Có thể bắt đầu bằng một cuộc đi thực tế được tổ chức khá quy mô vào năm 1977. “Đi thực tế”, một cụm từ khá lạ tai đối với những họa sĩ đang sống tại Đà Nẵng lúc bấy giờ và cũng là khởi điểm cho một quan niệm sáng tác mới: Hội họa trước đời sống hiện thực XHCN.
Xuống biển
Chúng tôi, những anh chị em sáng tác mỹ thuật cùng với sự hướng đạo của nhà văn Nguyễn Chí Trung theo chân những ngư dân vùng biển Quảng Nam-Đà Nẵng ra khơi nhân mùa đánh cá vụ nam. Chúng tôi được chia đều nhau trên mỗi chiếc tàu đánh cá. Lênh đênh hơn 10 ngày trên biển, tận mắt chứng kiến sự nhọc nhằn lẫn can trường của ngư dân, một ngành nghề thường xuyên đối mặt với tai ương, gió bão, biển động khi sinh mạng của mỗi người chỉ cách vực sâu đáy biển mỏng mảnh một đáy nan thuyền.
Sau chuyến đi thực tế từ khơi xa trở về, phòng tranh mang tên “Người và biển” ra đời chuyên chở hàng loạt tấm tranh vẽ thuyền chài, tàu cá với quang cảnh rộn ràng ngư dân chuẩn bị ra khơi hay nô nức khi cá về; có những bức tranh đặc tả các ngư cụ lưới phao, dây câu hay các sinh hoạt gia đình ở làng thuyền chài. Mùa triển lãm đầu tiên ấy, trưng bày nhiều tranh với đủ loại kích cỡ và chất liệu của những họa sĩ tiền phong ở Đà Nẵng như: Tôn Thất Thủy, Duy Ninh, Vũ Dương, Nguyễn Hưng, Lâm Quang Phước… khai mạc đúng vào ngày 29 tháng 3, kỷ niệm năm thứ 2 ngày thành phố Đà Nẵng sống trong thanh bình. Tính từ trước và mãi đến bây giờ, lần đầu tiên những họa sĩ Đà Nẵng tìm đến tận nơi, tham khảo, ghi chép và sáng tác về biển. Và, cũng là lần đầu tiên, sinh hoạt đời sống của người dân biển mới được khắc họa đậm nét và giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Lên rừng
Một vài năm sau, cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật thành lập. Đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác mỹ thuật được hình thành. Những trại sáng tác được tổ chức. Một trong những lần đó, anh chị em họa sĩ chọn đề tài vẽ về Trường Sơn và phong cảnh, đời sống các thôn bản vùng cao. Lại cọ, bút, màu vẽ và ba lô, những họa sĩ hào hứng lên đường tìm đến với Trường Sơn mang đầy huyền thoại hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tìm đến với Trà My sống và vẽ giữa bạt ngàn núi đồi, hương quế. Vẽ về những cụm lan rừng lấp lánh trong nắng; những căn nhà sàn thô mộc; những dáng dấp thon thả của các thôn nữ vùng cao thơm ngát hương rừng, uyển chuyển theo nhịp chày giã gạo trong bóng chiều tà, sương núi. Hay chân dung các cụ già hồn hậu, miệng móm mém say sưa kể những kỷ niệm một thời tham gia chống giặc dưới ánh lửa đêm đêm ở Hiên, Giằng, Phước Sơn… Tất cả hình ảnh con người và thiên nhiên ấy lần lượt tái hiện trên mảng tranh nóng hổi hơi thở đời sống của họa sĩ.
Về xuôi
Đi, về. Về rồi lại đi. Cụm từ “Đi thực tế” cứ tưởng chỉ dành cho các nhà… địa lý. Hoặc chỉ dành cho các nhà văn chuyên về dân tộc học nay đã trở thành “chuyện thường ngày” của giới vẽ tranh. Đi và vẽ. Những bức tranh của họ gần gũi, đậm đà hơn với hơi thở cuộc sống. Vào những năm gần đây, chúng tôi thực hiện một chuyến đi, khởi hành từ chân đèo Hải Vân, qua Nam Ô, về sông Hàn và đi dọc suốt dòng sông Thu Bồn.
Mảng điêu khắc ở những cuộc triển lãm về sau với những tác giả dày kinh nghiệm về cuộc sống cũng như về nghề như Phạm Hồng, Mai Ngọc Chính, Phạm Văn Hạng, Đỗ Toàn, Lê Huy Hạnh. Có thêm nhiều họa sĩ thế hệ trẻ như Lê Đợi, Ngọc Minh, Tường Vinh, Từ Duy, Hoàng Ân, Nguyễn Trọng Dũng, Võ Thanh Tịnh, Trần Nhơn, Thân Trọng Dũng, Trần Đình Nam Kha, Nguyễn Trung Kỳ… Những họa sĩ nữ như Nguyễn Thị Phi, Dư Dư, Trần Thị Cúc, Trần Thị Hồng Lâm…
Đến nay, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng đã ra đời. Phương tiện đầy đủ hơn. Những cuộc triển lãm, những lần trưng bày tranh, tượng nghệ thuật trong thành phố mỗi ngày mỗi dày hơn. Tác phẩm của từng tác giả mỗi ngày mỗi sâu hơn, đa dạng, phong phú hơn. Nhiều tác giả có tranh ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều tác phẩm được Hội đồng Mỹ thuật Quốc gia trao tặng huy chương khen ngợi. Nhiều tác phẩm mỹ thuật được giới thiệu, trưng bày, triển lãm ở nước ngoài.
35 năm, khoảng thời gian quả thật là dài nhưng đối với sự phát triển mỹ thuật có thể là chưa đủ. Anh chị em sáng tác mỹ thuật vẫn đang nỗ lực tìm tòi, sáng tạo với hoài bão đóng góp sức mình theo cùng với sự thay đổi lớn lao từng ngày của thành phố Đà Nẵng.
|
||
Tổ mũi nhọn - Phù điêu của MAI NGỌC CHÍNH |
|
||
Người bán dạo trên phốc - Tranh sơn dầu của LÊ ĐỢI |
|
||
Trở về - Tranh khắc của DUY NINH |
|
||
Trăng khuya - Tranh sơn dầu của DƯ DƯ |
HOÀNG ĐẶNG