Làm sống lại ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc
Di sản nghe nhìn bao gồm các tài liệu phim ảnh, bản ghi âm, hình ảnh liên quan đến các sự kiện lịch sử, văn hóa của dân tộc. Việc bảo tồn các tài liệu nghe nhìn giúp cho thế hệ hiện tại và tương lai có cơ hội được nghe, xem lại những sự kiện lịch sử, góp phần duy trì, gìn giữ ký ức văn hóa của dân tộc, không để chúng rơi vào quên lãng mà biến mất.
Điển hình, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện bước ngoặt trong lịch sử dân tộc này đã được ghi lại qua âm thanh, trở thành một trong những di sản nghe nhìn quan trọng nhất của đất nước. Tại thời điểm đó, kỹ thuật ghi âm còn hạn chế, nhưng nhờ có sự phối hợp giữa các kỹ thuật viên và thiết bị ghi âm, chúng ta ngày nay vẫn có thể nghe lại giọng nói mạnh mẽ, dứt khoát của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày độc lập. Bản ghi âm hiện vẫn được bảo tồn cẩn thận và thường xuyên được phát lại trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh hàng năm và các sự kiện quan trọng khác của đất nước. Nhờ vậy, khoảnh khắc lịch sử quan trọng này vẫn “sống” trong lòng mỗi người dân Việt Nam ngày nay.
Đặc biệt, xoay xung quanh thước phim “Ngày Độc lập 2/9/1945”, câu hỏi về người thực hiện cảnh quay quý giá về Ngày Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Trong năm 2012, đạo diễn Phạm Kỳ Nam được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và trong danh sách các tác phẩm của ông, có bộ phim tài liệu Ngày Độc lập 2/9/1945. Đây là bộ phim tư liệu đặc biệt, ghi lại những hình ảnh chân thực của ngày lịch sử đó. Bộ phim được công bố vào năm 1975, 30 năm sau ngày lễ thiêng liêng, khi Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Kỳ Nam vô tình được tiếp cận với những thước phim này tại Pháp. Tuy nhiên, danh tính người quay phim vẫn là một bí ẩn. Theo thông tin từ ông Nguyễn Hữu Đang, người được giao nhiệm vụ tổ chức lễ Độc lập, có khả năng đoạn phim được quay bởi hiệu ảnh Hương Ký hoặc phái đoàn Mỹ. Nhưng do nhiều yếu tố lịch sử và sự biến động của thời cuộc, câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời giải đáp chính xác. Dù bí ẩn chưa được giải quyết, bộ phim đã trở thành tư liệu quý giá giúp tái hiện lại khoảnh khắc lịch sử trọng đại của dân tộc.
Không dừng ở đó, di sản nghe nhìn còn phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Nhân dân Việt Nam. Những thước phim tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hay những bản ghi âm lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành những di sản vô giá. Đơn cử, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát đi lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp. Lời kêu gọi này đánh dấu sự khởi đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ và là lời hiệu triệu đầy cảm xúc, khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc. Bản ghi âm lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được ghi lại và truyền tải qua các phương tiện truyền thông, tiếp tục “truyền lửa” cho các thế hệ mai sau về một thời kỳ đấu tranh gian khó nhưng đầy tự hào.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 cũng là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, được ghi lại qua các thước phim tài liệu sống động. Những thước phim về sự chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, cũng như khoảnh khắc chiến thắng vang dội trước thực dân Pháp là bằng chứng của một chiến thắng quân sự vĩ đại. Đây là di sản vô giá, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về tinh thần đoàn kết, dũng cảm của Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập.
Ngoài âm thanh và bản ghi hình, những bức ảnh lịch sử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn ký ức quốc gia. Các tác phẩm nghệ thuật như tem bưu chính có nguồn gốc từ các tài liệu lưu trữ đã góp phần đưa những khoảnh khắc lịch sử vào cuộc sống hàng ngày. Một ví dụ là tem bưu chính phát hành năm 1954 và 1984 với hình ảnh của Hầm De Castries - nơi biểu tượng cho Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Hay bộ tem phát hành vào năm 1967 - 1968 với hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang kêu gọi toàn quốc kháng chiến cũng là một minh chứng cho giá trị lịch sử mà các tài liệu nghe nhìn mang lại.
Ngoài ra, bức ảnh nổi tiếng “O du kích nhỏ” của nhà báo Phan Thoan đã được giới thiệu trên tem bưu chính phát hành vào ngày 5/6/1997, làm sống lại ký ức về cuộc đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam. Hay cũng nhờ vào một bức ảnh tư liệu quý giá của nhà báo Pháp Francoise Demulder vào năm 1995, hình ảnh chiếc xe tăng số 390 do Trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 đã trở thành một biểu tượng của chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những bức ảnh tư liệu như vậy đã trở thành biểu tượng lịch sử được bảo tồn và lưu giữ qua nhiều thế hệ, đồng thời góp phần làm sống động lại những giai đoạn hào hùng của đất nước.
Gìn giữ ký ức văn hóa quốc gia trước nguy cơ biến mất
Các bộ tem bưu chính phát hành qua các năm tái hiện những khoảnh khắc lịch sử quan trọng của dân tộc. (Ảnh tư liệu: dangcongsan.vn). |
Việc bảo tồn di sản nghe nhìn, bao gồm các bộ phim, bài hát và các tư liệu âm thanh, hình ảnh khác, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì ký ức văn hóa của một quốc gia. Tuy nhiên, không phải tất cả các tài liệu nghe nhìn đều được bảo tồn tốt. Theo Viện Phim Việt Nam, hiện nay nhiều tài liệu phim ảnh đã xuống cấp nghiêm trọng do điều kiện bảo quản không đảm bảo. Nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố môi trường khác đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng các tài liệu này. Nhiều phim cũ từ thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã bị hư hỏng không thể phục hồi. Thêm vào đó, việc thiếu nguồn lực để số hóa các tài liệu nghe nhìn cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Nhiều bộ phim, bài hát quan trọng, giàu giá trị lịch sử vẫn đang bị thất lạc hoặc bị quên lãng bởi công chúng không có cơ hội tiếp cận hoặc chưa nhận thức được giá trị của chúng.
Ví dụ, nhiều tác phẩm âm nhạc cách mạng, bao gồm những bài hát kinh điển của nhạc sĩ Hoàng Vân, chỉ mới được giới thiệu đến công chúng thông qua các dự án cá nhân và gia đình của ông. Hai người con của nhạc sĩ Hoàng Vân đã phải nỗ lực lập ra một website riêng để lưu trữ các tác phẩm của ông, bảo tồn hơn 700 tác phẩm âm nhạc, hàng trăm video và tư liệu liên quan đến sự nghiệp âm nhạc của ông. Dù đây là một dự án cá nhân, nhưng nó đặt ra một vấn đề lớn trong việc thiếu hụt nguồn lực công để lưu giữ di sản âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Cuốn sách Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành cũng là một bước tiến quan trọng trong việc ghi nhận và bảo tồn di sản âm nhạc của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ khi có nhiều người nhận ra sự cần thiết của việc bảo tồn di sản nghe nhìn, chúng ta mới có thể tạo ra một kho lưu trữ phong phú và đa dạng, giúp các thế hệ sau dễ dàng tiếp cận và học hỏi từ quá khứ.
Trong công tác bảo tồn điện ảnh, ảnh tư liệu và các hình thức nghệ thuật khác, Viện Phim Việt Nam đã khởi động kênh YouTube để giới thiệu các tác phẩm điện ảnh có giá trị. Tuy nhiên, việc số hóa và đưa phim ảnh lên các nền tảng kỹ thuật số vẫn còn chậm. Dù nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, nhưng nhiều tác phẩm điện ảnh quan trọng vẫn chưa được tiếp cận rộng rãi. Điều này đặt ra nhu cầu cấp bách về việc số hóa và bảo tồn các di sản điện ảnh vừa để đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa để phục vụ cho công tác nghiên cứu và giáo dục.
Di sản nghe nhìn là một lăng kính quan trọng phản ánh quá trình phát triển của đất nước, từ những ngày đầu lập quốc đến các cuộc kháng chiến chống xâm lược và giai đoạn xây dựng đất nước. Những tài liệu quý báu này giúp chúng ta nhìn lại lịch sử, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau, giúp họ hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa và lịch sử của dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy di sản nghe nhìn không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý văn hóa mà cần có sự tham gia của toàn xã hội, từ các tổ chức, cá nhân đến cộng đồng.