Anh Nguyễn Hồng Thái ( SN 1992, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: chai nước Aqualife này được bạn anh mua khi đang chạy chuyến xe Bắc Nam với giá 10.000 đồng/chai để uống.
Rất nhiều dị vật trong chai nước Aqualife |
Đến sáng ngày 26/4/2017, khi anh Thái mang chai nước ra để uống thì bất ngờ phát hiện bên trong có rất nhiều dị vật nổi lên trên mặt nước. Chưa mở nắp vội, quan sát thật kỹ thì anh thấy dị vật giống như giun cho cá ăn. Thấy bất thường, anh Thái đã không uống chai nước này nữa.
Biết chuyện về chai nước có dị vật, một số người bạn đã khuyên anh Thái nên cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để Cty TNHH Nhật Linh có thể cẩn trọng hơn trong quá trình sản xuất sản phẩm và phải có những biện pháp hữu hiệu hơn trong việc đảm bảo các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm của mình. Nghe lời bạn, anh Thái đã quyết định gọi lên đường dây nóng của Báo Pháp Luật Việt Nam.
Theo quan sát bằng mắt thường, đây là chai nước vỏ nhựa, dung tích 500ml, không hề ghi ngày sản xuất. Toàn bộ phần vỏ của chai nước và phần nắp đậy không hề có dấu hiệu của việc bị tác động từ bên ngoài, phần nắp chai vẫn được đóng kín. Bản thân anh Thái cũng khẳng định, từ lúc được cho đến thời điểm làm việc với phóng viên chưa có bất cứ ai mở chai nước này ra.
Chai nước vẫn được giữ nguyên hiện trạng và chưa hề mở nắp. |
Quan sát phía bên trong chai nước uống này, có thể thấy rất nhiều dị vật mầu nâu trôi lập lờ rất giống với nước giếng khoan có cặn để lâu ngày, đúng như anh Thái phản ánh.
Anh Thái chia sẻ, thời gian gần đây, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, anh cũng nghe thấy có một số vụ việc phát hiện dị vật trong các chai nước ngọt, nước uống đóng chai. Nên cá nhân ông cho rằng cần phải tìm ra nguyên nhân chính xác của tình trạng này để người dân yên tâm hơn khi sử dụng các sản phẩm đồ uống.
Nhãn mác cũng được làm nhái tương tự Aquafina |
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng nêu trên là do hiện nay, quy trình cấp phép để sản xuất mặt hàng này còn nhiều lỗ hổng. Một trong các thủ tục pháp lý là doanh nghiệp phải đem mẫu sản phẩm đến đăng ký kiểm tra chất lượng để được cấp phép đủ tiêu chuẩn. Để đối phó với khâu quan trọng này, nhiều doanh nghiệp đã “lách” luật bằng cách đi mua mẫu nước của các doanh nghiệp uy tín, sau đó đem đi kiểm nghiệm và nộp cho cơ quan cấp phép.
Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở sản xuất nước tinh khiết không bảo đảm vệ sinh. Cần áp dụng một mức chế tài đủ sức răn đe, tịch thu Giấy đăng ký kinh doanh, thậm chí có thể xử lý theo pháp luật hình sự nếu cấu thành tội phạm. Về phía người tiêu dùng, nên cẩn trọng khi quyết định sử dụng nước tinh khiết đóng chai. Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn những loại nước thực sự tinh khiết.