Dịch sốt xuất huyết bùng phát dữ dội

Dịch sốt xuất huyết bùng phát rất mạnh khiến các bệnh viện ở nhiều địa phương rơi vào tình trạng quá tải.  Ít nhất đã có 10 ca tử vong.
Dịch sốt xuất huyết bùng phát rất mạnh khiến các bệnh viện ở nhiều địa phương rơi vào tình trạng quá tải.  Ít nhất đã có 10 ca tử vong. Điều đáng nói là do thời tiết diễn biến bất thường, dịch đã bùng phát sớm hơn mọi năm. Thông thường, sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh vào thời điểm từ giữa tháng 8 - tháng 9. Chính sự thờ ơ trong phòng dịch đã khiến SXH ngày càng lan rộng.Còn có thể tăng gấp bốn lần Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, chỉ trong tháng 7, thành phố đã có hơn 400 ca SXH nhập viện. Nếu phòng chống không hiệu quả thì trong ba tháng tới,  số ca nhập viện có thể tăng gấp bốn lần. Thống kê tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho thấy, số ca SXH nhập viện trong tháng 7 tăng gấp đôi so với tháng 6. Trung bình mỗi ngày có khoảng 40 trẻ em nhập viện điều trị, trong đó số ca bị sốc  khoảng 10%. Tại Thừa Thiên- Huế, toàn tỉnh đã có hơn 660 ca mắc sốt xuất huyết. Trung bình mỗi ngày tỉnh này có thêm 5 - 10 bệnh nhân SXH. Có thể nói, năm nay dịch SXH đã bùng phát dữ dội, bởi cả năm 2009, toàn tỉnh chỉ có 20 trường hợp.
Do quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm cả ra hành lang
Tại ĐBSCL, dù ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống, song số người mắc SXH vẫn tăng cao trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8. Tại Đồng Tháp, số ca SXH tăng vọt từ cuối tháng 6, từ 800 ca lên đến 1.449 ca ngày đầu tháng 8. Đáng chú ý là đã có ba ca tử vong. Tương tự, tỉnh Tiền Giang cũng từ 1.045 ca SXH của tháng 6 nay đã lên đến 2.000 ca, và số mắc đang có chiều hướng tăng dần. Tại hai tỉnh này, dịch SXH rải đều khắp các huyện thị thành trong tỉnh. Còn tại An Giang, số ca SXH đã tăng hơn 100% so cùng kỳ và cũng đã có ba ca tử vong.  Nhiều huyện  trở thành điểm nóng bùng phát dịch SXH,  như huyện Tịnh Biên tỷ lệ mắc bệnh tăng đến 900%, huyện Châu Phú tăng 384%...  Tại Bến Tre, điểm nóng bùng phát  dịch SXH tập trung tại huyện Ba Tri , nơi số ca mắc lên tới 705. Tại đây, đã có hai ca tử vong. Tại Khánh Hòa, tính đến cuối tháng 7, đã ghi nhận 2.705 ca SXH. Chỉ trong tuần cuối tháng 7, tỉnh này thêm 240 ca. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca nhiễm SXH tăng 2,5 lần.Nhiều bệnh viện quá tải Theo đại diện các sở y tế nơi dịch bùng phát, nguyên nhân chủ yếu là năm nay thời tiết diễn biến thất thường, trong khi người dân vẫn còn rất thờ ơ với việc phòng, chống dịch SXH. Do dịch bùng phát dữ dội nên nhiều bệnh viện tại các địa phương kể trên luôn rơi vào tình trạng quá tải. Bác sĩ Đinh Quang Tuấn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết hiện khoa có đến 50 bệnh nhi SXH nằm điều trị, mỗi ngày tiếp nhận thêm khoảng 40 - 50 bệnh nhân đến khám SXH. Khoa Truyền nhiễm mỗi ngày cũng tiếp nhận hàng chục ca, gây quá tải và phải kê thêm giường ở hành lang để bệnh nhân nằm điều trị. Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, khoa Truyền nhiễm chỉ có 30 giường bệnh nhưng đã có trên 100 bệnh nhân đang điều trị. Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu – Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết trước đây SXH thường lưu hành dạng type 1, nay chuyển sang type 4, khi thay đổi type thì bệnh cảnh lâm sàng sẽ nặng lên. Cụ thể, trước đây rất ít gặp trường hợp SXH bị suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu trầm trọng mà chỉ gặp các trường hợp giảm hồng cầu. Tuy nhiên, ngay từ mùa dịch năm 2009 đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân nặng phải thở máy. Từ đầu năm 2010 chưa gặp các trường hợp bị quá nặng nhưng bác sĩ Cấp cho biết, người dân không nên chủ quan vì dịch SXH còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới và đặc biệt đang bùng phát tại khu vực phía Nam. BS Cấp cũng cảnh báo, vào mùa dịch SXH số ca mắc có thể lên tới hàng vạn người mỗi năm. Điều quan trọng là phải quản lý bệnh nhân tốt, điều trị sớm để hạn chế bệnh tiến triển xấu, bệnh trở nên trầm trọng. Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân chỉ cần bù dịch tốt thì có thể nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, nếu để chậm bệnh nhân sẽ bị sốc không phục hồi, thậm chí tử vong.
Bình Dương đã có người chết vì SXH
 
Theo TTXVN, từ cuối tháng 7, dịch SXH tại Bình Dương bắt đầu tăng mạnh, mỗi tuần tăng hàng chục ca. Tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương, khoa Nội nhi thường xuyên bị quá tải số nhập viện do SXH. Riêng công tác lấy máu xét nghiệm sốt xuất huyết mỗi ngày phải làm cho 50 - 60 ca.

Nổi cộm là khu phố Bình Hoà, thị trấn Lái Thiêu đã bùng phát ổ dịch với hàng chục người nhập viện do SXH. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương đã phun xịt hoá chất, dập dịch lần đầu tại khu phố này và sẽ tiến hành phun xịt lần hai vào ngày 4/8 nhằm dập triệt để ổ dịch tại đây.

Bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, cho biết: Hằng năm, Trung tâm đã triển khai công tác tập huấn kiến thức cũng như phác đồ điều trị SXH cho bệnh viện tuyến huyện, cơ sở; đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân đề phòng dịch khi mùa mưa đến.

Tuy nhiên, dịch vẫn xảy ra là do khâu phòng dịch trong người dân còn hạn chế, nhiều khu vực sống ở trọ ẩm thấp, chưa vệ sinh đầy đủ để cho muỗi có điều kiện phát triển.

Theo
Đất Việt

Đọc thêm