Di tích đâu rồi?

Ngôi nhà cụ Đặng Thị Sáu (ngõ Than, tổ dân phố số 2 phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) từng là trụ sở cơ quan bí mật của Thành ủy Hải Phòng thời kỳ 1936-1939, được đánh giá là di tích lịch sử cách mạng còn được gìn giữ tương đối nguyên vẹn.

Ngôi nhà cụ Đặng Thị Sáu (ngõ Than, tổ dân phố số 2 phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) từng là trụ sở cơ quan bí mật của Thành ủy Hải Phòng thời kỳ 1936-1939, được đánh giá là di tích lịch sử cách mạng còn được gìn giữ tương đối nguyên vẹn. Đó là một ngôi nhà tranh với diện tích khoảng 30m2, nơi đồng chí Nguyễn Văn Linh (cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) và đồng chí Nguyễn Công Hòa (từng là Bí thư Thành ủy Hải Phòng) chọn làm trụ sở hoạt động cách mạng giai đoạn 1936-1939. Từ đây, nhiều chủ trương của Thành ủy Hải Phòng đã được triển khai nhanh chóng để chỉ đạo phong trào cách mạng.

Bà Đặng Thị Hà, con dâu cụ Sáu cho biết, năm 1946, ngôi nhà từng bị siêu đổ do thực dân Pháp đánh phá. Năm 1950, địa phương giúp gia đình dựng lại ngôi nhà. Từ đó đến nay, nhà nhiều lần được sửa chữa, trong đó lớn nhất là lần sửa chữa năm 1990 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố  đầu tư: lợp lại mái, làm lại cánh cửa, nâng, láng nền và sửa ngõ. Tuy nhiên, phần ngõ quá thấp thường xuyên bị ngập lụt nên đến năm 2008, gia đình tự nâng, láng lại toàn bộ ngõ và sân. Theo bà Hà, ngôi nhà hiện không khác mấy so với kiến trúc vốn có từ giai đoạn 1936-1939. Trong nhà còn treo 2 bức ảnh đen trắng chụp các đồng chí từng hoạt động cách mạng tại đây, một số bằng khen và bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch).

Ngôi nhà cụ Đặng Thị Sáu ở ngõ Than, phường Dư Hàng Kênh (Lê Chân), trụ sở cơ quan bí mật của Thành ủy Hải Phòng thời kỳ (1936-1939).
Ngôi nhà cụ Đặng Thị Sáu ở ngõ Than, phường Dư Hàng Kênh (Lê Chân), trụ sở cơ quan bí mật của Thành ủy Hải Phòng thời kỳ (1936-1939).

Điều đáng nói nhất là ngoài khung nhà được trùng tu, bảo quản, toàn bộ vật dụng bên trong gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của các đồng chí Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Công Hòa như bộ bàn ghế gỗ, sập, tủ chè, giường gỗ đều bị bỏ đi do mục nát. Thay vào đó là những đồ dùng gia đình sắm để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Bà Hà cũng cho biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, Bảo tàng Hải Phòng từng có ý định phục dựng lại những đồ vật này, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành. Với duy nhất khung nhà gỗ, mái tranh, những người tới tham quan ngôi nhà lịch sử này chắc chắn khó hình dung được các đồng chí của ta đã sống và hoạt động cách mạng như thế nào. !

Căn nhà số 14/61 phố Lý Thường Kiệt từng là trạm giao thông liên lạc quốc tế của Đảng trong những năm 1920. Tuy nhiên, lối kiến trúc, cách bài trí của ngôi nhà không có gì khác biệt so với những mẫu nhà thời hiện đại . Anh Nguyễn Văn Đức, chủ nhân hiện tại của ngôi nhà cho biết, vào năm 1990 khi gia đình anh mới chuyển tới, gian ngoài và công trình phụ của ngôi nhà ngăn cách nhau bằng một khoảng sân. Để tạo diện tích sử dụng lớn hơn, gia đình xin phép sửa lại, xây kín khoảng sân nên kết cấu nhà thay đổi hẳn, cách bài trí cũng mang dáng dấp hiện đại. Dấu hiệu duy nhất cho biết căn nhà này đặc biệt hơn 30 căn nhà khác trong khu tập thể ngõ 61 là tấm biển bằng đá Di tích lịch sử đã xếp hạng cùng một tấm kim loại tóm tắt lại lịch sử ngôi nhà.

Gắn liền với những thời điểm lịch sử đấu tranh cách mạng quan trọng của thành phố và đất nước, ngôi nhà của cụ Sáu và nhà số 14/61 phố Lý Thường Kiệt mang trong mình nhiều giá trị lịch sử to lớn, có tác dụng giáo dục truyền thống trực quan, sinh động cho các thế hệ sau. Nhưng với hiện trạng thực tế, thật khó để nhận ra, nơi đây chính là “chứng nhân” của một giai đoạn lịch sử cách mạng hào hùng…  Lúc nào đó khi ngoảnh lại, chúng ta sẽ không khỏi giật mình: những di tích năm xưa nay còn đâu?./.

 Hồng Châm

Đọc thêm