Hàng trăm hecta đất bỏ hoang vì tỷ đô “bánh vẽ”
Dự án Nhà máy thép Guang Lian - Dung Quất (gọi tắt là Cty Quảng Liên) nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có số vốn đầu tư lên đến 4,5 tỷ USD, thu hồi đến 700 hecta (ha) đất của người dân song chậm triển khai đến 6 năm.
Năm 2007, Nhà máy luyện cán thép Dung Quất do Tập đoàn Tycoons và E-United (Đài Loan) xây dựng được động thổ tại Khu kinh tế Dung Quất. Sau đó từ số vốn đăng ký 1,05 tỷ USD (công suất 5 triệu tấn thép/năm), dự án được điều chỉnh tăng lên 3,3 tỷ USD (đổi tên thành Dự án Nhà máy thép Guang Lian – Dung Quất) và rồi lại điều chỉnh tăng lên 4,5 tỷ USD (nâng công suất lên 7 triệu tấn thép/năm). Qua nhiều lần điều chỉnh thiết kế, công suất, diện tích của “siêu” dự án thép này đã lên tới 700ha.
Không chỉ “vẽ” trên giấy tờ, “siêu” dự án này khẳng định sự tồn tại của mình bằng hạng mục đầu tiên được thi công chính là tường bao quanh dự án - bức tường này được dựng lên không chỉ chặn các ngả đường dân sinh của người dân mà còn “tư hữu” luôn đoạn đường Dốc Sỏi – Dung Quất là con đường chính dẫn ra cảng, khiến tỉnh Quảng Ngãi phải trích vốn ngân sách làm con đường đi vòng gần 4km.
Thế nhưng, ngoài hạng mục “hoành tráng” đó, những kỳ vọng lớn như nhà máy tỷ đô mọc lên, dân có công ăn việc làm, kinh tế tỉnh phát triển… vẫn chưa có dấu hiệu thành hiện thực. 6 năm sau lễ động thổ linh đình và 5 lần điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, dự án tỷ đô này vẫn chỉ là bãi đất trống, nhấp nhô cọc bê-tông. Hàng trăm hécta đất nông nghiệp của dân bị thu hồi, người nông dân chờ mãi không thấy có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp sang làm công nhân giờ đối mặt với nguy cơ tái nghèo vì không có nguồn thu.
Dự án Nhà máy thép Quảng Liên - Dung Quất là dự án hạng A, vì thế tỉnh Quảng Ngãi phải bỏ tiền ngân sách ra để giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư. Gần đây nhất, chủ đầu tư xin lùi thời gian khởi động lại dự án từ tháng 7/2013 sang tháng 7/2014. Dân vẫn không có đất sản xuất, tỉnh đã bỏ tiền thu hồi đất và làm đường, giờ chỉ còn hy vọng dự án có thể triển khai được để “gỡ gạc”.
Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia ngành thép cho rằng, khả năng có thể triển khai dự án sản xuất thép như Cty Quảng Liên vẽ ra là rất khó, bởi sản phẩm mà DN này sản xuất đang bị dư thừa, trong khi quy mô dự án lên đến nhiều tỷ đô-la.
12 dự án khác cũng chậm trễ như Quảng Liên đã bị UBND tỉnh Quảng Ngãi thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Còn với “siêu” dự án tỷ đô này, địa phương dường như đang chấp nhận thực tế với hy vọng có kết cục tốt đẹp hơn tại thời điểm tháng 7/2014.
Địa phương nhận “một vốn”, doanh nghiệp thu “trăm lời”
Nếu các siêu dự án “ôm” vài trăm hécta đất thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có cách làm ăn riêng “năng nhặt chặt bị” và ít bị “nhòm ngó” hơn nhiều. Năm 2005, Cty Kinh doanh vật tư thiết bị được UBND tỉnh Hà Tây cho thuê hơn 7 nghìn mét vuông đất ở Cụm Công nghiệp An Khánh, huyện Hoài Đức để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy sản xuất ống thép. Khu đất được thuê thời hạn 30 năm. Giá tiền thuê đất là hơn 3,6 nghìn đồng/m2/năm, sẽ được bổ sung sau khi Cục Thuế tỉnh Hà Tây xác định được giá cho thuê đất mới. Tiền thuê đất được thu hàng năm và khu đất thuê phải phù hợp với mục đích sử dụng.
Tháng 11/2012, Cty Kinh doanh vật tư thiết bị “cắt” 1200m2 nhà xưởng, kho bãi trong khu đất trên cho Cty Xây dựng công nghệ mới thuê làm cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trong thời gian 3 năm, với giá thuê là 50 nghìn đồng/m2/tháng. Thế là, mỗi mét vuông nhà xưởng cho thuê, Cty Kinh doanh vật tư thiết bị thu về 600 nghìn đồng mỗi năm.
Như vậy, chỉ với một phần đất sử dụng không đúng mục đích trong hợp đồng thuê đất, doanh nghiệp đã có thể thu về một nguồn lợi không nhỏ. Những trường hợp “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô” như doanh nghiệp trên không ít, và càng nở rộ hơn trong bối cảnh sản xuất kinh doanh ảm đạm. Lạ một nỗi, dường như sau khi ký hợp đồng cho thuê cũng chẳng có cơ quan nào đoái hoài đến chuyện người thuê đất có sử dụng đất đúng mục đích hay không. Thế nên, địa phương cứ lãng phí tài nguyên đất để doanh nghiệp thu lời.
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, Luật sư Ngọc Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, căn cứ Điều 111 về các quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê, tổ chức thuê đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, vì thế việc doanh nghiệp thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất ống thép rồi lại lấy một phần nhà xưởng cho doanh nghiệp khác thuê lại làm cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng là vi phạm quy định tại điều luật này. Vì thế, dù hoạt động này đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp “ngồi mát ăn bát vàng”, thì đó cũng là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai.