Di tích và thơ ca

Nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 8 năm 2010, một anh rất mê Ngũ Hành Sơn mạo muội hỏi một số người (làm thơ và yêu thơ) về số lượng các bài thơ được sáng tác từ cảm xúc về khu danh thắng nổi tiếng này. Câu trả lời chung là: chưa nắm được! May đâu, có một người có thể tạm làm anh ấy hài lòng với số liệu cập nhật từ... 7 năm trước!

Nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 8 năm 2010, một anh rất mê Ngũ Hành Sơn mạo muội hỏi một số người (làm thơ và yêu thơ) về số lượng các bài thơ được sáng tác từ cảm xúc về khu danh thắng nổi tiếng này. Câu trả lời chung là: chưa nắm được! May đâu, có một người có thể tạm làm anh ấy hài lòng với số liệu cập nhật từ... 7 năm trước!

Đó là ông Lê Hoàng Vinh, người gốc xã Hải Châu Chánh, từng một thời về ngụ cư ở làng Tân Lưu, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Ngày trước, ông nội bác của ông là Chí sĩ Lê Bá Trinh (1875 - 1934), thi đỗ Cử nhân năm 1900 cùng khoa với các Chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện... nhưng không ra làm quan, dời nhà từ Hải Châu vào cư ngụ ở Ngũ Hành Sơn, vừa dạy học, vừa ngầm hỗ trợ phong trào Đông du và Duy tân.

Chuyện ít người biết

Chữ viết trên bia “Vọng Giang đài’ tương truyền là ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837.

Chữ viết trên bia “Vọng Giang đài’ tương truyền là ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837. 

Cuối những năm 50 thế kỷ trước, khi ông Vinh (lúc đó tên là Lê Công Khanh) về Tân Lưu dạy học, có nghe các cụ ở làng kể chuyện thầy Cử Trinh (tên dân gian gọi ông Lê Bá Trinh) ngày trước lên núi làm cách mạng. Ông Vinh bèn rủ ông Ngô Văn Dũng (hiện công tác ở quận Hải Châu) lặn lội đi tìm dấu tích người xưa.

Thì ra, thầy Cử Trinh ban đầu trú ở phía sau chùa Tam Thai bên ngọn Thủy Sơn, nhưng thấy khách hành hương đông quá, e bất tiện, chuyển qua động Huyền Vi ở ngọn Dương Hỏa Sơn. Ở đây tuy rất yên tĩnh, nhưng không ổn, nếu bị bố ráp thì khó bề thoát thân. Cuối cùng, ông chuyển qua ở trong hang của một động nằm dưới ngọn Âm Hỏa Sơn gần đó, có hai cửa, một mở ra Bến Ngự phía bắc, một mở ra miếu Ông Chài phía nam. Tại đây, Chí sĩ Trần Quý Cáp nhiều lần đi thuyền đến thăm, tổ chức họp các đồng chí để bàn chuyện quốc sự.

Năm đó, ông Vinh và ông Dũng phải vạch bụi cây um tùm mới tìm ra cửa động chính phía bắc. Các cụ nói, trước đây ngoài cửa động có ba chữ “Tịnh Lạc Hiên”, tương truyền là thủ bút của Chí sĩ Trần Quý Cáp đề tặng. Phía đông động có một hang ăn sâu vào vách núi, bên trong có tấm đá tự nhiên bề ngang 1,2m dài khoảng 1,8m là chỗ nghỉ ngơi của thầy Cử Trinh. Xúc động trước việc người đời gọi nơi này là “Hang Ông Lê”, ông Vinh sau đó về làm một tấm chân dung ông nội bác của mình, đặt trên một bệ nhỏ trong động. Mười năm trước, ông Vinh lên thăm lại thì tấm hình vẫn còn.

Giờ đây, khi đưa chúng tôi quay lại chốn xưa, ông Vinh ngỡ ngàng khi cảnh cũ đã ít nhiều đổi thay. Cửa động phía bắc đã bị bịt bởi hai cánh cửa sắt, đường vào “Hang Ông Lê” đã bị ngăn lại bởi bức tường xây xi-măng kín mít. Trong động xuất hiện hai trang thờ mới. Chân dung thầy Cử Trinh không còn nữa. Chạnh lòng, ông Vinh đưa chúng tôi dạo xuống Bến Ngự, nơi tương truyền vua Minh Mạng từng ngự thuyền đến đó thăm em gái là Công chúa Ngọc Lan xuất gia ẩn tu ở ngọn Hỏa Sơn trong các chuyến ngự du Ngũ Hành Sơn.

Đây cũng là nơi thầy Cử Trinh tiễn Trần Chí sĩ xuống thuyền và ứng tác tại chỗ bài tứ tuyệt: Diên phong trỗi khúc lên cung Quảng/ Tân Định xuôi thuyền bởi gió mây/ Đắc lộ hanh thông trong chức vụ/ Xiết bao nghĩa bạn với ơn thầy.

Vàng đề bút ngự

Phù điêu 5 Dũng sĩ Ngũ Hành ở động Âm Phủ.

Phù điêu 5 Dũng sĩ Ngũ Hành ở động Âm Phủ. 

Ai về Non Nước thì về/ Trước sông sau biển, núi kề một bên. Chỉ một vần lục bát thôi, dân gian đã tóm góp cả thiên nhiên Ngũ Hành Sơn kỳ vĩ. Với địa thế thuận lợi ngay bên con sông từng là đường thông thương giữa Đà Nẵng và Hội An một thời, vùng sông-núi-biển này đã đi vào lịch sử dân tộc với những dòng bi tráng đậm nét. Tiếng súng của liên quân Pháp - Tây Ban Nha im bặt trên sông nước Hàn giang chưa lâu thì cơn gió của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam đã lan ra tới non nước Ngũ Hành. Nơi đây, Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu đã từng bái biệt Phan Bá Phiến lần cuối trước khi để cho giặc bắt nhằm cứu đồng chí của mình. Chí sĩ Trần Cao Vân đã để lại những bí mật của tư tưởng Trung Thiên Dịch đâu đó trong các hang động đầy huyền tích. Động Huyền Không ghi dấu chiến công của Anh hùng LLVT Phan Hành Sơn, động Âm Phủ còn phù điêu 5 Dũng sĩ Ngũ Hành…

Có lẽ, chẳng đâu có nhiều địa danh mà mỗi địa danh gắn với một truyền thuyết, một chuyện tích như Ngũ Hành Sơn. Có những chuyện tích mà mỗi lần được nghe đến, khách hành hương bỗng thấy mình gần lại với Chân, Thiện, Mỹ hơn. Ngay cả bậc đế vương như vua Minh Mạng mà những ba lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn, để rồi bị cảnh giới nơi này mê hoặc, đã hạ bút ngợi ca trong lần cuối cùng: “Phong cảnh Non Nước đối với ta vẫn lạ, tựa hồ như mới xem lần đầu”. Hiện nay, chùa Tam Thai vẫn còn cất giữ tấm kim bài hình trái tim lửa có khắc, theo ngự bút của vua, lời tôn vinh quyền năng siêu nhiên của Đức Phật và ân sủng của ngài dành cho nước An Nam.

Mới đây, ngày 23-2-2010, các thiền sư chùa Jomyo từ xứ sở Phù tang đã đến Đà Nẵng và tặng cho chùa Tam Thai phiên bản bức tranh vẽ tượng Phật “Thác kiến Quán Thế Âm”. Bản gốc bức tranh quý này hiện ở Nhật Bản, tương truyền, được một vị vua An Nam thỉnh từ một ngôi chùa nổi tiếng ở Ngũ Hành Sơn để tặng cho thuyền Châu Ấn thuộc dòng họ thương nhân Chaya khi thuyền này đến thương cảng Hội An buôn bán cách đây 400 năm. Lịch sử thật diệu kỳ, nhất là khi lịch sử gắn liền với văn hóa. “Châu về Hợp Phố” cũng là khẳng định sự bền chặt mối dây liên kết giữa hai dân tộc, hai nền văn hóa hàng trăm năm trước.

Trở lại câu chuyện văn thơ ở trên. Vẻ huyền bí, trầm mặc của Ngũ Hành Sơn đã là nguồn cảm hứng bất tận cho các tao nhân, mặc khách từ cổ chí kim. Gần 70 năm trước, Phạm Hầu, nhà thơ Điện Bàn, đã dừng chân bên Vọng Hải đài ngắm non xanh biển thẳm, bất chợt rùng mình giữa chốn linh thiêng mà rứt lòng ra những câu thơ diễm tuyệt: “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai?”. Hơn 300 năm trước, nhà sư người Trung Hoa Thích Đại Sán đã từng ghé lại nơi này và sáng tác “Trường ca Chơi núi Tam Thai”, trong đó có nhiều câu đầy thiền vị: “Biển khơi xanh ngát một màu/ Xa xa nghe tiếng chuông đâu vang rền”.

Ông Lê Hoàng Vinh, vì yêu cái nơi mà ông nội bác mình từng ẩn cư, hoạt động cách mạng và hai lần bị đày đi Côn Sơn, Lao Bảo, mà sưu tầm, biên soạn hơn 80 bài thơ về Ngũ Hành Sơn của nhiều tác giả, in trong quyển “Ngũ Hành Sơn – di tích và thơ ca” (NXB Văn học, 2003). Dừng chân trên Vọng Giang đài, nhìn bao quát cảnh quan Ngũ Hành, xa hơn là sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò... đọc mấy chữ Hán tương truyền là ngự bút của vua Minh Mạng hơn 170 năm trước, nhẩm câu thơ của Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng “Đá khắc chùa danh bia chửa mục/ Vàng đề bút ngự chữ còn tươi” in trong sách, bỗng thấy nghìn xưa gần lại.

Ra về trong cái nắng đầu xuân vào tiết Nguyên tiêu, chợt nghĩ, đã từng có tọa đàm “Ngũ Hành Sơn – Một vùng văn hóa, lịch sử”, tại sao lại không có một ngày thơ nhạc chuyên đề về vùng danh thắng này, khi có rất nhiều tác phẩm vẫn còn tươi nét bút?

VĂN THÀNH LÊ

Đọc thêm