Địa vị pháp lý của người bào chữa trong TTHS: Giải quyết bằng kỹ thuật lập pháp?

Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa ra thông cáo báo chí về việc chuẩn bị tổ chức Hội thảo quốc tế với quy mô lớn, có sự phối hợp tài trợ của một số tổ chức quốc tế như UNDP, JPP, JICA... vào ngày 29 và 30/3/2012 về bảo đảm quyền bào chữa và quyền hành nghề của luật sư, hướng đến việc góp ý, sửa đổi bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS).

Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa ra thông cáo báo chí về việc chuẩn bị tổ chức Hội thảo quốc tế với quy mô lớn, có sự phối hợp tài trợ của một số tổ chức quốc tế như UNDP, JPP, JICA... vào ngày 29 và 30/3/2012 về bảo đảm quyền bào chữa và quyền hành nghề của luật sư, hướng đến việc góp ý, sửa đổi bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS).

Một trong những khía cạnh thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu là xác định địa vị pháp lý của người bào chữa trong Tố tụng hình sự (TTHS) hiện nay như thế nào và hướng sửa đổi ra sao?.

Quang cảnh một phiên tòa hình sự. Ảnh: PT
Quang cảnh một phiên tòa hình sự. Ảnh: PT

Thiếu cơ chế bảo đảm quyền bào chữa

Nhìn từ góc độ lập quy, TTHS Việt Nam phân chia các chủ thể tố tụng thành hai loại: Chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng. Trong số các chủ thể tham gia tố tụng, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự được “xếp hàng” chung với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người phiên dịch.

Do địa vị pháp lý của người bào chữa chỉ là người tham gia tố tụng, phạm vi hoạt động thuộc lĩnh vực “bổ trợ tư pháp” nên thực chất luật sư chỉ là người trợ giúp pháp lý mang tính bị động, không có cơ sở cho việc hành nghề một cách bình đẳng và độc lập.

Trong một chừng mực nào đó, quyền năng của luật sư là thứ quyền năng phái sinh, phụ thuộc hoàn toàn vào sự chấp thuận hay không của các cơ quan và những người tiến hành tố tụng; thiếu cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là cơ chế bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; ý kiến tranh luận, tranh tụng của luật sư vẫn chưa thực sự được coi trọng, không ít bản án, quyết định của Tòa án chưa thực sự dựa trên kết quả tranh tụng dân chủ tại phiên tòa, dẫn đến số lượng bản án bị hủy, sửa chiếm tỷ lệ khá cao.

Thực chất quan niệm coi hoạt động của người bào chữa thuộc phạm vi “bổ trợ tư pháp” xuất phát từ thực tiễn là hành nghề của người bào chữa thường gắn rất chặt với hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử của Tòa án. Về mặt lịch sử, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư (Đoàn Luật sư) thường được thành lập trong phạm vi thẩm quyền tài phán của Tòa án địa phương theo công thức: Tòa án địa phương/Đoàn Luật sư địa phương/Tổ chức hành nghề luật sư địa phương.

Lịch sử nghề luật sư ở Việt Nam có giai đoạn được hình thành là một bộ phận trực thuộc nằm trong TAND tối cao. Chính từ thực tiễn này đã tạo cơ sở cho việc hình thành quan niệm coi hoạt động nghề nghiệp của luật sự thuộc dạng “bổ trợ tư pháp” thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp địa phương, đưa vào diện quản lý chung như đối với hoạt động giám định, công chứng, thừa phát lại...

Địa vị pháp lý của Luật sư đang ở đâu?!

Xét về bản chất thì chức năng bào chữa tồn tại độc lập và đối trọng với chức năng buộc tội như một tất yếu khách quan tự thân của TTHS. Quan niệm coi hoạt động của người bào chữa thuộc khuôn khổ của các hoạt động bổ trợ tư pháp, vô hình trung đã giảm nhẹ ý nghĩa và các giá trị xã hội mà chủ thể này mang lại cho sự phát triển của dân chủ nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng.

Do người bào chữa nói chung (luật sư nói riêng) chưa được thừa nhận là một chức danh tư pháp độc lập nên chưa phát huy được vai trò phản biện, đóng góp vào quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng và trong xã hội, đấu tranh và bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp.

Ranh giới giữa phạm vi hành nghề dịch vụ pháp lý cho xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, với việc bảo vệ công lý, công bằng và chính nghĩa, góp phần phát triển kinh tế chưa được làm rõ. Nói cách khác, nhận thức của xã hội, của chính các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và xét xử về luật sư còn nhiều cản ngại, chưa được xem xét và đặt trong tổng thể thế tương tác và phản biện như là một thành tố vận hành trong hệ thống các chủ thể tư pháp thống nhất, chưa coi chế định luật sư, cùng với chế định Viện kiểm sát và Tòa án như là một trong ba chiếc cánh trụ cột nâng đỡ nền tư pháp nước nhà.

Chỉ có thể nói đến dân chủ, tôn trọng và bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp khi luật sư có được vị thế bình đẳng thật sự với các chủ thể tiến hành tố tụng, là nhân tố hướng đến bảo đảm sự công bằng, góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ công lý.

Do vậy, một trong những vấn đề cần được quan tâm sửa đổi, bổ sung BLTTHS hiện nay là vấn đề xem xét lại địa vị pháp lý của người bào chữa theo hướng coi người bào chữa là một chủ thể tư pháp độc lập, có tư cách bình đẳng với các chủ thể tiến hành tố tụng, mở rộng một số nhiệm vụ, quyền hạn trong quá trình tham gia tố tụng, nhất là việc thu thập, đánh giá chứng cứ, cơ chế tham gia và bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người tạm giữ, bị can, bị cáo.

Để giải quyết bài toán về sự khác biệt trong địa vị pháp lý của người bào chữa so với các chủ thể tiến hành tố tụng, theo thiển ý của chúng tôi, cần nghiên cứu đưa chủ thể người bào chữa ra khỏi diện những người tham gia tố tụng.

Nên chăng, về phương diện kỹ thuật lập pháp, cần xây dựng một chương riêng, độc lập trong BLTTHS quy định về người bào chữa, trong đó xác định các nguyên tắc phản ánh sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa chức năng buộc tội và chức năng gỡ tội, nguyên tắc hành nghề, địa vị pháp lý, thủ tục nhờ và công nhận khi tham gia TTHS, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa qua các giai đoạn TTHS...

T.S Luật sư Phan Trung Hoài

Đọc thêm