Dịch vụ... trời ơi!

Dịch vụ mà tôi gọi là trời ơi đó chính là biểu hiện của những đơn vị, doanh nghiệp chỉ biết có mình mà không coi quyền lợi của khách hàng là mục đích. Đó là biểu hiện của kiểu kinh doanh mang nặng tính áp đặt của thời bao cấp hoặc do độc quyền mà ra. Sau đây là hai câu chuyện tôi vừa gặp chỉ trong một ngày vừa qua.

Dịch vụ mà tôi gọi là trời ơi đó chính là biểu hiện của những đơn vị, doanh nghiệp chỉ biết có mình mà không coi quyền lợi của khách hàng là mục đích. Đó là biểu hiện của kiểu kinh doanh mang nặng tính áp đặt của thời bao cấp hoặc do độc quyền mà ra. Sau đây là hai câu chuyện tôi vừa gặp chỉ trong một ngày vừa qua.

Tôi đứng trên đường Phan Đăng Lưu gọi điện thoại cho số 05113 68… yêu cầu một taxi 4 chỗ. Đầu kia, tiếng nữ nhân viên trực tổng đài nói lại: “Chúng tôi chỉ còn xe 7 chỗ, phiền quý khách trả thêm 1.000 đồng mỗi cây số”. Tôi nói lại: “Tôi đi một mình nên chỉ xe 4 chỗ là đủ. Sao lại đưa xe 7 chỗ và đòi thêm tiền?”. Đầu kia, vẫn giọng nữ: “Anh thông cảm, xe 4 chỗ không còn. Có một ngàn thôi mà!”.

Vậy đấy! Người ta bán cho chúng ta một “sản phẩm” mà ta không có nhu cầu rồi đòi chúng ta thông cảm! Còn họ thì lấy tiền cao hơn mức ta có thể trả!

Chiều đó tôi lên chuyến tàu lửa SE3 đi từ Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh, toa giường nằm có máy lạnh. Nghe nói dịch vụ trên tàu Thống nhất đã cải tiến. Nhân viên toa đưa cho khách một cái ly giấy và xẳng giọng: “Nước nóng, nước lạnh ở đầu toa!”. Hết. Bốn giờ chiều, nhân viên đẩy xe đi bán bữa ăn tối. Một đĩa cơm, vài ngọn cải luộc, hai lát thịt bò nướng, một lát chả bằng hai ngón tay, một ly giấy đựng canh, một cây tăm và miếng giấy lau mỏng dính: Giá 25.000 đồng. Nguội, dở mà giá gấp đôi các quán tư nhân bán dưới các ga.

Phía sau là xe đẩy khác bán thức ăn thêm, cũng đắt gấp đôi giá bình thường. Nhiều người không ăn nổi khẩu phần làm sẵn, đành bấm bụng mua thêm.Tôi hỏi một cán bộ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang trên đường vào họp tại TP. Hồ Chí Minh ngồi cùng phòng vì sao có chuyện dịch vụ như thế. Anh này bảo trước là phần ăn theo định suất kèm theo vé, nay để giảm giá vé nên thực hiện theo cách mới do mỗi tổ phục vụ trên tàu tự doanh và hưởng lợi. Anh ta xác nhận cũng na ná như kế hoạch C hồi bao cấp, trên không biết!

Vị cán bộ này cho biết đã từng đi nghiên cứu ở Ấn Độ. Ngành đường sắt nước này không sắm toa ăn theo đoàn tàu mà dừng lại ở các ga thích hợp lấy thức ăn chế biến dưới ga, vừa tươi ngon vừa không tạo nhếch nhác trên tàu và giảm được ít nhất 30% nhân viên mỗi đoàn tàu. “Chúng tôi đã đề xuất học tập phương án này, nhưng ý lãnh đạo lại khác, đành vậy!”, anh ta nói.

Tôi đặt câu hỏi: Nếu có nhiều công ty dịch vụ đường sắt cùng thuê hạ tầng để kinh doanh vận tải và dịch vụ thì chất lượng có tăng lên không? Hành khách có được bảo vệ quyền lợi không? Anh ta chỉ mỉm cười!

Hai kiểu dịch vụ mà tôi nêu lên trên đây không phải là duy nhất. Còn rất nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp Nhà nước và cả tư nhân trong cơ chế thị trường vẫn còn thái độ đối xử như kiểu đó với người tiêu dùng. Họ chỉ có thể tồn tại do được hưởng bầu sữa bao cấp từ ngân sách hoặc sẽ gánh lấy thất bại từng ngày mà không hay biết. Nhưng trước hết, người tiêu dùng nếu không có sự chọn lựa khác, đành chịu xúc phạm vậy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Đọc thêm