ĐHĐCĐ Bamboo Capital (BCG): Đặt mục tiêu lãi sau thuế năm 2024 tăng gần 6 lần; dự kiến đưa bảo hiểm AAA lên sàn UpCOM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cũng tại Đại hội, ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị BCG sẽ thôi nhiệm vụ Chủ tịch để “tập trung công tác phụ trách Hội đồng sáng lập và Hội đồng cố vấn trong việc chỉ đạo định hướng chiến lược Tập đoàn Bamboo Capital”.
ĐHĐCĐ Bamboo Capital (BCG): Đặt mục tiêu lãi sau thuế năm 2024 tăng gần 6 lần; dự kiến đưa bảo hiểm AAA lên sàn UpCOM

Sáng 27/4, Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã ck: BCG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Tại đại hội, lãnh đạo của BCG báo cáo kết quả kinh doanh 2023 và thông qua nhiều vấn đề trong năm 2024.

Với khó khăn nhất định phải đối mặt trong năm 2023, tính chung cả năm 2023, BCG ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.012 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 171,1 tỷ đồng. Kết quả này còn kém hơn so với mức kế hoạch mà BCG đã đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông trước đó.

Dù vậy BCG cũng đạt được nhiều thành tựu nhất định, như giảm tổng nợ kiểm soát 18,2% so với hồi đầu năm. Hạ tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu xuống còn 1,4 lần so với mức 2,2 lần hồi đầu năm.

Tính đến cuối năm 2023, công ty không thực hiện tăng vốn điều lệ. Tính đến ngày 31/3/2023, vốn điều lệ của công ty là 5.334 tỷ đồng.

Đặt mục tiêu lãi sau thuế tăng 5,6 lần năm trước

Về định hướng năm 2024, ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch tập đoàn BCG cho biết, trong năm nay, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ lên mức 8.802 tỷ đồng thông qua phương thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Về kết quả kinh doanh, năm 2024, BCG đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 6.103 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 952 tỷ đồng, tăng 52% về doanh thu và gấp gần 5,6 lần về lợi nhuận.

Năm 2023, công ty dự kiến không chia cổ tức 2023, mục tiêu trả cổ tức 2024 có tỷ lệ 5%.

Về kế hoach từng mảng, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, BCG dự kiến sẽ hoàn thiện công tác đàm phán giá cho hai dự án điện mặt trời Phù Mỹ và Krong Pa 2; tiếp tục thúc đẩy để hoàn thành dự án 150MW điện mặt trời áp mái; triển khai xây dựng 550 MW điện gió trên bờ và ngoài khơi (dự kiến COD năm 2025).

Riêng mảng điện rác, BCG Energy dự kiến trong năm 2024 triển khai xây nhà máy điện rác đầu tiên tại huyện Củ Chi (tổng công suất 200MW), xử lý 2.000 tấn rác/ngày, giai đoạn 1 hoàn thành trong năm 2025 và giai đoạn 2 hoàn thành trong 2026; bên cạnh đó là xây dựng nhà máy tại Long An với công suất 500 tấn/ngày.

Ngoài ra, BCG Energy đang nộp hồ sơ để trở thành công ty đại chúng

Đối với mảng bất động sản, BCG Land (mã ck: BCR) sẽ tập trung hoàn thiện xây dựng các dự án đang triển khai gồm Malibu Hội An, Hoian d’Or và King Crown Infinity. Cùng với đó, công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện pháp lý dự án; nghiên cứu và phát triển cho dòng bất động sản khu công nghiệp.

Ở mảng xây dựng – đầu tư cơ sở hạ tầng, Tradico trong năm 2024 sẽ triển khai thi công Gói thầu số 12 thuộc dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và dự án khu dân cư Đức Thịnh (Bắc Giang).

Đối với mảng dịch vụ tài chính - cụ thể là bảo hiểm AAA, công ty đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm 2024 đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng, lãi sau thuế tối thiểu bằng 2023 nhưng có thể đạt khoảng 17 tỷ đồng, tăng 71%. Một điểm đáng lưu ý, là AAA đang triển khai hồ sơ để có thể đăng ký giao dịch chứng khoán lên sàn UPCoM trong thời gian tới.

Ở mảng sản xuất – thương mại, với Tipharco, do tồn tại nhiều biến động nên kế hoạch 2024 công ty đưa ra ở mức thận trọng, đạt 406 tỷ đồng doanh thu và 33 tỷ đồng lợi nhuận.

BCG lên kế hoạch đến năm 2028 có thể ghi nhận 30.475 tỷ đồng doanh thu và hơn 4.535 tỷ đồng lãi sau thuế.

Chủ tịch Hội đồng quản trị BCG ông Nguyễn Hồ Nam xin từ nhiệm

Tại đại hội lần này, BCG sẽ thông qua miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Thế Tài và ông Phạm Nguyễn Thiên Chương.

Ông Nguyễn Hồ Nam xin từ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị BCG

Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng quản trị - ông Nguyễn Hồ Nam, gửi đơn xin từ nhiệm ngay trước thềm đại hội một ngày. Trong đơn từ nhiệm, ông Nam cho biết thôi nhiệm vụ Chủ tịch để “tập trung công tác phụ trách Hội đồng sáng lập và Hội đồng cố vấn trong việc chỉ đạo định hướng chiến lược Tập đoàn Bamboo Capital”.

Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ thông qua miễn nhiệm Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Kou Kok Yiow.

Sau khi từ nhiệm Ban Kiểm soát, ông Kou Kok Yiow được đề cử trong danh sách ứng viên vào Hội đồng quản trị BCG cùng ông Hoàng Trung Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BCG Energy. Hai ông Kou Kok Yiow và Hoàng Trung Thành được đã trúng cử vào HĐQT Bamboo Capital với tỷ lệ tán thành lần lượt là 90,5 và 88%.

Trong khi đó, ông Leong Kwek Choon, hiện đang là cố vấn cao cấp Công ty TNHH RE Subtainability International (Singapore) được bầu vào Ban kiểm soát.

Ông Kou Kok Yiow được bầu làm Tân Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital

HĐQT mới của Bamboo Capital đã có cuộc họp riêng tại đại hội và thống nhất bầu ông Kou Kok Yiow làm Tân Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital. Ông Kou Kok Yiow có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán và điều hành, quản lý các công ty trong lĩnh vực tài chính kế toán. Ông tham gia vào Tập đoàn Bamboo Capital từ năm 2020 Hiện tại, ông đang giữ chức vụ Giám đốc Công ty Harvest Global Investment Pte Ltd – một công ty đầu tư tài chính đa quốc gia có trụ sở tại Singapore.

Thảo luận tại Đại hội

Tại đại hội, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi lý do vì sao ông Nguyễn Hồ Nam lại xin từ nhiệm. Trả lời vấn đề này, chủ tịch Nguyễn Hồ Nam chia sẻ, tập đoàn đã có sự chuẩn bị trước cho việc này theo hướng tái cấu trúc.

BCG hiện đang có 12 lãnh đạo, sẵn sàng kế thừa 9 nhân sự sáng lập ban đầu, dưới 12 người này còn có đội ngũ 42 nhân sự lõi sẵn sàng tiếp bước.

BCG đang phát triển mô hình tập đoàn không phụ thuộc vào bất kỳ thành viên nào, vì vậy nhân sự sáng lập sẽ từ từ rút khỏi Hội đồng quản trị để nhân sự lớp kế cận được phát triển với tâm thế vững vàng hơn.

"Tôi từ nhiệm không phải để rời đi mà để dịch chuyển lên cương vị mới là Chủ tịch Hội đồng chiến lược. Với tâm thế mới, hội đồng chiến lược sẽ dành thời gian để tìm kiếm những hướng đi mới cho Tập đoàn", ông Nam chia sẻ.

Năm 2023, BCG chưa đạt được kết quả như kế hoạch đề ra, vậy tính khả thi của kế hoạch kinh doanh 2024 là gì? - là câu hỏi tiếp theo mà cổ đông đặt ra cho ban chủ tọa họp Đại hội cổ đông.

Đại diện cho ban lãnh đạo, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Minh Tuấn cho biết, kế hoạch kinh doanh 2024 được đưa ra dựa trên cơ sở năng lực của Tập đoàn chứ chưa tính đến việc chậm về mặt chính sách.

Trong khi đó, Tập đoàn BCG đầu tư vào đa lĩnh vực, trong đó lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo đều là lĩnh vực phụ thuộc vào môi trường chính sách, tiến độ pháp lý. Đáng chú ý, mảng năng lượng tái tạo hiện đang khó phát triển được do chính sách chậm, quy trình phê duyệt chậm.

So với các doanh nghiệp cùng ngành, ở cùng thời điểm, nhiều doanh nghiệp khác ghi nhận lỗ, dự án không triển khai được thì BCG vẫn có thể ghi nhận lợi nhuận. Điều này có được là nhờ vào quá trình giám sát chặt chẽ của cả tập đoàn. Do đó, lợi nhuận nếu chưa đạt được trong năm nay thì sẽ cố gắng trong năm tiếp theo.

Ông Hồ Nam cũng nói thêm, trong những năm vừa qua, dưới tác động của dịch bệnh, biến động bất thường như dịch bệnh, bất ổn địa chính trị đã làm chậm trễ các dự án của Tập đoàn, dẫn đến kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng.

Tại đại hội, có cổ đông hỏi, ngành nghề của BCG hiện đang quá dàn trải, BCG có kế hoạch thu hẹp không?

Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam cho biết, trong quản trị kinh doanh, doanh nghiệp làm ngành nào sẽ tập trung ngành đó để tìm ra điểm đột phá. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng tại các nước phát triển, có hành lang pháp lý về ngành và nền kinh tế vững vàng, nhờ đó các tập đoàn đơn ngành mới phát triển rực rỡ.

Nhưng ở nền kinh tế Châu Á, mang văn hóa Á Đông như Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển, các ngành nghề đều có tiềm năng phát triển nên việc phát triển đa ngành sẽ dễ dàng.

Hơn nữa, sự ổn định ngành của nền kinh tế đang phát triển mong manh hơn nước phát triển nên đa phần tập đoàn phát triển rực rỡ là đa ngành để các ngành bù trừ cho nhau. BCG đã chứng minh được khi vượt qua được giai đoạn khó khăn vừa qua, các mảng bù đắp cho nhau, tạo ra lợi thế về quy mô.

BCG hiện sở hữu năm ngành chính, trong đó năng lượng là mảng cốt lõi do là xu hướng tất yếu của nền kinh tế, điện rác cũng nằm trong ngành này. Năng lượng là ngành được BCG đầu tư rất lớn, dự kiến trong 3 năm tới sẽ tăng trưởng gấp đôi. Với quy mô hiện tại, BCG thu tiền điện 2.000 tỷ đồng/năm, nếu tăng gấp đôi có thể thu ổn định 4.000 tỷ/năm.

Mảng bất động sản được hưởng quả ngọt từ quá khứ nhưng hiện đang chững lại, các mảng khác đang bù đắp để mảng này vượt qua khó khăn.

Mảng tài chính, AAA sau khi được BCG mua lại đã tăng trưởng doanh số rất nhiều và lọt vào top 15 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn của Việt Nam. Đây là ngành có triển vọng khi mang tính nhân văn và phát triển rất lớn theo nền kinh tế. Mảng dược cũng có tiềm năng khi gắn với nhu cầu phát triển của ngành kinh tế.

Đề cập đến vấn đề quy hoạch điện VIII ảnh hưởng đến BCG như thế nào, Phó Chủ tịch Phạm Minh Tuấn cho biết, kế hoạch Điện VIII hiện vẫn chưa hoàn chỉnh, Bộ Công thương vẫn trong quá trình hoàn thành.

Tuy nhiên, quan điểm rõ ràng là tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo, xác định cụ thể quy mô phát triển các mảng năng lượng.

Hiện, BCG đang chờ Chính phủ tiếp tục hoàn thiện phần 2 Quy hoạch Điện VIII để xác định công suất phân bổ tại các dự án điện rác, đưa ra giá rõ ràng để quyết định đầu tư.

Với 4 dự án điện gió trọng điểm và các dự án điện rác, BCG Energy sẽ trở thành doanh nghiệp phát triển điện hàng đầu của Việt Nam.

Ngoài ra, Tập đoàn đang tìm hiểu lĩnh vực tích trữ điện năng nhưng về cơ bản vẫn đang tập trung vào điện gió và điện rác.

Đọc thêm