Khi tình yêu không còn, cả vợ và chồng đều chỉ rắp tâm giành giật con từ tay đối phương mà quên rằng sau ly hôn, ai nuôi con điều đó không quan trọng bằng việc làm sao để con không bị mất đi tình thương, sự chăm sóc của cả cha và mẹ khi tuổi thơ đã không có một mái ấm vẹn toàn.
Bơ vơ giữa đời...
Nhiều vụ ly hôn, vấn đề phức tạp không nằm ở phần chia tài sản mà lại ở chỗ giành quyền nuôi con. Chị Vũ Thu Trà (Đống Đa, Hà Nội) là giám đốc điều hành của một khách sạn, thu nhập mỗi tháng vài ngàn đô la Mỹ; trong khi anh Trần Đạt chồng chị là giáo viên dạy thể dục, lương tháng chỉ mấy triệu đồng. Năm 2009 hai người ly hôn, chị Trà để anh Đạt chăm sóc con chung là cháu Trần Vĩnh An (6 tuổi). Thực tế, sau khi bố mẹ ly hôn, cháu bé được gửi về quê Phú Thọ sống cùng ông bà nội.
Đến năm 2011, chị Trà khởi kiện xin thay đổi người nuôi con với lý do anh Đạt không chăm sóc con trai mà giao cho ông bà nội cháu nuôi nấng. Hơn nữa, thu nhập của anh Đạt thấp, không đảm bảo cho con một cuộc sống đầy đủ. Cháu bé cần được sống ở thành phố cùng với mẹ, trong điều kiện vật chất tốt thay vì phải sống với ông bà ở vùng quê miền núi heo hút như hiện nay.
Anh Đạt không đồng ý giao con, vì cho rằng bao năm nay chị Trà tham vàng bỏ ngãi, phụ bạc bố con anh, bỏ bê, không quan tâm chăm sóc con. Nhưng Tòa án vẫn chấp nhận nguyện vọng xin thay đổi người nuôi con của chị Trà vì cho rằng so với anh Đạt, chị Trà có điều kiện tốt hơn để đảm bảo sự phát triển mọi mặt cho con.
Ảnh minh họa. |
Bé Vĩnh An thì chỉ biết khóc ròng, chưa biết cuộc sống mới đầy đủ, sung sướng ra sao nhưng phải sống xa ông bà nội sau nhiều năm gắn bó chắc chắn sẽ là thử thách không dễ dàng với một cháu bé 8 tuổi đã sớm gánh chịu tổn thương do gia đình đổ vỡ.
Nghèo thì không được... nuôi con
Cũng vì vấn đề chia con mà chị Vũ Thị Huế (ở Lương Sơn, Hòa Bình) không dám ly hôn với anh Nguyễn Vũ Thông (ở quận Hà Đông, Hà Nội), dù cuộc sống chung chẳng khác gì địa ngục. Thời thiếu nữ, chị Huế từ quê ra Hà Nội làm giúp việc cho gia đình anh Thông. Xinh xắn, đảm đang nên chị được gia đình chủ nhà yêu quý, chọn làm dâu con trong nhà. Lấy nhau rồi chị mới biết anh Thông nghiện ma túy, lại ham lô đề, không có tiền là đánh đập vợ không tiếc tay.
Chị Huế phải một mình xoay xỏa buôn bán, chăm lo cả gia đình gồm mẹ chồng đau ốm, chồng nghiện ngập, con gái mới lên 5 tuổi. Anh Thông giao hẹn rõ nếu ly hôn chị Huế sẽ phải chấp nhận “mất” con và ra đi tay trắng. Vì thương con, chị Huế đành ngậm ngùi tiếp tục cuộc hôn nhân, đêm đêm khi con gái đã ngủ say chị mới dám âm thầm ngồi khóc trong nỗi tủi nhục vì bị bạo hành.
Hôm tòa xử ly hôn, cả hai đã không tiếc lời mạt sát thóa mạ nhau trước mặt con cốt để chứng minh mình mới là người có đủ nhân cách và tình cảm để nuôi dạy con. Do có điều kiện tốt hơn, anh Thông giành được nuôi con gái. Chị Huế bật khóc: “Tôi ức lắm, chẳng lẽ chỉ vì mẹ nghèo mà không được nuôi con?”.
Khi không thể sống được cùng nhau, ly hôn là cách giải thoát tốt nhất cho cả hai người, cũng là để cho con trẻ không phải thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ căng thẳng, bất hòa với nhau. Có điều, cuộc ly hôn nào cũng đem đến bất hạnh cho những đứa con. Vậy nên, khi tòa quyết định giao trẻ cho ai trực tiếp nuôi dưỡng đều phải xuất phát từ quyền lợi mọi mặt của trẻ trong đó, quyền lợi về mặt tinh thần, tình cảm cũng vô cùng quan trọng.
Kết cục nào cũng đẫm nước mắt
Chuyện xưa kể rằng: Trong một vụ tranh chấp nuôi con, vị quan tòa nọ xử bằng cách cho đứa trẻ đứng vào giữa vòng tròn, hai bố mẹ cầm hai tay kéo về hai phía, bên nào kéo con được về phía mình sẽ thắng kiện. Người mẹ kéo được con về mình do cha đứa trẻ thương xót con bị đau nên đành phải buông tay con để cho vợ giành phần thắng. Nhưng kết cục, vị quan tòa sáng suốt đã xử cho người cha được nuôi con vì đó mới là người thực sự có tấm lòng yêu thương, nhân hậu với con mình.
Nay, chốn công đường không thể xử án chia con bằng cách vẽ vòng tròn. Nhưng vẫn còn đó những băn khoăn trăn trở cho những đứa trẻ đáng thương đau đáu giấc mơ về một mái ấm vẹn toàn. Sau khi bố mẹ ly hôn, dẫu con vẫn được chăm lo cho một cuộc sống đầy đủ thì cuộc sống tình cảm của trẻ vẫn thiếu trước, hụt sau không gì cân bằng được.
Vậy nên, nếu chỉ để thỏa mãn tự ái, cha mẹ quyết liệt tranh giành quyền nuôi con thì một lần nữa lại gây đau khổ cho trẻ mà thôi. Tình yêu thương con cái cha mẹ nào cũng có. Nếu phải chia tay, thì những người trong cuộc hãy dùng tình thương ấy để trao đổi, bàn bạc với nhau cách chăm sóc, nuôi dạy con cái trong điều kiện mới để đứa trẻ luôn cảm nhận được đầy đủ tình thương của cả cha và mẹ, dù không được sống dưới một mái nhà có cả cha và mẹ.
Lê Nguyễn