Mua giá “dưới đất”, bán giá “trên trời”
Tại Lâm Đồng, “thủ phủ” của nông sản xứ lạnh, rau củ luôn là một đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Ở chợ Đà Lạt, ngoài lượng người mua bản xứ hàng ngày, đặc biệt là cuối tuần luôn có lượng lớn khách du lịch đến mua nông sản đem về.
Bên cạnh đó, nông sản Đà Lạt- Lâm Đồng luôn được chở đi khắp nơi trên cả nước, mà lượng tiêu thụ lớn nhất là tại TP HCM. Được ưa chuộng bởi độ tươi, ngon, nông sản Đà Lạt luôn bán khá chạy, và giá cũng không thấp.
Tại chợ Đà Lạt, du khách vẫn chấp nhận những mức giá cao hơn bình thường để mua rau củ tươi, ngon và đảm bảo sạch. Cà rốt baby ở chợ Đà Lạt có giá bán là 100.000 đồng/ kg, đắt gấp 5, 6 lần so với cà rốt thường. Củ cải đỏ nhỏ cũng có giá đến 50.000/kg, nhưng khách mua vẫn tấp nập.
Rau củ, nông sản Đà Lạt bán “cháy” hàng là thế, nhưng người nông dân không hề được đền đáp xứng đáng với công sức bỏ ra. Giá nông sản có cao hay thấp thì nông dân vẫn là người bị thiệt thòi nhất bởi những chiêu trò của thương lái.
Gia đình chị Nguyễn Phương Thanh có một vườn trồng rau củ ở Đạ Sar, Lâm Đồng. Khi biết giá bông cải ở chợ Đà Lạt đang bán với giá 20.000 đồng/ bông, chị buồn thiu: “Vậy mà họ thu mua tại vườn có 5.000 đồng/ 3 bông. Không đủ vốn nữa, thật khổ cho chúng tôi”. Chị Thanh kể, trước kia, thương lái thu mua 4.000 đồng/bông cải. Càng ngày, thấy người nông dân chịu thua, họ càng lấn tới, bây giờ thì đến mức giá rẻ mạt như thế. Gia đình chị và nhiều nông dân ở khu vực này đã tìm đến các chợ đọ giá và năn nỉ thương lái nhận hàng, nhưng thương lái dường như đã có quy định ngầm với nhau, họ đều ra giá từ 7.000 đồng trở xuống/kg bông cải. Giá họ bán ra là 21.000 đồng/kg.
Chị Thanh kể, mới đây, gia đình chị đã phải bán cả một vườn củ dền bạt ngàn 8 sào với giá 3 triệu đồng, thương lái vào thu hoạch tận vườn. Trong khi, chỉ tính riêng tiền giống đã tốn mất 5 triệu đồng, chưa kể công chăm bón, tưới tiêu suốt ba tháng trời để cho ra củ dền thu hoạch. Chị Thanh nói, cả gia đình chị giờ buồn thất thần, coi như lỗ nặng. Mà không bán thì đành bỏ cho thối, còn phải thuê người nhổ bỏ. Thương lái biết thế nên bắt tay nhau ép giá, nông dân chả biết làm gì.Hiện, chị Thanh đã rời công việc làm nông, xin vào làm việc tại một homestay ở Đà Lạt, vì cả nhà cùng làm nông, với tình trạng lỗ như thế thì biết sống ra sao.
Người nông dân khóc ròng
Gia đình chị Thanh không phải gia đình nông dân duy nhất khốn khổ vì “chiêu trò” của thương lái. Anh Nguyễn Văn Minh cũng là một nông dân có 3 ha trồng rau củ tại Đạ Sar. Anh kể, “chiêu” mà thương lái thường dùng để ép giá nhất, đó là doạ nếu người nông dân không hạ giá thì họ không mua nữa, mua hàng của Trung Quốc giá tương đương mà rẻ, đẹp hơn.
Quả thực, trong khi nông dân trồng khoai tây, khoai lang, tới mùa bội thu, không người mua phải nhổ bỏ cả tấn thì thương lái đi mua khoai tây, khoai lang Trung Quốc về nhuộm đất, trà trộn bán ra chợ Đà Lạt và xuất đi các nơi.
Anh Minh cho biết, gần nhà anh có một cơ sở như thế, chuyên thu mua khoai tây, khoai lang Trung Quốc giá rẻ về, nhuộm đất đỏ lên cho giống khoai xuất xứ Đà Lạt rồi bán ra thị trường. Hiện nay, tại chợ Đà Lạt, các loại khoai Trung Quốc giả danh khoai Đà Lạt nhan nhản. Người nông dân chỉ cách phân biệt khoai Đà Lạt và khoai Trung Quốc, đó là khoai Đà Lạt củ to, nhỏ không đều, có khi sứt sẹo, còn khoai Trung Quốc to và đều tăm tắp.
Nhiều thương lái còn có những “chiêu trò” đáng sợ hơn nữa. Thông thường, khoai tây nếu mọc mầm sẽ không được thu mua. Nếu bán trễ, để khoai lên mầm, người nông dân chỉ có thể thuê xe đi ra các bãi đổ bỏ. Nhiều thương lái sẽ đi hốt khoai tây lên mầm bị đổ bỏ ấy, về cắt mầm áo lại lớp bùn đỏ kín củ khoai, đem ra chợ bán cho khách du lịch. Khách mua về, rửa gọt mới biết củ khoai đã chuyển xanh hết, ăn vào là ngộ độc. Chị Nguyễn Phương Thanh kể, làm việc tại nhà nghỉ, chị chứng kiến khách nhiều lần mua phải các loại khoai như thế, thậm chí có khách không biết, mua về nấu nướng tại chỗ, chị phải cản lại.
Phải bán với giá rẻ mạt, còn nếu không, chỉ có đổ bỏ, thế nên có những nông dân không chịu nổi, đã quyết định không bán cho thương lái, chấp nhận đổ bỏ, và họ kêu cứu với cư dân mạng. Cũng từ đó, những chiến dịch “giải cứu” nông sản ra đời. Tất nhiên, ai cũng biết rằng, cứu ở đây cũng chỉ là cứu trước mắt, cứu tạm thời, chứ về lâu dài là không ổn.
Nhiều người trách người nông dân nghĩ ngắn, trồng tràn lan theo xu thế, thiếu quy hoạch. Tuy nhiên, người nông dân có cái lý của họ, khi họ thiếu đi sự định hướng, và không được bảo vệ. Nhiều nông dân cho biết, họ đã thử chuyển đổi nhiều loại nông sản, mà loại nào rồi cũng bị thương lái ép giá. Trồng atiso còn đỡ, vì atiso nếu không bán kịp còn phơi khô bán được. Còn các loại rau củ tươi, thương lái không chịu mua, nông dân đành “chịu chết”.
Chúng ta có cơ quan quản lý về nông nghiệp, có các hội nông dân, có chính quyền địa phương. Nhưng nghịch lý vẫn luôn tồn tại nhiều năm qua, nông sản bán chạy, giá cao, người nông dân vẫn lỗ vốn, vẫn khốn khổ, vẫn khóc ròng là vì sao? Chẳng lẽ, ngoài việc người nông dân tự “cứu” mình và thị trường tự phát bùng lên “cứu”, thì chẳng còn ai có trách nhiệm, có chức năng chịu “cứu” người nông dân hay sao?