Di sản phi vật thể và những “báu vật sống”

(PLVN) - Đến nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 14 di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử… Tất cả được gìn giữ qua nhiều thế hệ, bởi các nghệ nhân, những “báu vật sống” truyền lại…
Đêm hội xòe Thái đón nhận bằng Di sản thế giới tại Nghĩa Lộ ( Yên Bái) tháng 9/2022.

Khi niềm tự hào được nhân lên gấp bội

NSND Hồng Lựu, một người đã gắn bó với ví dặm gần như trong suốt cả cuộc đời chia sẻ: Từ ngày dân ca ví dặm của Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại chị vui mừng khôn xiết vì môn nghệ thuật cả đời dành tâm sức cuối cùng cũng được ghi danh. Từ đó, chị cùng những người yêu dân ca ví dặm đã tìm nhiều cách để cùng duy trì, phát triển.

Nhiều câu lạc bộ yêu ví dặm đã ra đời không chỉ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn rộng ra trên khắp đất nước. Các cuộc liên hoan dân ca ví dặm cũng đã được tổ chức nhằm tôn vinh di sản và quảng bá rộng rãi di sản văn hóa phi vật thể dân ca - ví dặm.

Hiện nay, nhiều loại hình giải trí khác đầy hấp dẫn đã khiến tình yêu dân ca, ví dặm có giảm đi trong lòng khán giả, NSND Hồng Lựu đã bắt tay vào sáng tác kịch bản dân ca cho nhà trường, dàn dựng vở cho các doanh nghiệp, góp phần tạo dựng tên tuổi cho đơn vị dù đó là một đơn vị không liên quan đến văn hóa. Chị cho rằng, làm vậy có nghĩa là mình đã “truyền bá” dân ca, ví dặm đến tường tận mọi ngóc ngách của đời sống, mọi ngành nghề.

Từ nhiều bài hát sưu tầm được, chị mạnh dạn sáng tạo và phát triển, vẫn giữ được nét truyền thống mà lại mang hơi thở của thời đại. Dân ca xứ Nghệ chủ yếu là đối đáp giao duyên dành cho người lớn nên rất ít lời dành cho con trẻ. Vì thế, khi đi dạy ở các trường học, chị viết lời các bài dân ca dựa vào những lời dạy trẻ rất thiết thực, để mỗi câu dân ca xứ Nghệ đều mang tính giáo dục con người về nhân tình thế thái. Theo chị, đó là một dịp bổ ích để đưa di sản văn hóa phi vật thể truyền bá tới cộng đồng, các thế hệ nối tiếp sẽ biết thực hành di sản, đưa di sản thành một phần trong đời sống nhân dân.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO chính thức công nhận Di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2014.

Còn tại Phú Thọ, thời gian qua, cùng với việc tập trung đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích gắn liền với sự ra đời của Hát Xoan; tổ chức vinh danh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan thì sự ra đời ngày càng nhiều của các câu lạc bộ Hát Xoan đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan, đưa di sản đến gần hơn với đời sống cộng đồng.

Trước đây, khi Hát Xoan chưa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, không ít lần di sản này đứng trước nguy cơ bị thất truyền bởi những biến cố lịch sử, bởi sự tàn phá của thiên tai, địch họa. Phú Thọ khi ấy chỉ có hơn 100 đào, kép Xoan hoạt động không đều, trong đó quá nửa đã trên 60 tuổi; có 13 CLB Hát Xoan với gần 300 thành viên, 15 nghệ nhân lão thành và chỉ có 7 người còn khả năng thực hành, truyền dạy.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc duy trì và bảo tồn Hát Xoan tại thời điểm này, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch - Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì cho biết: “Trong những năm tháng chiến tranh, đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, nhiều di tích đình, đền, miếu bị tàn phá khiến cho Hát Xoan bị đứt đoạn, không gian trình diễn hát Xoan cũng vì thế mà mai một dần”.

Ngày 24/11/2011, Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đến nay, số lượng các CLB Hát Xoan ngày càng tăng lên. Đã có 34 CLB cấp tỉnh với trên 1.557 người tham gia thực hành hát Xoan, tăng hơn 23 lần so với năm 2011; 64 CLB Hát Xoan và dân ca cấp huyện với 1.325 thành viên tham gia; 42 CLB Hát Xoan và dân ca cấp xã với trên 1.400 thành viên. Thời gian đó, chỉ có 7 nghệ nhân cao niên có thể diễn xướng, truyền dạy Xoan cổ thì nay, Hát Xoan đã có lực lượng nghệ nhân kế cận đông đảo với 62 người. Còn CLB Hát Xoan, thu hút hàng trăm học viên tham gia học tập, trong đó có khoảng 60% học viên nắm bắt được từ 15 - 20 bài hát Xoan; nhiều học viên có khả năng truyền dạy hát Xoan tại cơ sở.

Cần có chiến lược hậu vinh danh

Theo thống kê của các nhà chuyên môn về lĩnh vực di sản văn hóa dân gian, cả nước hiện có khoảng 75,3% nghệ nhân ở độ tuổi nghỉ hưu, 50% nghệ nhân thuộc dân tộc thiểu số, 60% nghệ nhân sinh sống gắn với nông nghiệp.

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định việc hỗ trợ đối với nghệ nhân dân gian. Theo đó, những người có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhà nước hỗ trợ, dự kiến mức cao nhất là 1,1 triệu đồng/tháng; được hỗ trợ BHYT, chi phí mai táng khi qua đời…

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc vinh danh các di sản phi vật thể từ cấp quốc gia cho đến UNESCO dù được đẩy mạnh trong thời gian qua nhưng các chế độ đãi ngộ với những người thực hành là các nghệ nhân vẫn là một “hành trình” dài đầy gian truân.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, phần lớn nghệ nhân giỏi trên cả nước đều là những người nghèo, tuổi cao, sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Chính sách của nhà nước không dễ đến được với họ, nhất là phải trải qua những thủ tục hành chính bắt buộc ở địa phương. Có những nơi, lãnh đạo cũng không nắm được chủ trương dành cho nghệ nhân. Do đó, nhiều nghệ nhân vẫn chưa nhận được trợ cấp.

Cũng theo GS Lê Hồng Lý, cùng với chính sách hỗ trợ, địa phương có thể thành lập một quỹ tài trợ cho các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian, nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần bổ sung kinh phí cho các hoạt động tôn vinh quảng bá di sản. Việc có nguồn hỗ trợ để nghệ nhân đỡ lo toan về đời sống, từ đó có thể toàn tâm, toàn ý cho hoạt động bảo tồn di sản là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe có hạn. Trong khi, tình yêu, trách nhiệm của các nghệ nhân là “mạch nguồn” cho sức sống bền bỉ của các di sản văn hóa. Bên cạnh những hoạt động vinh danh, ghi nhận công lao, còn cần có những hỗ trợ thiết thực hơn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng này gìn giữ, trao truyền vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc.

NSND Hồng Lựu khẳng định rằng, ngoài các chính sách hoạch định của các cấp quản lý, cần ráo riết trong việc giữ gìn di sản từ nơi đã sinh ra nó. Hậu vinh danh, di sản trở thành một phần tự hào của cộng đồng và sẽ được khích lệ khi có một chiến lược cụ thể tới những người sinh hoạt trong cộng đồng di sản ấy.

Giáo sư Trần Lâm Biền đã từng chia sẻ: Từ xưa đến nay, người Việt Nam chúng ta thường coi trọng chữ danh. Chữ danh ngoài danh vọng còn là danh dự, bởi vậy khi được phong danh hiệu nghệ nhân sẽ có cách để giữ gìn danh hiệu ấy. Còn Nhà nước chỉ có thể động viên tinh thần và có thể có một phần tài trợ. Có thể nó là khởi đầu cũng có thể thường xuyên, nhiều khi cũng phải được xem xét theo từng hoàn cảnh chứ không nhất thiết là đồng loạt.

Theo các chuyên gia, bảo vệ văn hóa phi vật thể thì không thể tách khỏi việc bảo vệ con người, tức là bảo vệ các nghệ nhân và di sản của họ. Tôn vinh nghệ nhân là cách để tạo cho họ sự tôn vinh trước cộng đồng, đó không phải là yếu tố quyết định nhưng là cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta...

Xòe Thái tỏa sáng cùng văn hóa thế giới

Gần đây nhất, UNESCO đã chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với sự kiện này, những ngày cuối năm 2021, văn hóa Việt một lần nữa tỏa sáng cùng văn hóa thế giới.

Là hình thức kết nối ước vọng của con người với thế giới thần linh, xòe lâu nay đã là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái. Xòe phản ánh vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Thái gồm thế giới ở trên trời, ở mặt đất và của thần linh, thể hiện ước vọng của con người, cầu mong sự trợ giúp, phù hộ của thần linh có một cuộc sống no đủ, bình an.

14 di sản phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận bao gồm:

Nhã nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca quan họ Bắc Ninh; hát ca trù; Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh; nghi lễ và trò chơi kéo co; tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; nghệ thuật bài Chòi Trung Bộ; hát Xoan; thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái và mới đây nhất là nghệ thuật Xèo Thái.

Đọc thêm