Địa phương muốn lập Ban chỉ đạo hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (thường gọi là Chương trình 585) là chương trình liên ngành đầu tiên trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 585/QĐ-TTg và triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước. 
Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (thường gọi là Chương trình 585) là chương trình liên ngành đầu tiên trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 585/QĐ-TTg và triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Ở trung ương, trong số các hoạt động khởi động cho chương trình như xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí, ban hành quy trình quản lý, thực hiện các hoạt động của chương trình… thì việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Tổ Thư ký, Thường trực Tổ Thư ký chương trình rất được chú trọng và nhanh chóng kiện toàn. 
Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Tổ Thư ký, Thường trực Tổ Thư ký chương trình thường xuyên tổ chức các cuộc họp nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả các hoạt động của chương trình theo đúng kế hoạch tổng thể, kế hoạch năm đã đề ra. Chẳng hạn, trong năm 2011, đã tiến hành hoạt động điều tra, khảo sát và xây dựng các báo cáo về thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi cả nước; tổ chức 13 cuộc tọa đàm, hội thảo về các chuyên đề pháp luật kinh doanh, thu hút 1.450 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp tham dự; phát hành 2 số Bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với số lượng trên 10 nghìn cuốn…
Để thúc đẩy các hoạt động của chương trình trong thời gian tới, chương trình sẽ phát huy hơn nữa vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký, nhất là các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký ở Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Đồng Nai, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Tuy nhiên, tại các địa phương thì việc triển khai Chương trình 585 lại có những lúng túng nhất định. Do Chương trình 585 chỉ quy định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Tổ Thư ký ở trung ương nên địa phương không có cơ sở thành lập các tổ chức này. Nhiệm vụ chính được đặt lên vai các Sở Tư pháp song để bố trí được biên chế chuyên trách theo dõi công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì chả khác nào đánh đố. Trong khi đó, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành khác còn nhiều hạn chế, cơ chế phối hợp còn lỏng lẻo, việc tổ chức thực hiện các hoạt động chưa thực sự đồng bộ. 
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược nêu thực tế: Mặc dù Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, đồng thời ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phân công nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn thuộc sở nhưng với các sở, ban, ngành khác lại chưa thành lập được Phòng Pháp chế khiến việc triển khai công tác này trên địa bàn tỉnh gặp không ít vướng mắc. Vì vậy, bà Thược mong muốn Ban Chỉ đạo, Ban quản lý Chương trình 585 hướng dẫn địa phương thành lập các tổ chức nói trên để bảo đảm tính hiệu quả của Chương trình. 
Đồng tình với bà Thược, bà Nguyễn Minh Tâm (Sở Tư pháp Quảng Bình) cũng bày tỏ khó khăn khi không được thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, điều hành chung các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở Quảng Bình, dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp. “Đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn UBND cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo không chỉ điều hành hoạt động mà còn xác định, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên thông qua Sở Tư pháp - cơ quan thường trực làm đầu mối phối hợp” là ý kiến của bà Tâm.
Tuy nhiên, trao đổi với đề xuất này của các địa phương, một thành viên trong Ban Chỉ đạo đã thẳng thừng phản đối. Âu cũng là hợp lý khi mà các địa phương (kể cả ở trung ương) đã có quá nhiều các loại ban chỉ đạo. Có lẽ, địa phương cần tính toán làm sao tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động của chương trình mà không phải phát sinh thêm bộ máy!
Thục Quyên

Đọc thêm