Di dời các ĐH, "lộ diện” quỹ đất “vàng”

Sau khi danh sách các đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thuộc diện phải di dời ra khỏi nội thành Hà Nội được công bố, giới đầu tư rất quan tâm đến quỹ đất của các đơn vị này, bởi đa số đều là “đất vàng” đầy tiềm năng sinh lời…

Sau khi danh sách các đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thuộc diện phải di dời ra khỏi nội thành Hà Nội được công bố, giới đầu tư rất quan tâm đến quỹ đất của các đơn vị này, bởi đa số đều là “đất vàng” đầy tiềm năng sinh lời…

Bám mặt đường

Nằm trên đường Pháo Đài Láng, ĐH Ngoại thương có khuôn viên khá rộng. Tại đây, năm 2009 công trình tòa nhà đa năng có tổng diện tích sàn gần 11.000m2, chiều cao 12 tầng và 1 tầng hầm vừa mới được đưa vào sử dụng.

ĐH Văn hóa Hà Nội trên đường Đê La Thành cũng sở hữu vị trí “trong mơ” đối với các nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản. Ngoài khu giảng đường, nhà văn hóa, ĐH này còn dành một diện tích đất khá rộng cho ký túc xá sinh viên.

Theo một nhà môi giới bất động sản, vị trí của ĐH Văn hóa Hà Nội nếu xây dựng khu trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê sẽ là cơ hội lý tưởng để kinh doanh. “Khác với các khu đất có nhà dân, hầu hết diện tích đất của các cơ sở giáo dục đều là đất sạch, việc giải phóng mặt bằng chắc chắn thuận lợi. Vấn đề là sự “bắt tay” liên kết khai thác quỹ đất giữa nhà đầu tư với nhà trường sẽ được thực hiện theo phương thức nào”, nhà môi giới trên cho hay.

Di dời các ĐH, "lộ diện” quỹ đất “vàng” ảnh 1

Cũng như ĐH Ngoại thương, ĐH Văn hóa Hà Nội, các cơ sở giáo dục khác như ĐH Công đoàn, ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Xây dựng cũng sở hữu vị trí mặt bằng “trong mơ”. Ngay trên đường Giải Phóng, ĐH Xây Dựng từ lâu cũng được nhiều nhà đầu tư nhòm ngó bởi vị trí thuận tiện của khu đất. Khuôn viên rộng rãi và lợi thế “đất sạch” đang “thôi thúc” nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào sự hợp tác triển khai dự án ngay trên khu đất này, sau khi Trường được di dời.

Chưa biết đi đâu

12 ĐH, CĐ phải di dời khỏi nội thành Hà Nội
1. ĐH Công đoàn, 2. ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, 3. ĐH Luật Hà Nội, 4. ĐH Ngoại thương, 5. ĐH Răng Hàm Mặt, 6. ĐH Văn hóa Hà Nội, 7. ĐH Xây dựng, 8. ĐH Y Hà Nội, 9. ĐH Y tế công cộng, 10. Viện Đại học Mở Hà Nội, 11. Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, 12. Cao đẳng Y tế Hà Nội.
11 cơ sở giáo dục phải cải tạo
1. ĐH Bách khoa Hà Nội, 2. ĐH Dược Hà Nội, 3. ĐH Giao thông - Vận tải, 4. ĐH Kinh tế quốc dân, 5. ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, 6. ĐH Thủy lợi, 7. Học viện Âm nhạc quốc gia, 8. Học viện Hành chính Quốc gia, 9. Học viện Ngân hàng, 10. Học viện Ngoại giao, 11. Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, 12 ĐH thuộc diện di dời cùng với 11 cơ sở giáo dục khác phải cải tạo. Theo đó, từ tháng 2 đến tháng 8/2011, các trường phải phối hợp với các địa phương để đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có trường nào đăng ký với TP.Hà Nội về phương án di chuyển. Do đó, nơi đến của các trường này đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thật rõ ràng.

Trong khi giới đầu tư quan tâm đến vị trí “đất vàng” của các ĐH di dời, thì nguồn tin từ một số cơ sở giáo dục này cho biết, hiện tại họ vẫn chưa biết chuyển đi đâu.

Ông Phạm Quang Đạt - Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp ĐH Công đoàn - cho biết, hôm vừa rồi đã lên UBND TP.Hà Nội, “ở đây cho biết TP.Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc để lập phương án báo cáo thành phố, chứ hoàn toàn chưa có thông tin gì thêm. Trong tuần tới lãnh đạo nhà trường sẽ lên Sở Quy hoạch – Kiến trúc để liên hệ làm việc, lúc đó có thể mới có thông tin cụ thể”.

“Nghe nói là di dời, nhưng chúng tôi cũng chưa nhận được văn bản chính thức về việc di dời” – ông Đạt giãi bày.

Nằm trên đường Tây Sơn, quy mô ĐH Công đoàn là 2,1 ha, đây cũng là một trong những trường nằm trong diện di dời theo kế hoạch.

Trường hợp ĐH Công đoàn phải di dời đến địa điểm mới, ông Đạt cho biết, trong chủ trương do lãnh đạo nhà trường thống nhất trước đây thì ĐH Công đoàn sẽ di dời một phần. “Vì kinh phí có hạn nên chúng tôi chỉ di dời một phần, còn lại sẽ làm cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở địa điểm hiện nay của nhà trường”, ông Đạt nói. Tuy nhiên, ông Đạt cũng cho biết, khi xây dựng cơ sở mới thì cơ bản là sẽ chuyển đi.

Xác nhận với phóng viên, một cán bộ công tác tại ĐH Quốc gia cho biết, trong năm nay, nhà trường cũng chưa có kế hoạch gì về việc di dời đến địa điểm mới.

Việt Hưng

Đọc thêm