Những năm gần đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể và hiện có khoảng 120 công ty/thương hiệu đang hoạt động trong lĩnh vực này – từ thanh toán, quản lý tài sản cho đến blockchain và tiền kỹ thuật số.
Trong đó, trung gian thanh toán và cho vay ngang hàng là 2 phân khúc có nhiều công ty Fintech tham gia nhất. Ngoài ra, thị trường còn một số phân khúc khác như gọi vốn cộng đồng, nền tảng so sánh, ngân hàng số... và Fundme nằm trong phân khúc gọi vốn cộng đồng với số lượng startup và nền tảng khiêm tốn nhất (khoảng 6 công ty Fintech).
Từ sự ngược dòng…
Sau nhiều lần điện thoại do anh Sơn liên tục bay ra bay vào miền Nam công tác, tôi đã thu xếp được buổi gặp gỡ với vị Tổng Giám đốc giữa thời tiết Hà Nội khá oi bức. Tuy nhiên, cuộc trao đổi ấy đã giúp tôi hiểu thêm phần nào sự đam mê cống hiến cho sự phát triển đất nước của giới công nghệ nói chung, của doanh nghiệp Fintech nói riêng trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 đang “gõ cửa” mạnh mẽ và đầy thôi thúc.
Anh Sơn chia sẻ, mô hình của Fundme là khá mới ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, tên tiếng Anh là crowdfunding (crowd - số đông, funding - góp vốn, tài trợ), nhưng trong giới công nghệ thường gọi là “gọi vốn cộng đồng” - dù chưa hoàn toàn chính xác.
Crowdfunding thực chất có 5 mảng, bao gồm: Tài trợ cộng đồng, thiện nguyện; Đặt trước sản phẩm mới (pre-order); Cho vay ngang hàng (tại nước ta lại được tách ra thành một phân khúc riêng của Fintech); Góp vốn trực tuyến và hưởng phần trăm cổ phần; Góp và chia sẻ tác quyền.
Sau một thời gian nghiên cứu, anh Sơn và cổ đông sáng lập nhận định: mảng đặt hàng sản phẩm mới với Việt Nam là khó vì thị trường thụ động, thiếu niềm tin nên không ai có thể thanh toán trước và đợi một thời gian dài, thậm chí có thể cả năm để nhận sản phẩm mới đó và hiện tại 90% người Việt vẫn duy trì thói quen mua hàng mới trả tiền (COD).
Mảng cho vay ngang hàng cùng mảng gây quỹ và được hưởng cổ phần thì tính rủi ro pháp lý rất cao. Còn mảng tác quyền lại không hấp dẫn do mới chiếm 1% của thị trường crowdfunding toàn thế giới.
Vì vậy, các anh đã quyết định chọn mảng tài trợ cộng đồng nhằm hỗ trợ các quỹ, nhóm, cá nhân, thậm chí các báo điện tử “gây quỹ” dễ dàng hơn cho các dự án phi lợi nhuận, thiện nguyện, cũng như cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội và lan tỏa tốt hơn.
Anh tâm sự: “Nếu đứng ở góc độ một nhà đầu tư, chắc chắn sẽ nghĩ rằng mảng này không ra tiền, làm “miễn phí" thì chỉ có “đuối” nhưng tôi và cộng sự lại nhìn thấy xu hướng tăng lên của thị trường toàn thế giới”. Bên cạnh đó, vào thời điểm Fundme khởi nghiệp, Việt Nam chưa có mô hình hoặc sản phẩm hoàn chỉnh đúng yêu cầu thị trường.
Trước thời điểm lựa chọn con đường khác trong “dòng chảy lớn” Fintech, anh Sơn đã tích lũy cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc về tài chính khi có một thời gian hơn 10 năm quản lý các hệ thống sản xuất, kế toán đơn hàng, trong lĩnh vực ngân hàng và thương mại điện tử.
Trong đó, mảng ngân hàng giúp anh hiểu rõ hơn về giao dịch tài chính, còn thương mại điện tử giúp anh hiểu làm thế nào để tăng trải nghiệm của khách hàng. Tất cả những kiến thức này đang giúp anh rất nhiều trong việc vận hành Fundme.
“Đây cũng là quá trình phát triển tự nhiên của cá nhân tôi khi bản thân hiểu về hoạt động ngân hàng, thương mại điện tử và tham gia không ít các hoạt động thiện nguyện. Qua nhiều lần làm chương trình từ thiện và phi lợi nhuận, tôi đã nhìn thấy những khó khăn, thách thức của thị trường quyên góp, đóng góp cho các dự án xã hội, quỹ thiện nguyện. Vì thế, tôi nghĩ mình có thể góp sức một phần nào đó để tăng tần suất đóng góp, tăng hiệu quả gây quỹ cho dự án, giảm thời gian của tất cả các bên tham gia” – anh Sơn tâm niệm.
Anh Phan Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Fundme |
Đến định vị hoạt động vì cộng đồng của một doanh nghiệp Fintech
Nói một cách dễ hiểu hơn về Fundme thì đây là một nền tảng trung gian kết nối giữa người ủng hộ và các quỹ, nhóm, cá nhân, doanh nghiệp có các dự án phi lợi nhuận, thiện nguyện và đóng vai trò thu hộ hoặc hỗ trợ thông báo giao dịch.
Một trong những trường hợp điển hình do trong hoạt động các quỹ từ thiện, nhóm thiện nguyện là phi lợi nhuận và cơ cấu cần gọn nhẹ tối đa, thậm chí chỉ có 1 – 2 người nên nếu dự án có nhiều giao dịch tài trợ bao gồm cả bán sản phẩm gây quỹ, sẽ phát sinh vấn đề quản lý các giao dịch ấy.
Cụ thể, một quỹ thiện nguyện khi kêu gọi gây quỹ trong cùng một khoảng thời gian thường sẽ có vài dự án chạy song song, để quản lý dòng tiền vào đúng đích của từng dự án và tri ân kịp thời những người đóng góp thì 1 cá nhân sẽ rất khó làm. Khi đó, Fundme giúp giải quyết ghi nhận trực tuyến sự ủng hộ (người ủng hộ chuyển khoản thì hệ thống sẽ ghi nhận và cảm ơn ngay lập tức, thay vì nửa ngày sau mới kiểm tra tài khoản và cảm ơn hoặc thậm chí quên cảm ơn).
Về mặt xã hội người ủng hộ mất thời gian ở chỗ chuyển khoản xong chụp ảnh lại rồi nhắn tin đã chuyển khoản và bên quỹ có động tác nhắn tin cảm ơn người ủng hộ… và với khoảng hàng nghìn “giao dịch” như vậy thì rất lãng phí thời gian của các bên.
Từ đây, Fundme giúp các quỹ tạo dựng thêm dịch vụ tri ân, cảm ơn người tài trợ, ghi nhận nhà tài trợ đã đóng góp ra sao trong một năm trời, tạo sự gắn kết lâu dài giữa quỹ với người ủng hộ, so với hiện tại, các quỹ chỉ ghi nhận đơn lẻ, không có tính hệ thống, đôi khi khiến người ủng hộ cảm thấy chưa hài lòng.
Điều đặc biệt hơn của Fundme so với các trang web gọi vốn cộng đồng khác là ở chỗ Fundme được xây dựng trên nguyên lý nền tảng (platform), có tích hợp đầy đủ tính năng thương mại điện tử để giúp cho việc bán sản phẩm gây quỹ, tích hợp với các đơn vị giao vận như Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Ahamove… để tăng chất lượng dịch vụ trong chuyển sản phẩm đến người ủng hộ, giúp các quỹ, nhóm thiện nguyện dù 1 ngày nhận hàng trăm đơn hàng vẫn không bị “loạn nhịp”.
Với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, số người tiếp cận Internet ngày càng nhiều và dân số gần 100 triệu dân – trong đó số người trẻ và am hiểu công nghệ chiếm tỷ lệ cao – Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển Fintech.
Trong bối cảnh này thì người dân, đặc biệt là những người ở thành thị, cũng đề ra yêu cầu cao hơn đối với dịch vụ tri ân, chuyển phát hàng bán gây quỹ không đúng hẹn thì các quỹ từ thiện sẽ sụt giảm sự ủng hộ. Ngược lại, các quỹ làm tốt dịch vụ tri ân thì quỹ sẽ tăng đều, góp phần vào an sinh xã hội, ảnh hưởng tới cộng đồng ngày càng tốt hơn.
Do vậy, anh Sơn và đồng nghiệp quyết tâm định vị Fundme là một công cụ hỗ trợ, đối tác đồng hành cùng các quỹ, nhóm, cá nhân và cả doanh nghiệp để gây quỹ tốt hơn, hiệu quả hơn, đưa việc gây quỹ chuyên nghiệp trở thành hoạt động thường xuyên.
Sẵn sàng đối mặt với thách thức trong tương lai
Mô hình crowdfunding ở nước ngoài đã phát triển từ lâu nhưng khi vào Việt Nam, Fundme đã phải tính toán bước đi phù hợp với thị trường Việt Nam, nhất là đang có rào cản, thách thức khá lớn liên quan đến nhận thức, hành vi của người dùng. Anh Sơn dẫn chứng, cách đây vài tuần, Fundme nhận lời kết hợp với chủ dự án kêu gọi ủng hộ cho 1 dự án nghệ thuật.
Tuy nhiên, Việt Nam lâu nay vẫn quan niệm đã kêu gọi thiện nguyện, tài trợ là thanh toán cho chính chủ tài khoản và không qua trung gian, dẫn tới một số người ủng hộ ngần ngại không hoàn tất giao dịch. Để giải quyết bài toán này, nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh truyền thông, như trường hợp trên hay của các quỹ, nhóm thiện nguyện khác là sẽ công bố công khai việc hợp tác chính thức trên website của cả 2 bên, đồng thời Fundme cũng kêu gọi thêm nhà tài trợ phù hợp để giảm chi phí vận hành hỗ trợ.
Thấu hiểu áp lực của các quỹ từ thiện, nhóm, cá nhân hiện nay trong việc duy trì và tăng trưởng, Fundme đã và đang nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu đề ra của các quỹ, nhóm, cá nhân.... Như chia sẻ ở trên, hiện tại Fundme đã giúp các quỹ quản lý nguồn tiền, bóc tách dự án, ủng hộ một cách minh bạch, kịp thời. Còn thời gian tới, khảo sát cho thấy các quỹ, nhóm, cá nhân cần thêm những tính năng mới để gia tăng giá trị như đấu giá online gây quỹ, chợ thanh lý gây quỹ…
Trong đó, chợ thanh lý gây quỹ đã thử nghiệm thị trường, người dùng được trải nghiệm đầy hứng thú thì sẽ sớm triển khai rộng rãi. Đặc biệt, trong khi thử nghiệm tính năng làm chợ thanh lý gây quỹ, Fundme đã thấy nhu cầu của doanh nghiệp gia tăng trong thực hiện trách nhiệm xã hội và coi đây là hướng phát triển trong tương lai gần của Fundme.
Một mảng hoạt động quan trọng của Fundme là hỗ trợ cho một số cơ quan báo chí thực hiện kêu gọi ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn. Do Fundme có nền tảng công nghệ, hỗ trợ cập nhật số tiền quyên góp, từ đó giúp lan tỏa tốt hơn, tức thời hơn và trong một số dự án đặc thù sẽ tự động “ngắt” dự án ủng hộ giúp tránh tình trạng ủng hộ vượt quá số tiền mà người rơi vào hoàn cảnh khó khăn cần đến khiến phát sinh việc xử lý “dư”, nhưng quan trọng hơn, đó là nguồn lực xã hội dư thừa ấy nên được chuyển cho các dự án, trường hợp khác bởi xã hội còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn thế.
Anh Sơn hiểu rằng không phải tất cả các quỹ, nhóm, cá nhân, doanh nghiệp đều hợp tác với Fundme song nếu biết khai thác tốt thị trường thì sẽ tăng trưởng tốt. Nhìn nhận tiềm năng của thị trường, anh Sơn cho biết, doanh số năm 2014 của công ty số 1 thế giới về mô hình tài trợ cộng đồng là 470 triệu đô, hiện được định giá khoảng 600 triệu đô. “Fundme sẽ phấn đấu để được định giá mấy chục triệu đô trong vài năm tới” - anh Sơn nở nụ cười đầy quyết tâm.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, đội ngũ nhân lực của Fundme khá đông nhưng qua 1 năm vận hành đã tinh giản một nửa, toàn bộ nhân viên đều được đóng bảo hiểm xã hội đúng quy định, giảm chi phí hành chính duy trì hoạt động mà vẫn đảm bảo chất lượng hỗ trợ cho tất cả các bên.