Ngày nay, đi nước ngoài không còn là chuyện của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp nữa, mà đã trở thành chuyện hết sức bình thường. Mỗi vùng đất đều có một phong tục và luật lệ riêng, để không xảy ra những điều đáng tiếc, bạn phải chuẩn bị thật kỹ trước mỗi chuyến đi, nhất là những chuyến đi dài ngày như xuất ngoại lao động, học tập, sinh sống ở nước ngoài…
|
Thứ nhất, phải có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ, gồm hộ chiếu quốc gia của Việt Nam (còn thời hạn ít nhất 6 tháng) và thị thực của nước đến, trừ những nước được miễn thị thực theo thỏa thuận với Việt Nam hoặc đơn phương miễn thị thực cho hộ chiếu Việt Nam.
Những người là cán bộ, công chức đi thực hiện công việc chính thức của cơ quan sẽ được Bộ Ngoại giao cấp hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ. Hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ của ta được miễn thị thực đến 42 nước (xem danh sách cập nhật trên trang Web của Bộ Ngoại giao và hội nhập kinh tế quốc tế). Hộ chiếu phổ thông (do Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp) cũng được miễn thị thực đến một số ít nước.
Thứ hai, phải tìm hiểu kỹ về nước mình định đến, đối tác định trao đổi hoặc công việc định làm.
Tôn trọng luật pháp, phong tục tập quán của nước sở tại là điều tối thiểu phải biết khi ở nước ngoài. Điều này giúp tránh mọi thứ bất trắc có thể xảy ra ngay từ khi đến sân bay và trong thời gian lưu trú ở nước ngoài. Cần biết là những thói quen tưởng như vô thưởng vô phạt khi ở Việt Nam (xả rác bừa bãi, chen lấn khi đi ngoài đường, mang số lượng tiền mặt lớn theo người, ồn ào tại các chung cư) rất có thể lại là những nguyên nhân dẫn đến những tai nạn không đáng có ở nước ngoài.
Những người đi công vụ cũng cần hiểu về đối tác và những tập quán ở nước mà mình đến. Cần chú ý những biểu hiện bề ngoài như: trang phục, thái độ tiếp xúc, cách chúc rượu. Ngoài ra, giờ giấc có tác dụng hết sức to lớn đối với sự thành, bại của mỗi chuyến đi.
Thứ ba, cần tìm hiểu về những quyền và quyền lợi của mình khi ở nước ngoài phù hợp với pháp luật quốc tế. Điều này có vẻ to tát nhưng thực tế lại hết sức đơn giản và cần thiết cho mỗi người.
Những vấn đề cần lưu ý:
Trong trường hợp công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và bị bắt, bị giam giữ hoặc bị hạn chế tự do cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào, cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam (gọi tắt là cơ quan đại diện - CQĐD) biết; nếu họ quyết định mở phiên tòa để xét xử thì phải mời đại diện CQĐD của ta đến dự để bảo vệ công dân mình. Nước sở tại cũng có trách nhiệm thông báo cho công dân Việt Nam (là người đang bị bắt giữ) về quyền của họ được liên hệ, tiếp xúc với CQĐD Việt Nam để nhờ giúp đỡ, bảo vệ.
Trong trường hợp này, cán bộ lãnh sự hoạt động với tư cách thay mặt cho Nhà nước ta để bảo hộ công dân mình. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thuê luật sư sở tại để bào chữa thì cán bộ lãnh sự sẽ liên hệ giúp cho đương sự, nhưng người đó phải tự thanh toán mọi chi phí.
Huỳnh Lê (Sưu tầm và tổng hợp)