Làm lại phim kinh điển
Nếu nói về phim kinh điển Việt Nam, có lẽ có thể kể cả ngày mà không hết, bởi đây là một “gia tài” hết sức đồ sộ qua nhiều giai đoạn của lịch sử điện ảnh. Trước hết, phim kinh điển về kháng chiến cứu quốc là một mảng đầy phong phú và nhiều giá trị. Thập niên 70 - 80, hàng loạt tác phẩm điện ảnh về cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã ra đời, như “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”, “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Sao tháng Tám”, “Em bé Hà Nội”, “Hà Nội 12 ngày đêm”, “Biệt động Sài Gòn”...
Phim Làng Vũ Đại ngày ấy. (Ảnh tư liệu Cục Điện Ảnh). |
Ở mảng phim phản ánh hiện thực xã hội cũ, rất nhiều những tác phẩm kinh điển đã đi vào lịch sử điện ảnh, như “Vợ chồng A Phủ”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Thằng Bờm”... Những năm 1990 - 2000 là giai đoạn “vàng” của điện ảnh Việt khi nền điện ảnh vừa kế thừa được những tinh hoa của giai đoạn trước, vừa có những định hình cá tính sáng tạo của thời đại. Để rồi từ đó, hàng loạt tác phẩm giá trị ra đời: “Người Hà Nội”, “Mùi đu đủ xanh”, “Sống trong sợ hãi”, “Áo lụa Hà Đông”, “Trăng nơi đáy giếng”, “Mùi cỏ cháy”, “Đừng đốt”, “Đất phương Nam”, “Người đẹp Tây Đô”...
Sức sống của phim kinh điển cực kì mạnh mẽ. Cho đến ngày nay, các thế hệ khán giả, dẫu là những người cùng thời, thế hệ sau hay thậm chí thế hệ trẻ, khi nhắc đến các bộ phim kinh điển một thời vẫn giữ một thái độ trân quý, kính trọng. Những dịp đặc biệt, các bộ phim ấy vẫn được chiếu lại trên sóng truyền hình quốc gia và một số địa phương. Trên mạng xã hội, một số kênh tập hợp nhiều trích đoạn của các bộ phim kinh điển thu hút lượng khán giả vào xem rất đông, trong đó có không ít khán giả trẻ.
Có thể khẳng định, phim kinh điển có giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cao, chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa quan trọng, thể hiện những khía cạnh của cuộc sống, văn hóa và xã hội trong thời điểm sản xuất và là một phần quan trọng của di sản văn hóa của Việt Nam. Không chỉ thế, ở thời điểm ra mắt, các bộ phim kinh điển đã được cộng đồng quốc tế biết đến, làm rạng danh điện ảnh Việt một thời với những giải thưởng lớn được quốc tế trao tặng, được coi là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam.
Phim kinh điển còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ đạo diễn, diễn viên, và những người làm phim, giúp thế hệ sau học hỏi, sáng tạo và khám phá dựa trên nền tảng trước đó. Đây là một “kho báu” về đề tài nghiên cứu, thảo luận trong khoa học điện ảnh, giúp kết nối các thế hệ làm phim với nhau, giúp thế hệ sau hiểu và tôn trọng nghệ thuật điện ảnh do thế hệ trước vun bồi.
Chính vì thế, việc bảo tồn và duy trì những tác phẩm điện ảnh kinh điển có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển phim kinh điển cũng cần sự đầu tư và quản lý cẩn thận để bảo đảm rằng di sản không bị tổn thất hoặc quên lãng. Vì thực tế là vừa qua, đã có gần 300 bản gốc phim truyện nhựa có giá trị nguy cơ hư hỏng do sai sót trong bảo quản. Chính vì thế, việc số hóa và lưu trữ an toàn đang được đặt ra. Cạnh đó, nhiều chuyên gia điện ảnh cũng đã đưa ra các đề xuất về cung cấp học bổng và hỗ trợ cho người làm phim trẻ và tạo các sự kiện và hoạt động để tạo sự quan tâm từ công chúng đối với phim kinh điển...
Thời gian qua, một vấn đề được đặt ra, là có nên phát huy giá trị di sản phim kinh điển, bằng cách tạo ra những tác phẩm điện ảnh hoàn toàn mới dựa trên tác phẩm cũ.
Thực chất, phim phim Việt làm mới từ các tác phẩm nổi tiếng không phải là chuyện hiếm. Trước đó, phim "Bẫy ngọt ngào" của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cũng làm mới từ loạt sit-com "Chiến dịch chống ế". Phim điện ảnh "Bến không chồng" đã được đạo diễn Lưu Trọng Ninh làm lại thành phim truyền hình "Thương nhớ ở ai" rất được khán giả đón nhận.
Mới đây, dự án “Đất rừng phương Nam” do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đảm trách vừa ra mắt khán giả. Phim được làm lại từ tác phẩm truyền hình kinh điển “Đất phương Nam”, chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi. Phim được coi là một dự án điện ảnh đáng chú ý nhất của thời điểm này. Hiện nay, dự án điện ảnh “Người đẹp Tây Đô” cũng đang được ấp ủ và thu hút sự quan tâm, chờ đón của đông đảo khán giả, đặc biệt là những ai từng say mê tác phẩm truyền hình kinh điển cùng tên một thời.
Giữ gìn di sản để đi tới tương lai
Bản điện ảnh “Người đẹp Tây Đô” đang được thực hiện. |
Tuy nhiên, xoay quanh chuyện “làm bản mới” dựa trên phim kinh điển xưa cũng đang vấp phải khá nhiều tranh cãi. Rõ ràng, việc làm lại các phim kinh điển sẽ khiến người làm phim đối mặt một số thách thức. Bởi phim kinh điển với nội dung, nghệ thuật, hình tượng nhân vật... đã là một “tượng đài” trong lòng khán giả bao nhiêu thế hệ. Phiên bản mới chắc chắn sẽ gặp nhiều áp lực khi bị so sánh với bản gốc, như việc không tạo ra điểm mới, hoặc làm mất đi cái độc đáo của tác phẩm ban đầu. Cái “được” của người làm phim, có thể là khai thác được tình yêu của khán giả với bản kinh điển trước đó, nhưng đó cũng lại là nguy cơ khi khán giả đã “định hình” tình yêu bất di bất dịch với tác phẩm gốc rồi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, cũng không thể vì các rào cản hay nguy cơ mà không “dám nghĩ, dám làm”. Bởi, việc làm lại các tác phẩm kinh điển cũ là một cách rất hay để gìn giữ và phát huy di sản, để di sản vẫn tiếp nối sức sống mạnh mẽ trong lòng các thế hệ sau. Nếu nói để người trẻ tìm xem lại tất cả các phim kinh điển xưa thì hơi khó, bởi đã có những khoảng cách nhất định trong nhu cầu, sở thích các thế hệ. Chính vì vậy, việc làm lại các bộ phim kinh điển có thể giúp thế hệ mới hiểu hơn về các kiệt tác điện ảnh của Việt Nam dưới một góc nhìn mới, góp phần giữ gìn giá trị lịch sử và văn hóa của ngành điện ảnh.
Đồng thời khi sản xuất lại các bộ phim kinh điển, đạo diễn có cơ hội sử dụng công nghệ hiện đại và thể hiện kỹ thuật và diễn xuất tốt hơn, làm cho bản cập nhật của phim có thể hấp dẫn hơn đối với thế hệ khán giả mới.
Gia tài phim kinh điển của chúng ta rất đồ sộ, trong đó có nhiều bộ phim có chất liệu tuyệt vời, câu chuyện thú vị và sâu sắc mà nếu biết cách, có thể tạo ra những phiên bản mới hấp dẫn với kĩ thuật điện ảnh hiện đại, mang lại trải nghiệm mới cho khán giả.
Nhưng điều quan trọng trên hết của việc dựng bản mới cho phim kinh điển chính là tôn trọng bản gốc. Dù sáng tạo đến thế nào, các dự án làm lại luôn phải tôn trọng tác phẩm gốc và tâm huyết của các nhà làm phim ban đầu. Sự tôn trọng này có thể giúp duy trì giá trị văn hóa và bảo đảm rằng bản cập nhật không bị so sánh tiêu cực với bản gốc.
Trả lời báo chí, nhà biên kịch Hồng Nhung đã có những chia sẻ về việc “làm bản mới” cho phim kinh điển. Theo nhà biên kịch Hồng Nhung, chị hoan nghênh việc làm mới các tác phẩm kinh điển xưa. Bởi các tác phẩm ấy còn chứa đựng rất nhiều chất liệu hay, thậm chí với sự phát triển của công nghệ điện ảnh ngày nay, người làm phim có thể phát huy và sáng tạo thêm những gì mà bản gốc chưa làm được. Qua đó giúp khán giả có cái nhìn tổng quát, sâu sắc hơn về những bộ phim từng làm nên tuổi thơ của không ít người.
Nữ biên kịch trăn trở: “Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi cũng không tránh khỏi những quan ngại. Đặc biệt đó là khán giả Việt ngày một khó tính, họ không chỉ đòi hỏi một bộ phim phải hay về nội dung mà còn phải mới mẻ và không rập khuôn. Đặc biệt, những bộ phim làm mới từ tác phẩm cũ dễ dàng bị đặt lên bàn cân so sánh. Nếu sai sót hoặc khai thác không tốt rất dễ biến tác phẩm trở thành thảm họa màn ảnh. Điều đó càng khiến khán giả mất niềm tin vào những bộ phim chuyển thể, làm mới từ các tác phẩm kinh điển. Tôi vẫn kỳ vọng với những đạo diễn, nhà làm phim tâm huyết, mong muốn làm mới những bộ phim một thời là tuổi thơ của không ít người sẽ có những hướng đi đúng đắn, khai thác câu chuyện có góc nhìn mới nhưng không phản cảm, phá nát nguyên tác”.