Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tranh thủ thời cơ, phát huy tốt lợi thế, huy động mọi nguồn lực, huyện Bạch Long Vĩ phát triển mạnh dịch vụ nghề cá, tổ chức bảo vệ và khoanh nuôi thủy sản vùng bờ đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân trên đảo, đáp ứng nhu cầu hậu cần của phương tiện khai thác trên biển- đó là kết quả bước đầu thực hiện mục tiêu “xây dựng Bạch Long Vĩ sớm trở thành trung tâm chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ” theo Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Ngư dân neo đậu tàu thuyền tại âu cảng Bạch Long Vĩ chuẩn bị ngư cụ ra khơi khai thác thủy sản Ảnh: Phương Duy
|
Từ đột phá trong dịch vụ thủy sản
Trong giai đoạn 2005- 2010, nét nổi bật trong phát triển nuôi trồng thủy sản của Bạch Long Vĩ là mạnh dạn thực hiện đề án bảo vệ vùng 6m nước, thí điểm nuôi bào ngư. Huyện triển khai quản lý, khai thác vùng 6 mét nước quanh đảo và giao diện tích cho các hộ dân bảo vệ và khai thác hợp lý, tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, đưa giá trị nhóm ngành nông nghiệp -thuỷ sản của huyện tăng 5,1%, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu về thực phẩm của nhân dân trên đảo và một phần cho ngư dân tàu thuyền vươn khơi.
Dịch vụ thủy sản trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện đảo với giá trị nhóm ngành thương mại, dịch vụ 5 năm qua tăng 76,3% và năm 2010 chiếm 76,6% cơ cấu kinh tế của huyện. Việc thành phố duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết 1/2000 và ban hành quyết định 1663 tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế huyện đảo và ngành kinh tế dịch vụ thủy sản. Sự phát triển mạnh mẽ này tạo điều kiện đột phá mạnh cho huyện đảo trong thời kỳ phát triển toàn diện, bền vững. Huyện tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, thành phố, nâng cao năng lực của cảng và khu neo đậu tàu, đem lại hiệu quả khai thác. Những chuyển biến mới trong quản lý kinh tế, xã hội đưa huyện đảo chuyển nhanh sang giai đoạn phát triển toàn diện theo định hướng phát triển kinh tế biển, đảo, trong đó, dịch vụ hầu cần nghề cá là trọng tâm. Các ngành nghề sản xuất, dịch vụ được kiểm nghiệm qua thử thách, nhiều mô hình ngày càng phát triển rõ nét, đời sống của người dân được nâng lên. Nhiều dự án mới về dịch vụ, nuôi trồng thủy sản được tích cực triển khai.
5 năm qua, huyện cung ứng 10.300 tấn xăng dầu, 46.800m3 nước sinh hoạt, bốc xếp vận chuyển 47.500 tấn hàng qua cảng, bố trí 78.300 lượt tàu thuyền neo đậu trong âu cảng an toàn.
|
Đến trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá
Để Bạch Long Vĩ sớm trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ trước năm 2020, huyện tích cực tìm, huy động vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thu hút các dự án phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, huyện tạo điều kiện giúp đỡ các nhà đầu tư khắc phục khó khăn, duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá. Thực hiện việc giao, cho thuê mặt nước để nhân dân tham gia bảo vệ, nuôi, khai thác hợp lý bào ngư và các loại hải sản khác, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hoá. Huyện khuyến khích, hỗ trợ các gia đình đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng đa nghề, ổn định việc làm, bảo đảm đủ nguồn thực phẩm sạch, an toàn phục vụ quân và dân trên đảo và ngư dân trên biển. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cảng và khu neo đậu tàu, phối hợp tốt giữa các lực lượng bảo vệ có hiệu quả nguồn lợi thuỷ sản. Góp phần thu hút tàu thuyền vào đảo, huyện tăng cường quản lý một số hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong chiến lược phát triển, huyện chủ trương xây dựng hồ sơ báo cáo thành phố trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch huyện đảo thành khu kinh tế-quốc phòng đặc biệt.
5 năm tới, huyện tập trung cho các lĩnh vực: sản xuất nước đá đạt công suất 300 tấn/ngày, mở rộng các xưởng cơ khí sửa chữa tàu thuyền, tăng cường thiết bị sửa chữa tàu có công suất đến 250 CV; xây mới kho chứa xăng dầu khả năng cung cấp 6.000- 10.000 m3/năm; kho đông lạnh có sức chứa 100 – 200 tấn sản phẩm sơ chế…
|
Đinh Quốc Ái
(Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Bạch Long Vĩ)