Địa ngục đối với bé gái tị nạn Cộng hòa Trung Phi ở Cameroon

(PLO) - Cô bé Koulsoumi, 14 tuổi, một mình phải chịu đựng cái đói và sự tổn thương nặng khi chứng kiến bố mẹ của mình chết vì cuộc chiến tại Cộng hòa Trung Phi, nhưng đối với cô bé, điều này không là gì so với hiện thực tồi tệ nhất mà cô bé đang phải trải qua từ lúc cô được đưa tới một gia đình ở Cameroon sau khi chạy trốn qua biên giới hồi năm ngoái. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Địa ngục trần gian

Cô bé Koulsoumi là một trong 260.000 người tị nạn - trong đó một nửa là trẻ em - từ Cộng hòa Trung Phi đến sống ở miền đông Cameroon, một khu vực với dân số khoảng một triệu người. “Tôi phải cưới một người đàn ông ở ngôi làng này. Chẳng hạnh phúc gì nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Người chồng 18 tuổi của tôi rất nhiều lần lạm dụng tình dục và bạo lực đối với tôi”, Koulsoumi nói trong khi đang bồng đứa con nhỏ của mình, “Tôi rất yêu con tôi, thằng bé rất đẹp trai, nhưng cũng vì nó mà tôi không thể đi học”. 

Những đứa trẻ tị nạn luôn được các gia đình Tongo Gandima - một ngôi làng nhỏ ở Vùng Đông của Cameroon - chào đón nồng nhiệt. Nhưng đồng thời từ giây phút ấy, những đưa trẻ tị nạn này phải sống trong bóng tối địa ngục bởi những cuộc hôn nhân địa ngục.  

Cứ 10 người thì có khoảng 6 người vượt biên kể từ khi cuộc xung đột nội chiến ở Cộng hòa Trung Phi nổ ra vào năm  2013, khi phiến quân Seleka, với tên gọi nghĩa là “liên minh” được lập nên bởi các quân nhân Hồi giáo và chính trị gia bất mãn. Phiến quân bạo loạn nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát thủ đô Bangui và cũng ngay lập tức gây ra các cuộc tấn công giết chóc bè phái, trả thù lực lượng dân quân Kitô giáo và tàn sát hầu hết dân cư Kitô giáo, thường là bằng cách thiêu sống. Từ đó, rất nhiều người dân Cộng hòa Trung Phi phải dời bỏ quê hương của mình để chạy trốn khỏi cuộc nội chiến tàn khốc này. 

Theo Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hợp quốc (LHQ), dòng chảy người tị nạn càng ngày càng tăng đã khiến cho cơ quan tị nạn và người dân trên khắp miền đông Cameroon trở nên hỗn loạn. Hiện có tới hơn 90.000 trẻ em tị nạn bỏ học, trở thành con mồi cho bạo lực, lạm dụng tình dục và tình trạng tảo hôn.

Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ tại Cameroon Félicité Tchibindat cho biết: “Đây là cuộc khủng hoảng bị lãng quên, nhất là những bé gái. Chúng ta phải có biện pháp ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ họ khỏi những cuộc tảo hôn, khiến nhiều trẻ em gái phải sống một cuộc đời đầy đau khổ”.

Không được đi học 

Mặc dù trong các trại tị nạn có tổ chức dạy học miễn phí, nhưng phải đến 2/3 những người tị nạn, họ ở những ngôi làng gần đó đang phải vật lộn để có đủ tiền đóng lệ phí tuyển sinh lên đến 2,000 CFA francs (3 USD). Nhiều người không có tiền buộc phải cho con trai đi làm thêm, còn con gái phải đi lấy chồng.

Trong khi đó, sự suy giảm nguồn viện trợ nhân đạo cho Cameroon và viễn cảnh một làn sóng lớn người tị nạn từ Cộng hòa Trung Phi ập tới đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn, khiến cơ quan viện trợ cảm thấy lo ngại cho tương lai của những đứa trẻ tị nạn này. 

Tại một trường công lập dành cho trẻ tị nạn gần trại tị nạn Gado Badzere ở Cameroon, những đứa trẻ bàn luận về việc kết hôn đã rất sôi nổi. Một cô bé 15 tuổi nói rằng: “Gia đình tôi muốn tôi kết hôn từ  lúc 14 tuổi, nhưng tôi nhất quyết không đồng ý và muốn được đi học”. Tuy nhiên, nhiều bé gái ở miền đông Cameroon, một khu vực mà khoảng một nửa trẻ em gái kết hôn dưới 18 tuổi, không được may mắn như vậy.

Những cô bé đến tầm 13,14 tuổi, chúng thường bị bố mẹ bắt phải đi lấy chồng. Do đó mà nhiều bé gái mặc dù vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng trong tâm trí họ không có suy nghĩ gì cho tương lai, mà chỉ chờ đợi để chuẩn bị kết hôn. 

Kêu gọi quốc tế

Từ năm 2013, trình độ giáo dục ở các trại tị nạn ở Cameroon đã được cải thiện rất nhiều. Nhưng những lớp học tạm bợ trong các trại tị nạn ngày càng gia tăng và bị choáng ngợp bởi dòng người tị nạn đổ về ngày càng nhiều, khiến chất lượng giáo dục cũng không thể đảm bảo. Không những thế, số lượng giáo viên cũng rất hạn chế, vì nhiều người chỉ muốn làm việc ở thủ đô chứ không phải ở những khu vực nông thôn nghèo và trại tị nạn. 

Ngoài ra, các cơ quan cứu trợ cho biết, thiếu kinh phí chính là trở ngại lớn nhất trong việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường... Trong khi đó, kế hoạch ứng phó của chính phủ Cameroon cho năm 2016 chỉ có khoảng 77 triệu USD, giảm tới 1 nửa so với năm ngoái là 129 triệu USD. 

Những nhà hoạt động nhân đạo nói rằng, người tị nạn không chỉ là trách nhiệm của Cameroon mà là trách nhiệm của toàn thế giới và kêu gọi viện trợ từ cộng động quốc tế. Nếu không kịp thời, rất có thể sẽ còn có thêm nhiều trẻ em gái rơi vào hoàn cảnh đầy đau khổ như cô bé Koulsoumi.