Đi nhặt nỗi đau...

Mỗi đứa trẻ mỗi mảnh đời, số phận... Những mảnh vỡ của cuộc đời ấy tìm hơi ấm dưới mái nhà của Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi Hoa Mai (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Bỏ ngoài những lo toan, tính toán thường nhật, các “má” ở trung tâm nâng giấc đàn con bằng chính trái tim mình.

Mỗi đứa trẻ mỗi mảnh đời, số phận... Những mảnh vỡ của cuộc đời ấy tìm hơi ấm dưới mái nhà của Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi Hoa Mai (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Bỏ ngoài những lo toan, tính toán thường nhật, các “má” ở trung tâm nâng giấc đàn con bằng chính trái tim mình.

Con yêu “má” lắm

“Má” Xuân và các con thu hoạch nấm.

Bước vào khuôn viên Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi Hoa Mai, một cậu bé đen nhẻm, trông nghịch ngợm nắm lấy tay tôi: “Con dẫn cô đi gặp “má” Xuân nhé”. Tôi xoa đầu cậu bé: “Con ở đây có vui không, các má có thương con không?”. “Các má thương bọn con lắm và bọn con cũng thương các má. Đứa nào bị ốm, các má đều chăm sóc suốt ngày đêm trong bệnh viện. Nhưng nếu nghịch thì sẽ bị la” - Cậu bé nhoẻn miệng cười khoe hàm răng sún. Chị Nguyễn Thị Xuân đang bày cho bọn trẻ cách trồng nấm trong nhà, thấy tôi chị dừng tay, tiếp chuyện: “Bọn trẻ bây giờ mau mồm mau miệng lắm! Chứ lúc mới vào trung tâm thì đứa nào cũng nhát”.

Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi Hoa Mai được thành lập năm 2002, trực thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi thành phố. Kinh phí để hoạt động do Tổ chức Assorv của nhóm bác sĩ Việt kiều Pháp hỗ trợ. 50 trẻ em được nuôi dưỡng tại đây hầu hết là trẻ mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, nghèo khó. 7 chị ở trung tâm vừa là ba, là má, là y tá mỗi khi các con đau ốm. Vất vả là thế nhưng các chị ai cũng vui. Những cậu bé, cô bé đến đây có đủ các độ tuổi từ 3 đến 17, 18 tuổi, mỗi đứa một số phận, một tính cách.

Chị Xuân kể: Có nhiều em, chẳng hạn như cậu bé Trương Anh Tuấn vào trung tâm khi mới 5 tuổi. Tuấn có hoàn cảnh thật đáng thương, cha đi đường cha, mẹ đi đường mẹ, ở với người cô ruột. Cô Tuấn bận bịu và ít quan tâm đến cháu, thế là bé Tuấn suốt ngày lang thang ra chợ để kiếm ăn vì đói. Những lúc không xin được gì, quá đói, Tuấn đành giật đồ của các hàng quán ven chợ và bỏ chạy. Có những lần chạy thoát, có lần bị đánh hút chết. Thế rồi Tuấn được đưa vào trung tâm.

Lúc mới vào người em gầy đét, ốm yếu, đen nhẻm và quen cách chụp giật ở chợ nên hễ bố, mẹ bạn nào mang quà bánh tới là Tuấn chụp đồ để ăn. Giờ Tuấn ngoan lắm, không còn ăn cắp đồ nữa, lại còn biết giúp các mẹ những việc vặt. Hay như cô bé Nguyễn Thị Thanh Hương, mẹ chết, cha bị tâm thần nhẹ. Cứ mỗi dịp Tết, hè, khi các bạn ở trung tâm đều về thăm nhà thì Hương vẫn xin ở lại trung tâm bởi “em không có nhà”. Trước đây, khi còn ở với bố, 3 bố con luôn phải chạy đi ở nhờ nhiều nơi, chị em Hương thì đi xin ăn những người hàng xóm tốt bụng. Đến giờ Hương cũng không biết bố và các chị tứ tán ở đâu nữa. “Con ước chi có một mái nhà, có ba, có má để ba má mua đồ chơi cho con” - Bé Hương (4 tuổi) cười hồn nhiên.

“Sống ở trên đời cần có một tấm lòng”...

Khi tôi hỏi về lương, chị Xuân cười: Ở đây không có lương mà gọi là trợ cấp thôi em à. Chị là cao nhất 1,8 triệu đồng/tháng, còn lại các chị em khác thì 1,6 triệu đồng/tháng, mấy năm nay vẫn như thế. Nếu với giá cả bây giờ thì tiền xăng xe chạy mỗi ngày cũng hết gần một nửa rồi. Có tận mắt chứng kiến mới thấy công việc của các chị vất vả đến thế nào. Không chỉ lo ăn uống cho các em, các chị còn lo sách vở mỗi khi đến năm học mới, lo các con đau ốm, lo các con ăn không ngon..., thôi thì trăm thứ lo. Có những ngày, các chị phải trực 24/24 giờ tại trung tâm.

Chị Trần Thị Ngọc Anh - người đã gắn bó với trung tâm từ ngày đầu thành lập - tâm sự: “Khi đã quyết định chọn nghề này, gắn bó với nơi đây thì mình đã trở thành một con người khác rồi. Ở đây không có những toan tính thiệt hơn, cho nhiều hơn là nhận và phải biết sẻ chia. Nếu không có tình thương, sự cảm thông thì không thể gắn bó với công việc này lâu dài được”. Tình người chính là sợi dây kết nối mọi người lại với nhau. Chị Xuân bộc bạch: Đến đây rồi mới thấy các em thật đáng thương, chúng bị thiệt thòi rất nhiều. Mình chỉ mong sẽ bù đắp phần nào cho chúng. Nhờ sự dạy bảo của các “má”, những đứa trẻ, kể cả đứa “cứng đầu” nhất cũng trở nên rất ngoan, biết thương yêu bạn bè. Mỗi khi “má” Xuân hay “má” Anh trực là các cô bé, cậu bé đều giành ngủ chung để được má xoa đầu, kể chuyện cho nghe. Ở trung tâm, các em không chỉ được học tập mà còn biết lao động như phụ các má nấu cơm, trồng nấm, nuôi 10 con heo...

Rời nơi đây, tôi chợt nghĩ, trung tâm đã trở thành tổ ấm thứ hai, là nơi chứa đựng những kỷ niệm đẹp nhất của thời thơ ấu mà có lẽ sau này các em không bao giờ quên được. Ở nơi ấy, có những tấm lòng nhân ái đã dành trọn cuộc đời để đi nhặt những nỗi đau, xoa dịu những vết thương của số phận bằng lòng nhân ái cao cả.

Bài và ảnh: Mai Phương

Đọc thêm