Với mục tiêu sắp xếp lại dân cư ven biển hợp lý để phòng tránh và giảm thiểu các tác hại của thiên tai, Dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam được Chính phủ phê duyệt thực hiện. Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, lộ trình sắp xếp dân cư ven biển trên địa bàn tỉnh đã không như mong muốn.
Cuộc di dân lịch sử nhường đất cho du lịch
Năm 2008, Dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam chính thức triển khai thực hiện. Trên 18.000 hộ dân với gần 73.000 nhân khẩu của 15 xã thuộc 4 huyện, TP tỉnh Quảng Nam chịu ảnh hưởng bởi dự án.
Cụ thể các xã: Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên); Bình Dương, Bình Minh, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, Bình Nam (huyện Thăng Bình); Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú (TP Tam Kỳ); Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Anh Bắc (huyện Núi Thành). Trong đó, tổng số hộ dân trong diện di dời trên 4.000 hộ, còn lại nằm trong diện sắp xếp trong nội bộ xã và chỉnh trang tại các điểm hiện có; hộ nông nghiệp chiếm 41%, hộ ngư nghiệp chiếm 31%.
Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án khi đó dự kiến gần 3.700 tỷ đồng, bao gồm từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn huy động từ lồng ghép các chương trình dự án, ngân sách địa phương, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, nguồn ODA... Thời gian thực hiện dự án dự kiến 13 năm từ 2008 đến 2020 và được chia thành 3 giai đoạn đầu tư: giai đoạn 1 từ năm 2008 - 2010, thực hiện di dời, sắp xếp trên 4.300 hộ dân với gần 17.000 nhân khẩu và tổng nguồn kinh phí đầu tư trên 1.300 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2011 - 2015, thực hiện di dời, sắp xếp trên 3.000 hộ dân với gần 13.000 nhân khẩu, tổng kinh phí đầu tư trên 1.400 tỷ đồng; giai đoạn 3 từ 2016 - 2020, thực hiện di dời, sắp xếp gần 800 hộ với trên 2.400 nhân khẩu, kinh phí đầu tư trên 900 tỷ đồng.
Tính cho tới thời điểm hiện tại, qua nhận định của nhiều người, đây được xem là cuộc tổng di dời dân có một không hai trong lịch sử tỉnh Quảng Nam. Điều đáng nói, sau khi di dời dân, các nhà quy hoạch đã dùng phần lớn các vệt ven biển kéo dài từ Duy Xuyên đến Núi Thành chủ yếu trở thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và các khu đô thị… trong tương lai.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, vệt ven biển dài 70km, tổng diện tích phát triển du lịch khoảng 7.000ha với nhiều dự án lớn, trong đó có dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An; diện tích đất phát triển khu đô thị khoảng 15.000ha, riêng Khu đô thị Nam Hội An khoảng 650ha theo hình thức đổi đất lấy dự án; dự án khu nghỉ dưỡng Dacotex Hải Âu Xanh với diện tích 18,7ha…
Tuy nhiên, các dự án du lịch liên tục bị trì trệ do thiếu vốn, thậm chí “treo” trong nhiều năm liền. Điều này đồng nghĩa, cả ngàn hécta đất bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất. Trong khi đó, hàng chục ngàn hộ dân chỉ biết than trời, gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì nằm trong vùng dự án nhưng “đi không được, ở không xong”, đường xá thi công dở dang, thiếu đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản khiến cuộc sống vốn đã khó, lại càng khó.
Cầm tiền tỉ vẫn nghèo!
Mãi đến năm 2016, một số dự án nêu trên mới bắt đầu triển khai. Các hộ thuộc diện di dời tiếp tục nhận tiền đền bù, rục rịch chuyển đến nơi ở mới. Thế nhưng, bị kẹp giữa không gian quy hoạch rộng lớn, nỗi lo sinh kế, công ăn việc làm lại đang trở thành gánh nặng mà chỉ những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này mới hiểu…
Tại khu tái định cư (TĐC) Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên) đã hình thành từ hơn 1 năm trước để nhận những người dân ven biển của huyện vào TĐC. Cả một dãy nhà bế thế mọc lên san sát nhau. Trước đây, bà con hễ gặp nhau đều nghe câu “nhận được bao nhiêu tỉ”, “mấy trăm triệu xây nhà”, nhưng đến nay họ chỉ biết ngồi bó gối, lo lắng tìm sinh kế mới.
Vợ chồng ông Huỳnh Văn Cho (SN 1964), Đặng Thị Thao (SN 1965) cũng giống như 20 hộ còn lại của khi TĐC Tây Sơn Đông, đã từng cầm trong tay 4 tỉ tiền đồng đền bù. Sau khi làm ngôi nhà kiên cố thờ tự, chia cho anh chị em, ông còn dư 400 triệu gửi ngân hàng. Số tiền tưởng lớn, nhưng qua 1 năm rút ăn dần, đã vơi gần hết.
Theo ông Cho, vì 2 vợ chồng đều ở tuổi trung niên, làm công nhân không ai nhận, đi biển không đủ sức, trong khi đó, hơn 10.000 m2 đất lâu dài, đất ruộng đã nhường hết cho dự án. Để mưu sinh, ông Cho dự định thời gian tới phải ra thành phố lớn phụ hồ hoặc làm thuê.
Tương tự, khu TĐC Sơn Viên (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) đang trong quá trình hoàn thiện. Đối nghịch lại con đường nhựa 1 chiều với hệ thống đèn chạy dài nối từ cầu Cửa Đại, là hình ảnh vài người dân đội nón ngồi trông ngóng mông lung vì không biết tương lai, sinh kế của gia đình ra sao.
Tương lai an sinh mịt mù
Không chỉ ông Hai, ông Cho, nhiều cư dân có nhà ngay chân cầu Cửa Đại cũng cùng chung suy nghĩ vì sắp vào khu TĐC: “Có tiền mà không sinh lợi nên đủ hệ lụy. Nhiều người được nhận 2 - 3 tỷ đồng vẫn lo, nào là thay đổi cuộc sống rồi có thích nghi được không, mồ mả tổ tiên đất đai bao đời nay dời đi phải xây lại cho đàng hoàng tử tế ra sao…. Trước đây, có ít lúa ít gạo, nếu nuôi thêm con gà con heo cũng được đồng ra đồng vào. Nay vô khu TĐC chỉ có ngồi chơi xơi nước. Rồi hết đời mình, đời con cháu không biết tính như thế nào”…một người dân bộc bạch.
Trao đổi xung quanh vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, theo quy hoạch, xã Duy Hải bị giải tỏa trắng 1.000ha để nhường đất cho dự án. Tính đến nay, 163 ha đã được thu hồi, 178 hộ dân cũng được di dời lên khu TĐC mới. Tuy nhiên vấn đề việc làm trở thành nỗi lo lớn và cũng là nguyên nhân chính khiến người dân không chịu vào khu TĐC.
Hiện dân trong xã có 2 nguồn thu nhập chính: từ tiền bồi thường giải tỏa và làm các nghề liên quan đến biển. Sau khi giải tỏa vùng này không còn đất sản xuất nữa, vì vậy, ngoài tiêu dần tiền đền bù, nhiều lao động trung niên không còn nguồn thu khác.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Nam, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cũng xác nhận tình trạng tương tự ở địa phương mình. Theo ông Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương tập trung đầu tư nhiều nhóm dự án động lực cho vùng giải tỏa như: nhóm khu đô thị, du lịch nam Hội An, Vinpearl... Điều đáng nói, đối với người dân vùng ven biển, những khu resort, công nghiệp hỗ trợ nghe còn quá xa vời vì vướng trình độ, tuổi tác…Vì thế, tương lai an sinh của những cư dân ven biển vẫn mịt mù, nếu không muốn gọi là bế tắc.