Dịch bệnh tai xanh ở lợn lan rộng: Các trang trại chăn nuôi an toàn

Trên địa bàn thành phố, dịch tai xanh ở lợn tiếp tục  diễn biến phức tạp. Nhưng đến nay, chưa hề có một trang trại chăn nuôi lớn nào bị dịch tấn công. Đây là điều đáng để người chăn nuôi và các địa phương nhìn nhận trong  việc phòng, chống dịch và phát triển chăn nuôi sau dịch.

 Trên địa bàn thành phố, dịch tai xanh ở lợn tiếp tục  diễn biến phức tạp. Nhưng đến nay, chưa hề có một trang trại chăn nuôi lớn nào bị dịch tấn công. Đây là điều đáng để người chăn nuôi và các địa phương nhìn nhận trong  việc phòng, chống dịch và phát triển chăn nuôi sau dịch.

Bức “tường thành” vững chắc

Ông Hoàng Đình Dũng, Trưởng Phòng kinh tế, quận Đồ Sơn cho biết: “Hiện dịch tai xanh ở lợn tại hai phường Minh Đức, Hợp Đức vẫn đang diễn biến phức tạp với số lợn phải tiêu hủy lên tới hơn 1.700 con,  số phải theo dõi cũng vài nghìn con. Sau hơn 2 tuần công bố, hiện dịch tai xanh ở lợn tại hai phường này vẫn lây lan sang đàn lợn khác, khó khống chế. Song điều đáng quan tâm là dịch chỉ xảy ra tại các hộ  nhỏ lẻ, với vài ba con trong chuồng và hơn 300 hộ có lợn bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, các trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn vẫn an toàn”. Ông Phạm Hải Thanh, ở cụm dân cư số 2, phường Hải Thành (quận Dương Kinh) cho biết: “Gia đình tôi có 42 con lợn, thì hơn 1 nửa bị ốm vì bệnh tai xanh. Do chăn nuôi quy mô hộ nên gia đình chưa mấy quan tâm đến việc vệ sinh khử trùng, tiêu độc, bảo đảm an toàn cho đàn lợn trước dịch bệnh. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình tôi cũng gặp tình trạng lợn bị ốm, sốt, bỏ ăn. Trong khi đó 2 trang trại chăn nuôi gần nhà tôi vẫn an toàn dịch bệnh”.

Tại trang trại của anh Nguyễn Công Hát (xã Vĩnh An, Vĩnh Bảo), việc khử trùng tiêu độc được đặc biệt quan tâm. Con đường độc nhất dẫn vào trang trại và toàn bộ hành lang, lối đi dọc trang trại đều phủ trắng vôi bột. Khách lạ tới chỉ được vào phòng quản lí cách xa khu chăn nuôi 200m. Anh Hát giải thích: “việc phòng dịch là yêu cầu bắt buộc thường xuyên quy định trong khung kỹ thuật chứ đâu phải tới lúc dịch bùng lên mới cuống cuồng đi dập dịch như các hộ dân chung quanh. Nhờ vậy, trang trại vẫn bình yên trước cơn bão dịch tai xanh”. Đoàn kiểm tra của thành phố vào thăm trại chăn nuôi tập trung của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Huy Quang phải trải qua 2 cửa phun khử trùng bằng dung dịch HCG, mặc quần áo bảo hộ.  Người quản lý trang trại cho biết: “Hơn 1 tháng nay, trang trại áp dụng lệnh giới nghiêm, hạn chế người ra, vào. Ngoài hệ thống phun sát trùng 2 lượt đối với các xe ra vào trại, công nhân tại đây buộc phải thay toàn bộ quần áo, sát trùng 2 lượt trước khi trực tiếp chăm sóc lợn. Ngoài ra, toàn bộ công nhân, kỹ thuật viên đều phải hạn chế ra ngoài trại, tiếp xúc  nơi đông người…Trang trại của chúng tôi đề phòng dịch chứ không sợ, bởi với quy trình an toàn dịch tễ và tiêm phòng như hiện tại, chúng tôi hoàn toàn yên tâm bởi khả năng lây bệnh chỉ khoảng...1 phần nghìn là cùng”.

Công ty CP Nuôi trồng và chế biến thực phẩm Nam Triệu (xã Lưu Kiếm, Thủy Nguyên) đầu tư xây dựng trang trại khép kín, bảo đảm vệ sinh, góp phần phòng, chống dịch bệnh. Công nhân công ty chăm sóc đàn lợn nái.

Phát triển trang trại chăn nuôi an toàn sinh học

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp-PTNT), Hải Phòng hiện có 256 trang trại chăn nuôi lợn quy mô trên 200 con, chiếm 14% tổng đàn chăn nuôi. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 86%. Đến nay, rất yên tâm là dịch chưa xuyên thủng các trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, dịch tai xanh ở lợn xuất hiện chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nơi mà công tác phòng trừ dịch bệnh chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, việc chăn nuôi nhỏ xen lẫn khu dân cư càng tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh .

Từ thực tế này, ông Dũng cho rằng, cần phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, xa khu dân cư và bảo đảm an toàn sinh học. Trên thực tế, các trang trại lớn đều được đầu tư rất kỹ lưỡng, bài bản cho công tác phòng trừ dịch bệnh. Như hàng loạt các trang trại chăn nuôi tập trung ở Khởi Nghĩa (Tiên Lãng), Vĩnh An (Vĩnh Bảo) toàn bộ người lao động làm việc đều phải mặc trang phục bảo hộ và qua khử trùng, tiêu độc mới được vào khu chăn nuôi. Trong và ngoài trang trại thường xuyên được rắc vôi bột, phun thuốc nhằm cách ly mầm bệnh. Trong đó, các địa phương cần chú ý đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi lợn gia công cho các doanh nghiệp vì đây là mô hình chăn nuôi khép kín, bảo đảm an toàn sinh học, sản phẩm lại được các doanh nghiệp bao tiêu. Nhiều năm qua, các trang trại chăn nuôi gia công đều an toàn trước dịch bệnh. Về lâu dài, thành phố và các địa phương cần quy hoạch lại ngành chăn nuôi, giảm bớt chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, xen lẫn trong khu dân cư../.

 Hoàng Yên  

Đọc thêm