(ĐNĐT) - 208 người đã chết vì dịch tả ở Haiti và 2.674 người khác bị nhiễm bệnh, trong thảm họa tồi tệ nhất tại quốc gia châu Phi vốn bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất hồi đầu năm nay.
Giới chức y tế cho biết 194 người tử vong vì bệnh tả tại khu vực Artibonite, phía bắc thủ đô Port-au-Prince và 14 người khác chết tại khu vực Central Plateau.
|
Bệnh nhân tiêu chảy và bị các triệu chứng của dịch tả đang chờ điều trị tại Haiti ngày 22-10. Ảnh: THX |
Các quan chức cũng cho biết ít nhất 5 người dương tính với phẩy khuẩn tả ở Port-au-Prince, nơi khoảng 1,3 triệu người sống sót sau trận động đất ngày 12-1-2010.
Tuy nhiên, số bệnh nhân tả tại các thị trấn nằm gần Port-au-Prince đang tăng lên từng giờ, khiến giới chức y tế cũng như các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế lo ngại rằng "mục tiêu tiếp theo" của dịch tả sẽ là hàng trăm nghìn người dân Haiti đang phải sống tạm bợ trong các khu lều bạt ở thủ đô.
Tiến sỹ Estrella Serrano, giám đốc dinh dưỡng và y tế của tổ chức Tầm nhìn Thế giới nói: "Nếu dịch tả lan tới Port-au-Prince, nơi trẻ em và các gia đình đang phải sống chen chúc trong điều kiện mất vệ sinh, hậu quả sẽ rất thảm khốc."
Dịch tả là bệnh do dùng nước hoặc thực phẩm nhiễm khuẩn. Người bệnh có thể chết vì mất nước trong vài giờ do bị đi ngoài và nôn liên tiếp nếu không được điều trị bằng cách cho uống nước điện giải hoặc dung dịch gồm nước, đường và muối.
Trong nỗ lực phòng ngừa dịch bệnh này lan tới thủ đô, công ty cung cấp nước của Haiti đã tăng gấp đôi lượng hóa chất chlorine vào nước sinh hoạt, trong khi các tổ chức cứu trợ triển khai cung cấp xà phòng và viên lọc nước tới các hộ gia đình, đồng thời nhắc nhở họ về tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh.
Dịch tả đã không xuất hiện tại Haiti trong nhiều thập niên và nhiều người dân hiện tại không có hiểu biết cũng như kiến thức để phòng bệnh.
Theo THX-TTXVN