Di tích Cát Tiên với nghệ thuật tôn giáo người xưa

(LĐ online) - Trở lại Cát Tiên sau hơn mười năm rong ruổi, điều ngạc nhiên và thích thú nhất đối với tôi có lẽ là con đường liên tỉnh đã được hoàn thành. Những chuyến xe nối liền mọi miền Tổ quốc, những giọng hò phương ngữ nằng nặng chất quê, tiếng nhạc xập xình thời hội nhập đã đi vào thôn vắng, hàng cây bằng lăng trải hoa tim tím đây đó cũng mang lại nhiều cảm giác suy tư…

(LĐ online) - Trở lại Cát Tiên sau hơn mười năm rong ruổi, điều ngạc nhiên và thích thú nhất đối với tôi có lẽ là con đường liên tỉnh đã được hoàn thành. Những chuyến xe nối liền mọi miền Tổ quốc, những giọng hò phương ngữ nằng nặng chất quê, tiếng nhạc xập xình thời hội nhập đã đi vào thôn vắng, hàng cây bằng lăng trải hoa tim tím đây đó cũng mang lại nhiều cảm giác suy tư…
một phần khu di tích Cát Tiên.
Toàn cảnh gò 2,3 di tích Cát Tiên. Ảnh: minh họa
Cánh đồng Cát Tiên thật đẹp mênh mông bát ngát hứa hẹn một mùa lúa trĩu vàng bông. Con sông Đồng Nai lượn lờ quanh co, uốn khúc đưa phù sa về tô thắm ruộng đồng. Tôi cũng gặp những nụ cười thân thiện của bác nông dân, của anh khảo cổ với bút mực hí hoáy trên tay, của đồng bào Châu Mạ nói tiếng Việt lơ lớ chưa rành, ấy vậy mà họ có lẽ đã rất hãnh diện vì đã sử dụng điện thoại không dây với tiếng gọi nhau í ới . Cát Tiên quả đáng được suy ngẫm, trân trọng. Leo lên đồi di tích, với một trăm năm mươi lăm bậc thang cao chót vót được bê tông hoá vững chắc, ta sẽ được chiêm ngưỡng một công trình tuyệt tác của người xưa. Tháp cổ giờ đây chỉ còn là những đống đổ nát, hoang tàn nhưng linh hồn của nó vẫn đang còn đấy. Sức sống mảnh liệt của một nền văn hoá cổ đang tiềm ẩn trong từng phiến đá, từng viên gạch đất nung đủ cho ta một cảm giác vừa xa xôi, vừa gần gũi, vừa lạ lẫm khôn cùng. Đó là tháp thờ bộ sinh thực khí Linga Yoni nghiêm thiêng của người Chăm – Bà La  môn xưa.. Có những điều mà chúng ta cho là hoang tưởng bởi sự tôn sùng thái quá của người xưa nhưng khi nghiệm lại, cộng với tuổi đời ngày càng chồng chất của mình, người ta mới hiểu ra rằng không phải người xưa đã không có lý khi mà họ đã quả quyết : có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Điều này cũng đã được nhiều người trong chúng ta hiện nay đang chiêm nghiệm. Thử ngẫm lại khoảng thời gian hơn nghìn năm trước, không gian u uất đất rộng người thưa, núi rừng trùng điệp mà lạnh mình. Con người phải tất bật với miếng cơm manh áo nhưng lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng thú dữ vì sự cô lập tự nhiên theo địa hình phân bố dân cư thưa thớt thời đó. Từ chốn rừng thiêng nước độc, chim kêu vượn hú, rắn rít thú dữ con người tự thấy mình bé nhỏ, yếu đuối trước trời đất bao la. Trong khung cảnh quạnh hiu tưởng chừng tuyệt vọng ấy, người ta thường nghĩ đến một đấng quyền năng tối thượng vô hình để van xin,  cầu khẩn.  Từ sấm sét, lửa, nước cho đến rắn rít, cọp beo, bệnh tật…đều có thể đưa con người tới chỗ diệt vong và điều hiển nhiên mà cũng chẳng thiệt thòi gì người ta phong cho các sự vật ấy là thần thánh và nghiễm nhiên được thành kính tôn thờ. Chẳng phải xa xôi gì cho lắm, khi những lưu dân đi lập nghiệp trong đầu thế kỷ trước ở nước ta cũng vậy, không thể có một ngoại lệ nào ở đây cả, họ cũng yếu đuối cũng nhỏ nhoi đến độ phải kiêng kỵ tên huý của các loài thú dữ. Có nơi người ta còn làm hình tượng thú để phụng thờ, cụ thể nhất là hình tượng con cọp ở các đình miểu nhiều nơi còn lưu giữ tới bây giờ. Ngày ấy thường thì vào những đêm tối trời loài thú ăn thịt thường vào làng bắt trâu bò, gia súc. Ở nơi dân cư thưa thớt chúng càng lộng hành, có khi chẳng cần đến tối, chúng cũng cả gan vào bắt chó, bắt bò ngay trước nhà người ta…
Những lá vàng tìm thấy ở Di tích Cát Tiên. Ảnh: ST
Những lá vàng tìm thấy ở Di tích Cát Tiên. Ảnh: ST
Cuộc sống lưu dân đơn sơ là vậy, nhà cửa tranh tre nứa lá không đủ kiên cố để bảo vệ tính mạng cho họ thì đàn gia súc lắm khi phải làm mồi cho ác thú là điều tất yếu. Thời ấy người ta gọi con cọp là “ông ba mươi”, con voi là “ông Tượng, ông Bồ”…Ngay cả vật dụng trong nhà như  cái bình vôi, cái bếp cũng được người ta gọi bằng “ông” rất lễ phép, rất sợ sệt. Người ta sợ đủ thứ, từ sức mạnh vô hình cho đến hữu hình, sợ cả sự trả thù của thú dữ như hùm beo rắn rít…Như lúc chúng vồ được con vật nuôi của họ mà họ giành lại được bằng cách đánh thùng thiếc, gõ phèn la cho hùm beo sợ bỏ đi, thì người ta cũng đem kỉnh cho chúng khẩu phần ăn là đầu đuôi thủ vĩ của con vật để nơi bìa rừng. Mới dăm bảy chục năm qua mà chúng ta còn như thế thì với bảy tám trăm năm trước của người xưa, ta thử tưởng tượng xem họ phải cô quạnh đáng thương tới mức độ nào. Chính vì vậy mà ta cũng đừng nên oán trách họ đã có những hủ tục thờ cúng kì lạ. Bởi lẽ,  trong vô vàn lý do mà đa phần là sự áp đặt cộng với nỗi cô đơn yếu đuối, sự sợ sệt đã hình thành nên một nghi thức tôn giáo rất kì bí ở thời kỳ này. Từ những biểu tượng thờ cúng thiêng liêng của người Chăm xưa được phát hiện trong các ngôi bảo tháp, đền đài ở Cát Tiên hay trong các ngôi mộ cổ…thường là bộ sinh thực khí hay còn gọi là Linga Yoni. Ta có thể thấy nghi lễ tôn giáo này vẫn được duy trì cho tới thời gian gần đây bằng chứng thể hiện rất rõ là dấu vết do bàn tay con người sờ nhẵn thín trên bề mặt vật thiêng bằng đá này …
Bộ Linga - Yoni  tại Di tích Cát TIên.
Bộ Linga - Yoni tại Di tích Cát TIên. Ảnh: ST
Linga là ngẫu tượng hình thể toàn bích của sự sinh tồn và huỷ diệt. Là sự kết hợp hài hoà của ba vật thể tượng trưng cho các ưu vật cần thiết trong đời sống sinh tồn của loài người. Đó là sự sinh ra, nuôi dưỡng (lớn lên) và huỷ diệt. Nhưng điều đặc biệt nhất ở đây là vị thần biểu trưng cho cái chết và sự huỷ diệt lại được kính trọng tôn vinh hơn cả đó là thần Shiva. Như vậy tự thân Shiva được coi như là vị thần lưỡng tính (ardha-nâni-isvana) trong sự sáng tạo, một hữu thể trung tính tự phân thành âm dương mà âm dương giao hoà thì mới có sinh tồn và huỷ diệt. Không có điều nghịch lý hay mâu thuẫn nào ở đây cả, bởi lẽ người xưa quan niệm sự sinh tồn và cái chết là hai phạm trù cùng song hành của một đời người. Sống là hưởng thụ nhưng phải lam lũ lo toan, còn chết là một hình thái khác của đời sống tâm linh nơi một  thế giới khác. Ta thấy người ta thờ thần Shiva - Đấng Toàn năng (Isvara)- là thần của ác thần ( Ivara ), thần của thần chiến tranh ( Skanda ), thần của thần thiên tai bão tố ( Rudra), thần của thần huỷ diệt ( Tamas) đồng thời cũng là thần của thần hạnh phúc (Ganesa), thần của thần khoái lạc (Sambu)… Khởi nguồn từ âm dương để có sinh tồn rồi trưởng thành, chinh chiến và trở về huỷ diệt. Người ta tìm về cội nguồn của sự việc ấy rồi đơn giản hoá và làm ra biểu tượng Linga để tôn vinh, để thờ tự đó là bộ sinh thực khí có hình thể mạnh mẽ, đầy sức sống mà ngày nay chúng ta đang bảo tồn. Đây là biểu tượng ngẫu cảm tượng trưng cho tinh thần Shiva trong nghệ thuật tôn giáo Bà la môn xưa được chia làm ba phần : phần dưới hình vuông gọi là Brama tượng trưng cho thần sáng tạo là cực âm, phần giữa hình bát giác gọi là Vishnu tượng trưng cho thần bảo dưỡng ( nuôi nấng) còn phần trên cùng là khối hình tròn gọi là Shiva tượng trưng cho thần Toàn năng là cực dương. Linga được cắm trên Yoni. Yoni được cách điệu bằng một khối đá hình vuông, có khe hở, có môi đưa nước ra ngoài. Là biểu tượng của khoái lạc, của sự giao hoan. Từ thế kỷ thứ VIII những bức tượng thần đầu tiên trong thần thoại tôn giáo Bà la môn được các nhà điêu khắc dựng xây nơi cung cấm, nơi các tháp thờ nghiêm thiêng. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, các ngẫu tượng Linga Yoni vẫn được lưu giữ trong các ngôi cổ mộ. Bộ sinh thực khí lớn nhất ở nước ta hiện nay là bộ Linga Yoni nằm trên phần địa chí của tỉnh Lâm Đồng được xếp hạng Kỷ lục Việt Nam năm 2004. Bộ Linga Yoni này được tìm thấy ở khu di tích Cát Tiên có niên đại khoảng thế kỷ thứ 8 đến thứ 10 với chiều cao 2m1, đường kính 0,6 m và đáy là hình vuông mỗi cạnh dài 2m3 không tính phần môi. Đây là tác phẩm vật thể tôn giáo dòng Bà la môn có nguồn gốc Ấn nghiêm thiêng bậc nhất, có thể của dân tộc Chăm xưa sở hữu, thờ tự, và đang được chúng ta tôn tạo, bảo tồn nghiêm cẩn tại nơi nó được xây dựng trước đây. Tác phẩm nghệ thuật văn hoá này mang trong lòng nó ngôn ngữ tôn giáo thần bí được sáng tạo bởi một ê kíp thế hệ nghệ nhân xưa tài hoa và đã được một đấng quyền năng chuẩn hoá và cho tôn tạo tại các tháp thờ nghiêm thiêng theo những tỉ lệ to, nhỏ nhất định. Hiện nay ngành văn hoá đang làm hết sức mình để bảo quản thật tốt di tích, họ đã làm mái che mưa nắng, xây rào bảo vệ đi tích…Hy vọng một ngày không xa chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng thêm một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của người xưa. Lưu giữ và bảo quản là góp phần làm đẹp hơn tư duy về một nền văn hoá cổ đã dần mai một, để lại cho đời sau những tặng phẩm văn hoá nghệ thuật có giá trị,  giúp cho chúng ta có điều kiện để nghiên cứu và thưởng lãm là việc làm đáng trân trọng và đáng phát huy. Chính vì vậy mà những người làm công tác khoa học, khảo cổ hay bảo tồn trong khu di tích này cũng phải có một trình độ nhận thức và tình cảm yêu mến nhất định thì mới mong hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn mà tự hào của Tổ quốc và nhân dân giao phó. Tôi nhớ một câu nói rất triết luận của nhà thơ nổi tiếng người Chăm Inrasara : Kẻ sáng tạo chân chính bao giờ cũng là người bảo dưỡng tuyệt vời. Vâng, và tôi cũng xin được nói lại là : Kẻ bảo dưỡng tuyệt vời bao giờ cũng là người có tâm hồn cao thượng và việc làm chân chính.
                 Phan Thành Minh

Đọc thêm