ông đều cho rằng, trường cần cấp bằng cho sinh viên, vì đó là quyền lợi của họ, không thể “ngâm” bằng để kiểm tra, thẩm tra lại bài thi của sinh viên. Còn chuyện nội bộ, mâu thuẫn, tiêu cực… thì trường cần giải quyết, nhưng không được ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên.

Cùng ngày, chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Trịnh Trường Giang, Hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP HCM, để có thông tin chính thức về vụ việc này nhưng bất thành.

Thông tin 120 giảng viên bỏ trường là không chính xác

Hôm qua, trao đổi với Đất Việt về những lình xình của Trường ĐH Nông lâm TP HCM, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết sau khi có thông tin 120 giảng viên bỏ trường vì mâu thuẫn nội bộ, lãnh đạo Vụ đã trao đổi với trường. Theo số liệu mà Hiệu trưởng nhà trường báo cáo, hằng năm vẫn có trường hợp cán bộ, giảng viên xin chuyển đi. Cụ thể, năm 2008 có 28 trường hợp và năm 2009 có 29 giảng viên xin chuyển công tác vì nhiều lý do khác nhau. “Vì vậy, thông tin 120 giảng viên bỏ trường là không chính xác và chúng tôi không có kết luận giảng viên bỏ đi vì mâu thuẫn nội bộ”, bà Hà nói. Và trong hai năm qua, nhà trường đã tuyển số cán bộ giảng viên nhiều hơn số giảng viên đi khỏi trường. Do đó, số giảng viên của trường tiếp tục tăng lên.

Theo báo cáo “ba công khai” của Trường ĐH Nông lâm TP HCM, toàn trường hiện có 900 giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên, trong đó có 521 giảng viên.

Xung quanh việc chậm cấp bằng cho sinh viên TCK04, bà Hà cho biết đã yêu cầu nhà trường chỉ đạo khoa báo cáo cụ thể về công tác chuẩn bị thi, ra đề và chấm thi tốt nghiệp. Trên cơ sở này mới có kết luận chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp có đúng quy chế hay không.

T.Trúc

Theo Đất Việt

Đọc thêm